Tình huống kỳ 22: Bên bán bột, bên tưởng ma túy

Tình huống kỳ 22:

A là một thanh niên nghiện ma túy. Trong một lần thiếu tiền để thỏa mãn nhu cầu, A đã nghĩ ra cách lấy bột phấn, bột mì để làm giả ma túy với mục đích bán cho con nghiện.

Qua môi giới, B là người chuyên bán lẻ ma túy đã tìm đến A vì thấy “hàng” ở đây giá rẻ hơn so với thị trường. Sau khi gọi điện thoại trao đổi, A và B đã thống nhất được địa điểm giao dịch cũng như cách thức mua bán.

Đúng như kế hoạch, vào một buổi sáng năm 2015, A và B gặp nhau, A giao cho B năm gói hàng với giá 3.000.000 đồng/gói, B phải thanh toán cho A tổng cộng 15.000.000 đồng. Ngay lúc đó, lực lượng công an đã ập vào bắt quả tang cả hai.

À Ra Thế xin mời quý độc giả nhanh tay tra cứu các quy định pháp luật có liên quan để xác định xem hành vi của A, B sẽ bị xử lý như thế nào và đừng quên dự đoán số người có đáp án đúng nhé!

BAN TỔ CHỨC

Nguồn:plo.vn
TRANGTINPHPALUAT.COM GỢI Ý TRẢ LỜI NHƯ SAU (MANG TÍNH THAM KHẢO)
Câu 1. Hành vi của A và B bị xử lý như thế nào?
* Về hành vi của A: Theo tình huống thì A đã lấy bột phấn, bột mì để làm giả ma túy với mục đích bán cho con nghiện. Như vậy, khi thực hiện hành vi A đã biết rõ bột phấn, bột mì không phải là tiền chất để tạo thành ma túy, sản phẩm làm ra cũng không phải là ma túy mà chỉ là ma túy giả nhằm lừa đảo người khác lấy tiền tiêu xài.

Xử lý tội phạm ma túy

Xử lý nghiêm hành vi buôn bán trái phép chất ma túy

Theo hướng dẫn tại Khoản 2 ĐIều 1 Thông tư 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999 thì: “Trường hợp một người biết là chất ma túy giả nhưng làm cho người khác tưởng là chất ma túy thật nên mua bán, trao đổi… thì người đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm về ma túy mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự, nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác nữa trong cấu thành tội phạm của tội này.”

Căn cứ vào nội dung tình huống và quy định viện dẫn ở trên thì hành vi làm ma túy giả của A nhằm lừa đảo B để bán, chiếm tiền không cấu thành tội phạm về ma túy mà thành tội  lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS 1999 được sửa đổi, bổ sung 2009. A sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo Khoản 1 Điều 139, cụ thể:  Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

* Về hành vi của B: B là người chuyên buôn bán lẻ ma túy, B tưởng A bán ma túy thật nên đã liên hệ mua và bị bắt quả tang. 

Theo hướng dẫn Khoản 2 ĐIều 1 Thông tư 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999 thì: “Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi phạm tội ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy.”

Và theo hướng dẫn tại điểm b khoản 3.3 mục II của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999, hướng dẫn về tội mua bán trái phép chất ma túy thì hành vi:  Mua chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 194 BLHS 1999.

Như vậy, căn cứ vào hướng dẫn nêu trên và hành vi của B thì: khi thực hiện hành vi mua chất ma túy của A, B ý thức rằng chất đó là ma túy nên mua về bán lẻ cho các con nghiện nên B sẽ bị xử lý hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy theo Khoản 1 Điều 194 BLHS 1999, cụ thể:  Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy  năm.

Đáp án kỳ 21: Tòa phải trả đơn vì di chúc chưa hiệu lực

(PL)- Xem qua một lượt các đáp án gửi về, đa số đáp án của kỳ 21 đã chia làm hai quan điểm: Ông A không có quyền sửa di chúc và tòa bác yêu cầu của anh C. Chỉ có một số ít bạn đọc tinh ý né được “bẫy” của chương trình: tòa xét xử như vậy là sai.

Ngay từ đầu, “cái bẫy” của tình huống này đã được chương trình đưa ra khá cụ thể, ngay trong nội dung của di chúc: “Di chúc này có hiệu lực khi hai vợ chồng qua đời”. Nếu bạn nào tinh ý sẽ thấy ngay dữ kiện này và đây chính là cơ sở để chúng ta đi tìm các quy định pháp luật liên quan, đảm bảo cho một đáp án đạt yêu cầu.

Hiệu lực của di chúc theo Bộ luật Dân sự 2015
Hiệu lực của di chúc theo Bộ luật Dân sự 2015

Theo tình huống, vợ chồng ông A và bà B lập di chúc chung năm 2013 để lại toàn bộ tài sản chung cho con trai đầu là anh C. Sau khi bà B qua đời, ông A ra phòng công chứng để sửa đổi di chúc chung để lại toàn bộ tài sản cho anh D với lý do anh C bất hiếu. Đến đây, đa số bạn đọc đã “sập bẫy” khi chỉ tập trung xác định việc ông A sửa đổi di chúc chung như vậy có đúng quy định pháp luật không. Từ đó một phần các đáp án xác định ông A sửa di chúc là sai nên tòa án đã xử đúng luật khi chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh C. Một phần khác thì cho rằng việc anh C bất hiếu là thuộc một trong những trường hợp không được quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 643 BLDS 2005.

Trong khi đó, chỉ có một số ít bạn đọc để ý đến việc thụ lý, giải quyết vụ kiện của tòa án đối với yêu cầu của anh C có đúng quy định của BLDS và BLTTDS hay không. Theo hướng này, nhiều bạn đọc đã chỉ ra Điều 668 BLDS 2005 quy định về hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng như sau: “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết”. Đối chiếu với tình huống, chúng ta thấy tòa án thụ lý và đưa vụ kiện ra xét xử trong khi ông A còn sống là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Đúng ra khi anh C nộp đơn khởi kiện, tòa án phải căn cứ vào điểm đ khoản 1 Điều 168 BLTTDS 2015 để trả lại đơn khởi kiện vì “chưa có đủ điều kiện khởi kiện”.

Từ những phân tích trên, đáp án À Ra Thế kỳ 21 là: Tòa án sơ thẩm xét xử như vậy là không đúng.

À Ra Thế xin chúc mừng những bạn đọc có đáp án trùng với đáp án trên. Vẫn với tinh thần “Không được giải cũng được luật”, xin mời bạn đọc tiếp tục nhanh tay tra luật để tham gia giải đố ở các kỳ tiếp theo.

Con số may mắn kỳ 21 sẽ được À Ra Thế công bố đến quý bạn đọc vào thứ Tư 21-12 kèm theo danh sách năm bạn đọc xuất sắc nhất. Chúng ta hãy cùng nhau chờ xem bạn đọc nào sẽ được vinh danh trên bảng vàng nhé!

BAN TỔ CHỨC
Nguồn:plo.vn

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *