Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc những hạn chế, bất cập ,vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính:
1. Quy định về áp dụng văn bản pháp luật
Quy định về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt trong một số trường hợp chưa có cách hiểu thống nhất, ví dụ như việc áp dụng quy định về thủ tục, biểu mẫu đối với hành vi vi phạm đã kết thúc từ trước thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC có hiệu lực;…
2. Thế nào là một hành vi vi phạm?
Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định cụ thể như thế nào là một hành vi vi phạm hành chính. Vì vậy, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính quy định cùng một hành vi vi phạm có nhiều hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả khác nhau tương ứng với mức độ hoặc hậu quả của hành vi vi phạm; các nghị định xử phạt vi phạm hành chính thường quy định theo hướng chia nhỏ mức độ vi phạm của hành vi hoặc mức độ hậu quả do hành vi vi phạm gây ra để quy định các hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp.
Do đó cần sớm bổ sung quy định thế nào là một hành vi vi phạm hành chính để có cơ sở áp dụng tình tiết “vi phạm hành chính nhiều lần” hoặc “tái phạm”.
3. Thiếu quy định nguyên tắc xử phạt
Quy định về áp dụng hình thức phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả chưa có quy định cụ thể về một số trường hợp như: Nguyên tắc xác định mức phạt tiền; thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong trường hợp hành vi vi phạm có 01 tình tiết tăng nặng, 01 tình tiết giảm nhẹ sau khi đã bù trừ; chưa quy định đầy đủ nguyên tắc xác định mức phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần hoặc thực hiện nhiều hành vi vi phạm; việc áp dụng hình thức tước quyền sử dụng có thời hạn và thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề ngắn hơn thời hạn tước quyền sử dụng theo quy định của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP chưa bảo đảm tính răn đe, công bằng.
4. Vướng mắc trong lập biên bản vi phạm hành chính
Quy định liên quan đến lập biên bản vi phạm hành chính tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Thời hạn lập biên bản
– Quy định về các trường hợp áp dụng thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính tại các điểm c và đ khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP chưa rõ ràng, thống nhất trong cách hiểu và áp dụng.
+ Cách hiểu thứ nhất: Có 02 trường hợp sau được áp dụng điểm c và điểm đ khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP: (1) Vụ việc có hành vi được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; (2) Vụ việc có hành vi phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan.
+ Cách hiểu thứ hai: Có 02 trường hợp sau được áp dụng điểm c và điểm đ khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP: (1) Vụ việc có hành vi được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và xác minh tình tiết có liên quan; (2) Vụ việc có hành vi phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan.
+ Cách hiểu thứ ba: Có 03 trường hợp sau được áp dụng điểm c và điểm đ khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP: (1) Vụ việc có hành vi được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; (2) Vụ việc có hành vi phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan; (3) Vụ việc phải xác minh tình tiết liên quan.
Do đó, cần bỏ cụm từ “và xác minh tình tiết liên quan” tránh gây ra nhiều cách hiểu khác nhau.
Chưa quy định lập biên bản khi có nhiều hành vi vi phạm
– Chưa có quy định về việc lập biên bản vi phạm hành chính trong một số trường hợp cụ thể để giải quyết thực tiễn tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, ví dụ như việc lập biên bản vi phạm hành chính đối với trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm hoặc nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm trong các trường hợp cụ thể.
Không thuộc thẩm quyền có lập biên bản hay không?
– Quy định của Nghị định 118 chưa rõ các trường hợp đã xác định là hành vi vi phạm hành chính nhưng không thuộc thẩm quyền lập biên bản hoặc lĩnh vực, địa bàn quản lý thì có thuộc thẩm quyền lập biên bản hay không.
Thực tế hiện nay, việc lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong cùng một vụ việc vừa có hành vi thuộc thẩm quyền vừa có hành vi không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của người phát hiện hành vi vi phạm đang gặp phải vướng mắc, bất cập do có quan điểm cho rằng không có sự thống nhất giữa điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP: “Đối với hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình, thì phải lập biên bản làm việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền” và điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP: “Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm, thì người có thẩm quyền lập một biên bản vi phạm hành chính, trong đó ghi rõ từng hành vi vi phạm”.
Các quy định nêu trên không có sự thống nhất để xử lý trường hợp các hành vi vi phạm trong cùng một vụ việc vừa có hành vi thuộc thẩm quyền, vừa có hành vi không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của người phát hiện hành vi vi phạm.
Thời hạn 24 giờ chuyển biên bản VPHC là quá ngắn
Việc quy định về thời hạn chuyển biên bản vi phạm hành chính là 24 giờ tại khoản 5 Điều 58 Luật XLVPHC gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng; dẫn đến trường hợp vi phạm thủ tục xử phạt và không thể tiếp tục xử lý đối với những trường hợp này, trong khi vi phạm hành chính có thể vẫn đang diễn ra, không thể xử lý, ảnh hưởng đến trật tự quản lý hành chính nhà nước.
Hiện nay, khoản 6 Điều 58 Luật XLVPHC mới chỉ xử lý đối với trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót về nội dung, mà chưa có quy định để khắc phục các sai sót về thủ tục lập biên bản vi vi phạm hành chính, do đó cần sớm bổ sung quy định để việc lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính được đảm bảo.
5. Bất cập trong sửa đổi, bổ sung quyết định xử phạt
Các quy định liên quan đến sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính tại Nghị định số 118/2021/NĐ-CP phát sinh một số vướng mắc, bất cập:
Hủy bỏ, ban hành quyết định mới
– Điểm đ khoản 1 Điều 13 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định huỷ bỏ, ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp “áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính” quy định tại khoản 6 Điều 12 Luật XLVPHC. Bên cạnh đó, trường hợp “không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả” quy định tại khoản 4 Điều 12 Luật XLVPHC lại không phải huỷ bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, việc quy định hủy bỏ quyết định xử phạt khi áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong một số trường hợp không thực sự cần thiết, mà chỉ cần quy định sửa đổi, bổ sung, tránh những hậu quả pháp lý hông cần thiết khi các quyết định sai sót phải hủy bỏ.
Thẩm quyền sửa đổi, bổ sung
– Thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ các quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính của Trường đoàn thanh tra chuyên ngành khi hết thời hạn thanh tra hoặc của chức danh có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn hoặc của chức danh do thay đổi cơ cấu tổ chức dẫn đến không còn thẩm quyền xử phạt hoặc không còn chức danh đó nữa chưa được quy định cụ thể trong Nghị định định 118/2021/NĐ-CP.
6. Thẩm quyền xem xét miễn giảm tiền phạt
Quy định về thẩm quyền xem xét hoãn, giảm, miễn tiền phạt trong trường hợp chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính để tổ chức thi hành theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP không thực sự phù hợp với Điều 76 và 77 Luật XLVPHC.
Hiện nay đang quy định thẩm quyền xem xét hoãn, giảm, miễn tiền phạt do người có thẩm quyền tại cơ quan tiếp nhận quyết định xử phạt để thi hành có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét, quyết định không phù hợp với Điều 76 và 77 Luật XLVPHC (thẩm quyền xem xét hoãn, giảm, miễn tiền phạt do người đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính xem xét, quyết định).
7. Về thẩm quyền xử phạt
Quy định về việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp không thể xác định được theo nguyên tắc của Điều 52 Luật XLVPHC như: Vụ việc có nhiều hành vi vi phạm thuộc nhiều ngành khác nhau, nhưng có hành vi vi phạm không thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; việc chuyển vụ việc có tang vật là hàng cấm tàng trữ, cấm lưu hành đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc người có thẩm quyền xử phạt cao nhất là không thực sự cần thiết, trong khi Luật XLVPHC sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã mở rộng hơn thẩm quyền tịch thu của một số chức danh.
rubi