Tình huống kỳ 29:
A không có nghề nghiệp và tự nuôi bản thân bằng ngón nghề chôm chĩa ở những nơi đông người. Trong một lần móc túi, A lấy được một cái bóp trong đó có một số giấy tờ tùy thân của chị X cùng 300.000 đồng và hai tờ vé số chưa dò. A mang hai tờ vé số ra dò thì trúng được 6.000.000 đồng.
Trong lúc A đang hí hửng nhận tiền thưởng tại đại lý vé số thì chị X xuất hiện cùng các anh công an ập đến bắt. Xử lý ban đầu, công an cho rằng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự A về tội trộm cắp tài sản, giấy tờ tùy thân và số tiền 300.000 đồng sẽ trả lại cho chị X. Riêng số tiền trúng thưởng sẽ tịch thu sung công quỹ.
Do không am hiểu về pháp luật, chị X nhờ quý bạn đọc tra cứu quy định pháp luật để xem phải xử lý A và số tiền trúng thưởng kia như thế nào. Quý bạn đọc cũng đừng quên gửi kèm dự đoán số người có cùng đáp án nhé!
BAN TỔ CHỨC
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
* Số tiền trúng thưởng phải trả lại cho chị X
Theo Khoản 2 Điều 41 Bộ luật hình sự 1999 quy định tịch thu vật, tiền liên quan đến tội phạm thì: Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
Như vậy, Số tiền trúng thưởng 6 triệu đồng là số tiền hợp pháp của chị X nên phải được trả lại cho chị X, chứ không được tịch thu sung công quỹ nhà nước.
ĐÁP ÁN KỲ 28:
Vụ án này sau đó đã được giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm và được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chọn làm án lệ và được công bố theo Quyết định 220/QĐ-CA ngày 6-4-2016 của chánh án TAND Tối cao. Do vậy, bạn đọc nào có trong tay án lệ số 02/2016/AL thì tình huống này sẽ trở nên vô cùng đơn giản.
Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP về lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ đã quy định “khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, đảm bảo những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau…”.
Án lệ số 02/2016/AL đã chỉ ra: Trong trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã đầu tư vốn để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhờ người trong nước đứng tên nhận chuyển nhượng sử dụng đất hộ mình, khi giải quyết tranh chấp trên tòa án phải xem xét: Đối với khoản tiền mà người nước ngoài đã đầu tư thì sau khi chuyển nhượng đất bắt buộc phải hoàn trả cho họ; sau khi trừ số tiền đã đầu tư mà vẫn còn dư thì phải xem xét đến công sức bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất cho người đứng tên hộ; trường hợp không xác định chính xác công sức của người đó thì cần xác định người thực chất trả tiền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và người đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công sức ngang nhau để phân chia phần giá trị chênh lệch tăng thêm so với tiền gốc.
Đối chiếu với tình huống, chúng ta dễ dàng nhận thấy cách xử lý của tòa án cấp sơ thẩm là tịch thu sung vào công quỹ đối với số tiền chênh lệch 200 triệu đồng thu được từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là chưa đúng mà phải xem xét đến công sức bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị đất của anh A, đồng thời xác định công sức đóng góp của anh A để chia cho anh A một phần tương ứng với công sức đó; trường hợp không xác định chính xác công sức của anh A thì phải xác định chị X và anh A có công sức ngang nhau để chia số tiền 200 triệu đồng trên.
Từ những phân tích trên, đáp án À Ra Thế kỳ 28 là: Tòa án cấp phúc thẩm sẽ chấp nhận một phần kháng cáo của chị X., tuyên chia số tiền 200 triệu đồng cho anh A và chị X dựa trên công sức đóng góp của hai người.
À Ra Thế xin chúc mừng những bạn đọc có đáp án trùng với đáp án trên. Vẫn với tinh thần “Không được giải cũng được luật”, xin mời bạn đọc tiếp tục nhanh tay tra luật để tham gia giải đố ở các kỳ tiếp theo.
BAN TỔ CHỨC