Tài liệu tập huấn hòa giải cơ sở có nhạy cảm giới năm 2020 -phần 3

Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc Bộ tài liệu tập huấn hòa giải cơ sở có nhạy cảm giới năm 2020 dành cho hòa giải viên. Tài liệu do Bộ Tư pháp biên soạn.

Tài liệu gồm 06phần: 

PHẦN 1: MỘT SỐ KIẾN THỨC CHUNG VỀ GIỚI  (xem tại đây)

PHẦN 2: GIỚI THIỆU CHUNG VỀ HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ (xem tại đây)

PHẦN 3: HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ CÓ NHẠY CẢM GIỚI

PHẦN 4: PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ NĂNG CỦA HÒA GIẢI VIÊN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHẠY CẢM GIỚI (xem tại đây)

Tài liệu tập huấn hòa giải cơ sở năm 2020
Tài liệu tập huấn hòa giải cơ sở năm 2020

PHẦN 5: TIẾN HÀNH HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ CÓ NHẠY CẢM GIỚI

PHẦN 6: THỰC HÀNH HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ CÓ NHẠY CẢM GIỚI.

Trong chuyên đề hôm nay, trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc phần thứ 3  -Hòa giải cơ sở có nhạy cảm giới.

1 NHẬN DIỆN MỘT SỐ VẤN ĐỀ GIỚI CÒN TỒN TẠI TRONG CÔNG TÁC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TẠI VIỆT NAM, NGUYÊN NHÂN VÀ THÁCH THỨC
Tại Việt Nam, hòa giải ở cơ sở là một cơ chế giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp được sử dụng phổ biến nhất tại cộng đồng dân cư. Đa số người dân có nhu cầu được giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hòa giải ở cơ sở, trung bình mỗi năm các tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 120.000 vụ, việc; hòa giải thành 100.000 vụ việc (tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 80%). Trong nghiên cứu gần đây về công tác hòa giải ở cơ sở do UNDP phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), Học viện Phụ nữ Việt Nam (VWA) và Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển  (DEPOCEN) đã cho biết “khoảng 70% số người được phỏng vấn cho thấy họ hài lòng với hòa giải ở cơ sở với tổng hợp các tiêu chí đánh giá gồm thái độ làm việc, hiểu biết, tinh thần trách nhiệm v.v… của hòa giải viên”.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, hòa giải ở cơ sở vẫn còn tồn tại một số thách thức, bao gồm: kiến thức chuyên môn của hòa giải viên ở cơ sở, kỹ năng hòa giải và nhất là kiến thức, hiểu biết về các vấn đề liên quan tới giới, bình đẳng giới cũng như kĩ năng làm việc với các nhóm đặc thù còn hạn chế.

1.1. Tỉ lệ tham gia của phụ nữ trong công tác hòa giải ở cơ sở còn thấp

Theo số liệu của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/12/2019, trên cả nước có 96.605 tổ hòa giải với 600.472 hòa giải viên ở cơ sở. Tuy nhiên, chỉ có 168.210 hòa giải viên nữ, chiếm 27,97% hòa giải viên ở cơ sở.

Nguyên nhân: 

✔ Rào cản về văn hóa.
✔ Quan niệm cố hữu về vai trò của nam giới.
✔ Thiếu sự công nhận vai trò của phụ nữ trong xã hội khi tham gia vào giải quyết các tranh chấp.

1.2. Hòa giải viên còn chưa được trang bị các kiến thức về giới và bình đẳng giới

Trong thực tế, không phải hòa giải viên nào cũng quan tâm tới các vấn đề giới, bình đẳng giới và quyền phụ nữ, trẻ em trong các vụ việc được hòa giải. Trong các buổi hòa giải họ thường tập trung tới mâu thuẫn, tranh chấp thay vì nhìn nhận toàn diện vấn đề chi phối hành vi của các bên như giới tính, văn hóa, tôn giáo và các nhận thức về giới. Số liệu trong nghiên cứu gần đây đã chỉ ra “… chỉ 68% cán bộ hòa giải có quan tâm đến giới”… và “Hòa giải viên thường tập trung vào vụ việc là chủ yếu, như kinh tế hay thể
diện nhiều hơn (chiếm 62,2% ý kiến trong số những người phỏng vấn)”.
Không chỉ vậy, kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra có trường hợp hòa giải viên còn áp đặt quan điểm cá nhân lên các bên liên quan, mà quan điểm đó mang tính phân biệt đối xử dựa trên giới. Một số hòa giải viên cũng được cho là thiếu nhạy cảm giới khi làm việc với các nhóm đặc thù như người khuyết tật, người dân tộc ít người và trẻ em, ví dụ như sử dụng ngôn ngữ và thái độ mang tính định kiến khi nhắc đến phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật. Do vậy, vấn đề này sẽ tác động trực tiếp tới hiệu quả và chất lượng của các cuộc hòa giải, sự tín nhiệm của người dân với công tác hòa giải cũng như tới nỗ lực chung của xã hội trong việc đạt được bình đẳng giới thực chất.
Ví dụ, theo khảo sát cho thấy vấn đề bình đẳng giới thực chất chưa được bảo đảm, có đến 40,5% số người được khảo sát cho rằng hòa giải viên ở cơ sở khuyên nhủ các bên nhẫn nhịn, chấp nhận điểm chưa tốt hay 21,6% số người được khảo sát cho biết có hòa giải viên còn khuyên phụ nữ và trẻ em chấp nhận thua nam giới và người lớn tuổi.

NGUYÊN NHÂN

Chương trình nâng cao năng lực, kiến thức, kĩ năng cho hòa giải viên chưa chú trọng nhiều tới các nội dung về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trong gia đình, bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em.
> Các tài liệu nâng cao kiến thức về giới, bình đẳng giới dành riêng cho cán bộ hòa giải viên chưa thực sự được quan tâm và chưa được lồng ghép trong các chương trình đào tạo định kì mà hòa giải viên được tham gia.
> Tỷ lệ tham gia các khóa đào tạo có nội dung, chương trình nâng cao về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trong gia đình, bảo vệ quyền con người, quyền trẻ em còn thấp (chỉ có 38,6% số hòa giải viên tham gia phỏng vấn đã tham gia).

1.3 Nhận thức về giới, bình đẳng giới của người dân nói chung và người được hòa giải nói riêng chưa cao

Ø Người dân nói chung và hòa giải viên nói riêng chưa nhận thức toàn diện về giới, bình đẳng giới và nhạy cảm giới.

Thay đổi hộ tịch cho người chuyển đổi giới tính
Bình đẳng giới

Ø Bình đẳng giới có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, định kiến giới, phân biệt đối xử về giới vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ø Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại trong xã hội, phong tục, tập quán lạc hậu còn duy trì ở một vài nơi là một trong những nguyên nhân cản trở phụ nữ và các nhóm yếu thế tiếp cận các thông tin về quyền của bản thân và cơ hội của họ, khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn khi gặp phải các mâu thuẫn, tranh chấp.
Ø Khó khăn xuất phát từ thiếu nhận thức về bình đẳng giới có thể diễn ra trong suốt quá trình được hòa giải, từ việc chủ động đưa ra tiếng nói, thể hiện nhu cầu và đề đạt nguyện vọng của bản thân; chủ động đề xuất và lựa chọn giải pháp phù hợp với nhu cầu và mong muốn hiện tại cho đến việc dự đoán những tác động có thể có tới bản thân, gia đình và cộng đồng sau hòa giải. Do vậy, sẽ có khả năng tác động tới thời gian và kết quả của hòa giải, thậm chí có thể khiến cho các vụ việc hòa giải kéo dài hơn dự kiến.

2 TẦM QUAN TRỌNG CỦA NHẠY CẢM GIỚI TRONG QUÁ TRÌNH HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ
• Góp phần đảm bảo sự công bằng và bình đẳng của các bên liên quan: Nhận thức được sự khác nhau trong mối quan tâm, nhu cầu, nguyện vọng và năng lực khác nhau giữa phụ nữ và nam giới sẽ giúp hòa giải viên hướng dẫn các bên tìm được giải pháp phù hợp nhất dựa trên việc đảm bảo bình đẳng giới, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên (đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương như người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em và người dân tộc thiểu số khi họ có mâu thuẫn, tranh chấp cần được hòa giải).
Qua kết quả khảo sát tại 6 tỉnh về hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp, UNDP, VWA và DEPOCEN phối hợp thực hiện năm 2019 đã chỉ ra rằng mâu thuẫn, xung đột trong gia đình chiếm phần lớn các vụ việc hòa giải tại cơ sở. Do đó, công tác hòa giải ở cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ quyền lợi của các bên, đặc biệt là phụ nữ.
Hoạt động hòa giải có nhạy cảm giới góp phần bảo đảm bình đẳng giới thực chất và toàn diện hơn: Phụ nữ và các đối tượng dễ bị tổn thương khác như người dân tộc ít người, người khuyết tật, trẻ em, và người cao tuổi là những người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, do đó họ thường có nguy cơ bị kỳ thị, phân biệt đối xử, hay bị xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp (ví dụ như là nạn nhân của bạo lực). Họ cũng thiếu các cơ hội tiếp cận công bằng tới các phúc lợi xã hội, các dịch vụ xã hội cơ bản của nhà nước, các dịch vụ trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật để có thể đảm bảo quyền lợi của bản thân và gia đình. Hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở sẽ giúp người dân ở cơ sở hiểu rõ hơn các vấn đề về giới, bình đẳng giới, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương (người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, dân tộc thiểu số), từ đó giúp giải quyết được gốc rễ các vấn đề đồng thời đảm bảo sự công bằng cho mọi thành viên trong xã hội.
Hoạt động hòa giải có hiệu quả hơn: Việc thu thập thông tin đầy đủ và cân nhắc tới các vấn đề giới từ tất cả các bên liên quan (phụ nữ, nam giới, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số v.v…) giúp xác định rõ, đúng và toàn diện những vấn đề then chốt trong mâu thuẫn, tranh chấp; giúp đưa ra những giải pháp hữu hiệu, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
• Các giải pháp hòa giải bền vững hơn: Các giải pháp được đưa ra dựa trên thông tin đầy đủ và có quan tâm tới nhu cầu, lợi ích và mối quan tâm của từng giới sẽ giúp gia tăng tính đồng thuận, cam kết và trách nhiệm của các bên có mâu thuẫn/tranh chấp.

• Bảo đảm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việt Nam tham gia nhiều công ước về bình đẳng giới, như: Công ước Quyền trẻ em (CRC), Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), …; đồng thời ban hành Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực trong gia đình,…
Năm 2017, Việt Nam cũng đã kí quyết định về việc ban hành kế hoạch hành
động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 Vì sự phát triển bền vững với mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau”, trong đó mục tiêu 5 “đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”. Điều này thể hiện nỗ lực thúc đẩy các biện pháp nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đảm bảo quyền lợi; tăng cường tiếp cận tới các phúc lợi xã hội và nâng cao quyền năng cho tất cả các nhóm, đặc biệt là các nhóm yếu thế.

3 YÊU CẦU ĐỐI VỚI HÒA GIẢI VIÊN Ở CƠ SỞ ĐÁP ỨNG NHẠY CẢM GIỚI
Hòa giải viên phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của hòa giải viên ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Ngoài ra, để giải quyết các vụ việc đáp ứng yêu cầu có nhạy cảm giới, hòa giải viên cần có kiến thức về giới và kỹ năng hòa giải các vụ việc có yếu tố giới.

TIÊU CHUẨN HÒA GIẢI VIÊN ĐÁP ỨNG NHẠY CẢM GIỚI

 Cần có kiến thức về giới.
 Nhận thức được các nhu cầu, vai trò, trách nhiệm mang tính xã hội của phụ nữ và nam giới nảy sinh từ những đặc điểm sinh học vốn có của họ.
 Hiểu và ý thức được những sự khác biệt đó dẫn đến khác biệt giới về khả năng tiếp cận, kiểm soát nguồn lực và mức độ tham gia, hưởng lợi trong quá trình phát triển của nam và nữ.
 Áp dụng được kiến thức và hiểu biết về bình đẳng giới vào công tác hòa giải ở cơ sở.

Sự khác biệt về giới tính cũng tạo nên sự khác biệt trong phương pháp, cách thức tiến hành hòa giải của các hòa giải viên bởi vì:
 Giới tính ảnh hưởng đến các kỹ năng giao tiếp (ví dụ như cảm xúc, sự cảm thông).
 Mỗi giới có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau trong giao tiếp.
 Mỗi giới có cách thức điều hành buổi hòa giải và hướng dẫn các bên thỏa
thuận theo những cách khác nhau.

NGUYÊN TẮC ĐẢM BẢO HÒA GIẢI VIÊN CÓ NHẠY CẢM GIỚI
Không định kiến giới: Hòa giải viên không được dựa vào giới tính của người khác để chỉ trích họ.
Ví dụ: Hòa giải viên nữ không nên cho rằng nam giới có thái độ hung hăng để đưa ra các giải pháp phản ứng đối với nam giới. Tương tự như vậy, hòa giải viên nam không được áp đặt là phụ nữ không có đủ năng lực trí tuệ bởi đó chính là biểu hiện của định kiến giới.
Độc lập trong suy nghĩ: Hòa giải viên cần độc lập, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ bên nào là nguyên tắc cần đảm bảo tuân thủ trong suốt quá trình hòa giải. Hòa giải viên cần trung lập, không phụ thuộc cảm tính vào bất kỳ bên nào. Về lý thuyết cũng như về thực tế, vai trò của hòa giải viên nam và hòa giải viên nữ trong mỗi vụ việc hòa giải là khác nhau tùy thuộc vào nội dung vụ việc hòa giải.
Không đánh giá năng lực của các bên theo giới tính hoặc hành vi có tính chất giới: Hòa giải viên không được ủng hộ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” và cũng không nên cho rằng phụ nữ thường là phái yếu.
Hiểu đúng sự khác biệt về đặc trưng tính cách của mỗi giới: Một hòa giải viên có kinh nghiệm về giới cần hiểu rõ sự khác biệt của giới trong cách thảo luận và giải quyết mâu thuẫn của mỗi giới. Ví dụ, nữ giới thường có phản ứng như khóc lóc, than vãn, kể lể còn nam giới thì thường có phản ứng nóng giận, to tiếng.

Cần quan tâm các vấn đề về bảo vệ trẻ em, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế.
• Cần chú ý ảnh hưởng của định kiến giới: Uy tín, năng lực và độ tin cậy là rất quan trọng trong quá trình tiến hành hòa giải. Có quan niệm sai lầm rằng đàn ông mới có quyền ra quyết định. Quan điểm này hoàn toàn không chính xác bởi vì khả năng ra quyết định là vấn đề cá nhân và nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như tính cách, năng lực của mỗi cá nhân (cả phụ nữ và nam giới) và nội dung vụ việc. Trong một số trường hợp, phụ nữ có thể quyết đoán và đưa ra quyết định rõ ràng hơn nam giới và ngược lại. Điều quan trọng là cần có các giải pháp, cách thức để chứng minh uy tín và đánh giá năng lực.

Tài liệu tập huấn hòa giải cơ sở có nhạy cảm giới năm 2020 -phần 4 tại đây

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *