Ngày 18/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 68/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực từ ngày 02/5/2025.
Quy định mới về cách ghi biểu mẫu xử phạt vi phạm hành chính từ ngày 02/5/2025
Điểm mới của Nghị định 68/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính
Hướng dẫn ghi biên bản vi phạm hành chính theo Nghị định 68/2025/NĐ-CP
Trangtinphapluat.com giới thiệu một số điểm mới của Nghị định 68/2025/NĐ-CP so với Nghị định 118/2021/NĐ-CP về lập biên bản vi phạm hành chính
1. Căn cứ lập biên bản vi phạm hành chính
Tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định biên bản làm việc trong trường hợp vi phạm không thuộc thẩm quyền của người lập biên bản hoặc trong trường hợp giám định, kiểm nghiệm thì lập bản làm việc thì các biên bản làm việc này là căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính.
Nghị định 68/2025/NĐ-CP bên cạnh kế thừa quy định nêu trên, còn bổ sung các tài liệu ghi nhận trong quá trình thanh tra, kiểm tra hoặc hoạt động tố tụng cũng là căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính, cụ thể sửa đổi khoản 1 Điều 12 Nghị định 118 như sau:

“a) Đối với hành vi vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý hoặc trường hợp vụ việc phải giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm tang vật, phương tiện hoặc trường hợp cần thiết khác thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có trách nhiệm lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc;
b) Biên bản làm việc quy định tại điểm a khoản này hoặc các biên bản, tài liệu ghi nhận vi phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, thực hiện hoạt động quản lý nhà nước hoặc tiến hành tố tụng là một trong những căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính“
Nghị định 68 còn bổ sung quy định: Trường hợp người đang xem xét, xử lý vụ việc không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thì biên bản, tài liệu quy định nêu trên và hồ sơ kèm theo (nếu có) phải được chuyển kịp thời cho người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
2. Bổ sung quy định lập biên bản VPHC của cơ quan tiến hành tố tụng
Nghị định 68 quy định Trường hợp chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt vi phạm hành chính mà không có một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính (quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án,…) thì thực hiện như sau:
+ Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính trước khi chuyển hồ sơ;
+ Nếu không thuộc trường hợp trên (tức là không lập biên bản vi phạm hành chính) thì văn bản đề nghị xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự phải có những nội dung chủ yếu sau đây: thông tin về cá nhân, tổ chức vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; mô tả cụ thể, đầy đủ vụ việc, hành vi vi phạm; điểm, khoản, điều của nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cụ thể.
3. Thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính:
+ Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính là 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính. Nghị định 68/2025/NĐ-CP tăng thêm 01 ngày, thành 03 ngày làm việc.
+ Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính (kế thừa Nghị định 118)

+ Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc (tăng 02 ngày so với Nghị định 118), kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm
+ Trường hợp một vụ việc có nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau, trong đó có hành vi được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm, thì biên bản vi phạm hành chính được lập đối với các hành vi trong vụ việc đó trong thời hạn 05 ngày làm việc (tăng 02 ngày so với Nghị định 118), kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được đầy đủ kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm.
4. Lập biên bản vi phạm hành chính trong một số trường hợp:
+ Bổ sung quy định lập biên bản trong trường hợp vụ việc vi phạm có nhiều hành vi vi phạm trong cùng một lĩnh vực hoặc nhiều lĩnh vực, cụ thể:
Vụ việc vi phạm hành chính có nhiều hành vi vi phạm trong cùng một lĩnh vực quản lý nhà nước thì người có thẩm quyền đang thụ lý giải quyết vụ việc lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền và lập biên bản làm việc đối với các hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền.
Vụ việc vi phạm hành chính có nhiều hành vi vi phạm thuộc các ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau, thì người có thẩm quyền đang thụ lý giải quyết vụ việc lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền và lập biên bản làm việc đối với các hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền.
+ Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm, thì người có thẩm quyền lập một biên bản vi phạm hành chính, trong đó ghi rõ từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp có hành vi không thuộc thẩm quyền thì lập biên bản làm việc.
+ Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm, thì người có thẩm quyền có thể lập một hoặc nhiều biên bản vi phạm hành chính đối với từng cá nhân, tổ chức vi phạm. Trường hợp giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khác nhau, thì người có thẩm quyền phải ghi rõ giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính liên quan đến từng cá nhân, tổ chức vi phạm;
+ Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm, thì người có thẩm quyền có thể lập một hoặc nhiều biên bản vi phạm hành chính, trong đó ghi rõ từng hành vi vi phạm của từng cá nhân, tổ chức;
+ Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần, thì người có thẩm quyền lập một biên bản vi phạm hành chính, trong đó ghi rõ hành vi vi phạm và từng lần vi phạm.
5. Ký biên bản vi phạm hành chính
Nghị định 68/2025/NĐ-CP kế thừa Nghị định 118/2021/NĐ-CP, theo đó quy định ký biên bản vi phạm hành chính như sau:
+ Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký, trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính (biên bản bằng phương thức điện tử); trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ; nếu có người chứng kiến, người phiên dịch, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại, thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều trang, thì các bên liên quan phải ký vào từng trang biên bản;

b) Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính, thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến, thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
6. Chuyển, giao biên bản vi phạm hành chính:
+ Biên bản vi phạm hành chính được chuyển, giao theo quy định tại khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính ( Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa). Trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính, thì biên bản còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.
+ Trường hợp vi phạm hành chính xảy ra trên biển hoặc trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa, thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu hoặc người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga. Trường hợp tại thời điểm vào đến bờ, về đến sân bay, bến cảng, nhà ga mà chưa lập được biên bản vi phạm hành chính thì thời hạn chuyển biên bản vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
+ Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi lập biên bản vi phạm hành chính, thì biên bản vi phạm hành chính được gửi qua đường bưu điện bằng hình thức bảo đảm hoặc niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt. Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm có mặt nhưng từ chối nhận hoặc biên bản đã được gửi qua đường bưu điện hoặc đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt thì được coi là biên bản đã được giao.
Rubi