Ngày 18/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 68/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực từ ngày 02/5/2025.
Trangtinphapluat.com giới thiệu một số điểm mới của Nghị định 68/2025/NĐ-CP so với Nghị định 118/2021/NĐ-CP như sau:
1. Bổ sung nguyên tắc áp dụng văn bản pháp luật để xử phạt
Nghị định 68/2025/NĐ-CP bổ quy sung định: Thẩm quyền, thủ tục và biểu mẫu trong xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực tại thời điểm xem xét, xử lý hành vi vi phạm.
2. Bổ sung quy định xác định tái phạm, vi phạm nhiều lần
Nghị định 68/2025/NĐ-CP bổ quy sung định: Cá nhân, tổ chức tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã bị xử phạt hoặc chưa bị xử phạt đối với hành vi vi phạm được quy định ở các điểm trong cùng một khoản hoặc các khoản trong cùng một điều với mức độ vi phạm hoặc hậu quả gắn với mức phạt khác nhau, thì được coi là vi phạm cùng một hành vi để xác định tái phạm hoặc vi phạm hành chính nhiều lần.

Nếu vi phạm hành chính nhiều lần được quy định là tình tiết tăng nặng và thuộc trường hợp nêu trên thì áp dụng khung tiền phạt cao nhất, khung thời hạn đình chỉ, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề dài nhất quy định đối với hành vi đó trong các lần vi phạm
3. Quy định mới về Nguyên tắc xác định mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ:
Theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP không hướng dẫn cụ thể trường hợp có 1 và nhiều tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng thì áp dụng mức phạt như thế nào, dẫn đến áp dụng khác nhau giữa các cơ quan, đơn vị khi xử phạt, tạo sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Để khắc phục tình trạng trên, Nghị định 68/2025/NĐ-CP đã quy định cụ thể nguyên tắc phạt tiền như sau:
+ Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó;
+ Nếu có 01 tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt cụ thể được xác định trong khoảng từ trên mức tối thiểu đến dưới mức trung bình của khung tiền phạt; trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt;
+ Nếu có 01 tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt cụ thể được xác định trong khoảng từ trên mức trung bình đến dưới mức tối đa của khung tiền phạt; trong trường hợp có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt;
+ Nếu vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì giảm trừ một tình tiết tăng nặng với một tình tiết giảm nhẹ;
+ Nếu nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định nguyên tắc xác định mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì áp dụng theo quy định tại nghị định đó.
Nghị định 68/2025/NĐ-CP cũng quy địnhNguyên tắc xác định thời hạn cụ thể tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với một hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cũng giống như nguyên tắc xác định phạt tiền nêu trên.
4. Quy định mới vềTạm giữ, giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong xử phạt vi phạm hành chính
Nghị định 68/2025/NĐ-CP đã bổ sung quy định trách nhiệm của người thi hành công vụ, đó là: Khi thi hành công vụ, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra thông tin về giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cá nhân, tổ chức vi phạm từ các cơ sở dữ liệu, căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử theo quy định; nếu không thể kiểm tra được thông tin thì yêu cầu cá nhân, tổ chức vi phạm xuất trình giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Ngoài việc quy định tạm giữ bản giấy của giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì Nghị định 68 còn bổ sung việc tạm giữ giấy phép dưới dạng điện tử, cụ thể: Trường hợp giấy phép được cấp dưới dạng điện tử hoặc được thể hiện dưới hình thức thông điệp dữ liệu thì cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện tạm giữ, tước trên môi trường điện tử theo quy định nếu đáp ứng được điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin. Việc tạm giữ, tước quyền sử dụng được cập nhật trạng thái trên cơ sở dữ liệu hoặc căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử theo đúng quy định.
5. Lập biên bản vi phạm hành chính
Nghị định 68 có nhiều bổ sung mới về lập biên bản vi phạm hành chính như:
Hướng dẫn ghi biên bản vi phạm hành chính theo Nghị định 68/2025/NĐ-CP
+ Căn cứ lập biên bản vi phạm hành chính bổ sung

các biên bản, tài liệu ghi nhận vi phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, thực hiện hoạt động quản lý nhà nước hoặc tiến hành tố tụng là một trong những căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính.
+ Tăng thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính từ 02 ngày làm việc lên 03 ngày làm việc. Đối với trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, tăng 02 ngày so với Nghị định 118/2021/NĐ-CP.
+ Bổ sung quy định về chuyển và nhận biên bản vi phạm hành chính: Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi lập biên bản vi phạm hành chính, thì biên bản vi phạm hành chính được gửi qua đường bưu điện bằng hình thức bảo đảm hoặc niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt. Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm có mặt nhưng từ chối nhận hoặc biên bản đã được gửi qua đường bưu điện hoặc đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt thì được coi là biên bản đã được giao.
6. Điểm mới về hủy bỏ, sửa đổi, đính chính quyết định xử phạt hành chính
Về cơ bản Nghị định 68/2025/NĐ-CP kế thừa Nghị định 118/2021/NĐ-CP về thẩm quyền, các trường hợp hủy bỏ, ban hành mới, đính chính quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, có bổ sung thêm một số nội dung mới như sau:
+ Việc hủy bỏ, ban hành quyết định mới nêu trên chỉ áp dụng đối với các quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Phần thứ hai của Luật Xử lý vi phạm hành chính: Gồm các hình thức xử phạt: Cảnh cáo; Phạt tiền; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính); Trục xuất. Và các biện pháp buộc khắc phục hậu quả.
+ Thời hạn ban hành quyết định xử phạt mới không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính. So với Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì Nghị định 68 chỉ quy định chung 1 thời hạn ban hành là 07 ngày, còn trước đây thì thời hạn từ 7 ngày đến 2 tháng tùy từng tính chất vụ việc.

+ Nghị định 68/2025/NĐ-CP cũng bổ sung quy định không thực hiện sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm thủ tục trong xử phạt phạt vi phạm hành chính nhưng không dẫn đến vi phạm quy định tại các điểm c (những trường hợp không ra quyết định xử phạt), d (phạt không đúng thẩm quyền, đối tượng), e (xác định hành vi không đúng hoặc không có hành vi), g (áp dụng hình thức xử phạt không đúng) và h (giả mạo làm sai lệch hồ sơ) khoản 1 Điều 13 Nghị định này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
+ Nghị định 68/2025/NĐ-CP quy định Quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc quyết định mới có hiệu lực kể từ ngày ký và phải được thi hành ngay khi cá nhân, tổ chức vi phạm nhận được quyết định. Trước đây Nghị định 118 quy định có hiệu lực kể từ ngày ký hoặc một thời điểm cụ thể sau ngày ký quyết định.
+ Đối với quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung quyết định cưỡng chế liên quan đến phạt tiền thì thời hiệu thi hành là 01 năm, còn các trường hợp liên quan đến tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và ban hành quyết định cưỡng chế mới do có thay đổi đối tượng vi phạm hành chính thì không áp dụng thời hiệu thi hành.
8. Điểm mới về xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Về cơ bản, Nghị định 68 quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt theo Điều 52 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, có bổ sung thêm một số nguyên tắc mới liên quan đến chuyển hồ sơ xử phạt của ngành dọc đóng trên địa bàn các địa phương.
+ Vụ việc vi phạm hành chính do người có thẩm quyền thuộc cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương đang thụ lý, giải quyết nhưng phải chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt, thì việc chuyển hồ sơ có thể được quy định cụ thể tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước hoặc theo thứ tự sau đây:
– Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc tại địa phương;
– Chánh Thanh tra bộ hoặc người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cao nhất trong ngành, lĩnh vực quản lý hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm. Vụ việc vi phạm hành chính có hành vi thuộc trường hợp tại điểm c khoản 4 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính ( Nếu hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm) hoặc vụ việc có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là bất động sản, tàu bay, tàu biển, phương tiện thủy nội địa, các loại hàng hóa, phương tiện cồng kềnh, khó vận chuyển, chi phí vận chuyển cao thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.
+ Vụ việc vi phạm hành chính có nhiều hành vi vi phạm thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau mà trong đó có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, thì thực hiện như sau:
– Đối với những hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì xác định theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính ( Nếu hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm)
– Đối với những hành vi không thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì xác định theo quy định tại các điểm a và b khoản 4 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính.((a) Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó; b) Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt)
9. Bổ sung quy định việc ghi nội dung biểu mẫu trong xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp đối tượng vi phạm là hộ gia đình, hộ kinh doanh, cộng đồng dân cư được thực hiện như sau
+ Thông tin của hộ gia đình, hộ kinh doanh, cộng đồng dân cư được ghi tại phần thông tin của tổ chức. Trước đây Nghị định 118 không hướng dẫn nội dung này nên thường các cơ quan lập biên bản vi phạm hành chính cũng như quyết định xử phạt ghi ở mục cá nhân vi phạm.

+ Tại mục ghi “tên của tổ chức”, ghi rõ cụm từ “hộ gia đình” gắn với tên chủ hộ gia đình đối với đối tượng là hộ gia đình, ghi rõ tên của hộ kinh doanh theo quy định của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp đối với đối tượng là hộ kinh doanh, ghi rõ cụm từ “cộng đồng dân cư” gắn với địa chỉ đối với đối tượng là cộng đồng dân cư;
+ Tại mục ghi “mã số doanh nghiệp”, ghi mã số hộ kinh doanh đối với đối tượng vi phạm là hộ kinh doanh, gạch chéo đối với đối tượng là hộ gia đình và cộng đồng dân cư;
+ Tại mục ghi “số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập/đăng ký hoạt động”, ghi “số giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh” đối với đối tượng vi phạm là hộ kinh doanh, gạch chéo đối với đối tượng là hộ gia đình và cộng đồng dân cư;
+ Tại mục ghi “người đại diện theo pháp luật”, ghi rõ họ và tên chủ hộ gia đình đối với hộ gia đình, ghi rõ họ và tên chủ hộ kinh doanh đối với đối tượng hộ kinh doanh, ghi rõ họ và tên người đại diện cho cộng đồng dân cư là trưởng thôn, làng, ấp, bản, bon, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự hoặc người được cộng đồng dân cư thỏa thuận cử ra đối với đối tượng là cộng đồng dân cư.”.
Phương Thảo