Tình huống kỳ 23: Thấy sai nhưng chưa biết sai chỗ nào

Tình huống kỳ 23:

Công ty A là doanh nghiệp kinh doanh thép, với mong muốn mở rộng sản xuất A đã ký hợp đồng kinh tế với công ty B mua 1.000 tấn phôi thép với giá 7 triệu đồng/tấn. Đúng hẹn, ngày 15-3-2015 công ty A đã chuyển 7 tỉ đồng cho công ty kim khí B nhưng công ty B lại giao thiếu 10 tấn phôi thép như hợp đồng đã ký.

Trước sự “sai sót” của bạn hàng, công ty A đã dùng mọi biện pháp hối thúc và yêu cầu nhưng công ty B vẫn kiên quyết sử dụng tuyệt chiêu “im lặng là vàng” để chối bỏ trách nhiệm.

Tình huống kỳ 23: Thấy sai nhưng chưa biết sai chỗ nào - ảnh 1

Tình huống kỳ 23: Thấy sai nhưng chưa biết sai chỗ nào - ảnh 2

Tình huống kỳ 23: Thấy sai nhưng chưa biết sai chỗ nào - ảnh 3

Trước tình thế này, công ty A đành nộp đơn ra tòa án có thẩm quyền để khởi kiện, yêu cầu công ty B phải trả lại số tiền phôi thép còn thiếu là 70 triệu đồng và tiền lãi kể từ ngày vi phạm. Xử sơ thẩm, ngày 15-9-2015, tòa án đã tuyên buộc công ty B phải trả lại cho công ty A 70 triệu đồng là số tiền phôi thép bị giao thiếu. Đối với yêu cầu lãi suất, HĐXX áp dụng mức lãi suất cơ bản do Nhà nước công bố tại thời điểm xét xử là 9%/năm để buộc công ty B trả lại cho công ty A hơn 3 triệu đồng. Tổng cộng, công ty B phải có trách nhiệm thanh toán hơn 73 triệu đồng cho công ty A. Khi nghe tòa tuyên án, đại diện của công ty A băn khoăn: “Ủa, có gì đó sai sai” nhưng lại không biết sai chỗ nào.

Do vậy, À Ra Thế đành nhờ đến quý bạn đọc tra cứu quy định pháp luật có liên quan để ra tay trợ giúp cho phía công ty A xem thử: Bản án trên sai chỗ nào và đừng quên gửi kèm dự đoán số người có đáp án đúng nhé!

BAN TỔ CHỨC

Nguồn:plo.vn

TRANGTINPHAPLUAT.COM GỢI Ý TRẢ LỜI NHƯ SAU (MANG TÍNH THAM KHẢO)

Theo Trangtinphapluat.com thì tình huống kỳ này khá khó nên trangtinphapluat.com không thể đưa ra đáp án mà chỉ viện dẫn các điều luật có liên quan để bạn đọc nghiên cứu, tự trả lời:

Theo như nội dung tình huống thì công ty Kim khí B đã vi phạm hợp đồng với công ty thép A, cụ thể là không giao hàng theo như hợp đồng nên công ty A đã khởi kiện ra Tòa yêu cầu trả lại 70 triệu đồng và tiền lãi suất. Tòa án đã tuyên công ty B phải trả cho công ty A 70 triệu đồng và hơn 3 triệu đồng tiền lãi suất (lãi suất 9% năm theo lãi suất cơ bản của ngân hàng). Câu hỏi nêu ra là Bản án sai ở chổ nào?

Theo trangtinphapluat.com thì bản án có thể sai ở chổ áp dụng lãi suất cơ bản. Tòa án đã áp dụng Khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự 2005 để tính lãi suất, cụ thể khoản 2 quy định: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

So sánh Bộ luật dân sự 2015 với BLDS 2005
So sánh Bộ luật dân sự 2015 với BLDS 2005

Tuy nhiên, đây là tranh chấp thương mại nên theo Khoản 3 Điều 4 Luật Thương mại thì: “Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự.” Do đó, Tòa án phải căn cứ vào Luật Thương mại để giải quyết, cụ thể theo Điều 306 Luật Thương mại 2005 thì:

“Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”

Và trên thực tế thì mức lãi suất nợ quá hạn sẽ cao hơn mức lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố, do đó Tòa án áp dụng mức lãi suất cơ bản là không đúng pháp luật và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công ty A.

Đáp án kỳ 22: Mua nhầm ma túy giả, vẫn chịu tội

(PL)- Đa số bạn đọc đều xác định được trong tình huống của kỳ 22, cả A và B đều phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

Tuy nhiên, sơ lược qua các đáp án gửi về, À Ra Thế thấy rằng quan điểm của các bạn lại chia thành nhiều luồng khác nhau. Theo đó, quan điểm chiếm số đông cho rằng hành vi của A sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139, Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và B sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự bởi đây chỉ là bột phấn, bột mì nên qua giám định sẽ không có cơ sở để buộc tội. Quan điểm chiếm số ít hơn thì cũng cho rằng A phạm tội lừa đảo, riêng B thì phạm tội mua bán trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 1 Điều 194 BLHS 1999. Số ít đáp án còn lại thì cho rằng cả A và B đều bị xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy. Nếu bạn đọc chịu khó xem các văn bản hướng dẫn thì sẽ thấy lời giải đáp cho tình huống của kỳ 22 nằm gọn trong Thông tư liên tịch số 08/2015 ngày 14-11-2015 của Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Tư pháp (sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP) hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS 1999.

Bài giảng Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo đó, khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 08/2015 quy định về việc sửa đổi, bổ sung tiết 1.4 mục 1 Phần I của Thông tư liên tịch số 17/2007 như sau: “Trường hợp một người biết là chất ma túy giả nhưng làm cho người khác tưởng là chất ma túy thật nên mua bán, trao đổi… thì người đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm về ma túy mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS…”. Đối chiếu với tình huống, A dùng thủ đoạn gian dối (làm giả ma túy) để chiếm đoạt số tiền là 15 triệu đồng của B nên hành vi của A thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài theo Điều 139 BLHS 1999.

Cạnh đó, khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 08/2015 cũng quy định: “Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy… nhưng người thực hiện hành vi phạm tội ý thức rằng chất đó là chất ma túy… thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy”. Tình huống đưa ra, vật mà A với B mua bán chỉ là bột phấn, bột mì nhưng B nghĩ rằng đây là ma túy nên B phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 của điều luật tương ứng. Theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 08/2015, điều luật tương ứng cho hành vi của B trong tình huống này là khoản 1 Điều 194 BLHS 1999, tội mua bán trái phép chất ma túy.

Do vậy, đáp án À Ra Thế kỳ 22 là: A sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và B bị xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy. À Ra Thế xin chúc mừng những bạn đọc có đáp án trùng với đáp án trên. Vẫn với tinh thần “Không được giải cũng được luật” xin mời bạn đọc tiếp tục nhanh tay tra luật để tham gia giải đố ở các kỳ tiếp theo.

BAN TỔ CHỨC
nguồn: plo.vn

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *