Trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực trật tự xây dựng thì biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm do không có giấy phép xây dựng, sai giấy phép xây dựng diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, từ khi lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đến lúc ban hành quyết định cưỡng chế thì hiện trạng công trình xây dựng vi phạm có khi đã thay đổi hoàn toàn dẫn đến lúng túng trong việc cưỡng chế.
Chỉ cưỡng chế theo quyết định xử phạt
Nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm không được vượt quá phần vi phạm đã thể hiện trong biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Bởi vì, theo Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật này.
Như vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính nêu rõ cưỡng chế khi người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt, do đó, khi cưỡng chế chỉ cưỡng chế phần công trình đã bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó.
(Hướng dẫn Cưỡng chế khi tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính thay đổi tên gọi)
Đối với các phần diện tích phát sinh sau khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền phải lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt mới theo Khoản 3 Điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, cụ thể:
“Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần. Trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm đó, thì người có thẩm quyền xử phạt phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phù hợp để chấm dứt hành vi vi phạm. Khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi đó, người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng thêm tình tiết tăng nặng quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính hoặc xử phạt đối với hành vi không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt và xử phạt đối với hành vi vi phạm đã lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt.
Trường hợp hành vi vi phạm đã bị ra quyết định xử phạt nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm chưa thi hành hoặc đang thi hành quyết định mà sau đó vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm đó, thì hành vi vi phạm này được coi là hành vi vi phạm mới.”
Căn cứ vào quy định trên thì khi đã bị xử phạt mà tiếp tục vi phạm thì lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt và ban hành quyết định cưỡng chế để thực hiện luôn với phần công trình đã vi phạm trước đó mới đúng pháp luật.
(Xem bài viết hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
Cưỡng chế theo hành vi vi phạm
Một số quan điểm cho rằng, cách hiểu và áp dụng như trên là không phù hợp với thực tiễn vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng, vì hành vi xây dựng không phép, sai phép thường tiếp tục diễn ra sau khi bị lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành quyết định xử phạt, do đó nếu sau khi bị xử phạt mà cá nhân tiếp tục vi phạm lại tiếp tục xử phạt nữa rồi mới ban hành quyết định cưỡng chế thì không biết khi nào mới cưỡng chế được công trình xây dựng vi phạm.
Bên cạnh đó, Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở thì việc xử phạt hành vi xây dựng công trình không phép, sai phép không căn cứ vào diện tích công trình vi phạm để xác định mức xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ căn cứ vào hành vi không phép hay sai phép để xử phạt. Dù cá nhân/tổ chức xây dựng nhà cấp 4 hay nhà 5 tầng thì cũng bị mức xử phạt như nhau, do đó diện tích, hiện trạng công trình vi phạm không phải là yếu tố quyết định mà là hành vi vi phạm mới là yếu tố quyết định, do đó dù sau khi xử phạt mà cá nhân/tổ chức tiếp tục vi phạm thì vẫn phải cưỡng chế theo quyết định xử phạt ban đầu.
(Xem bài viết Mẫu kế hoạch cưỡng chế)
Để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, xử lý kịp thời, cương quyết các hành vi xây dựng không phép, sai phép, giảm thiệt hại cho người vi phạm cũng như cho nhà nước, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn việc cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực xây dựng khi hiện trạng công trình vi phạm đã thay đổi so với lúc lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
(Cưỡng chế Tháo dỡ hay phá dỡ công trình xây dựng không phép, sai phép?)
Trangtinphapluat.com rất mong muốn nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc. Ý kiến vui lòng ghi ở mục bình luận bên dưới bài viết.
Hướng dẫn ban hành quyết định cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính
Rubi