Vợ chồng anh A đến văn phòng công chứng lập di chúc để lại tài sản cho đứa con nhỏ. Tại đây, hai vợ chồng đưa ra giấy tờ nhà, giấy tờ xe và sổ tiết kiệm để yêu cầu công chứng viên (CCV) lập di chúc. Cẩn thận hơn, vợ anh A còn yêu cầu CCV ghi vào văn bản di chúc câu “và những tài sản khác được tạo lập sau này”. Tuy nhiên, CCV cho biết chỉ có thể công chứng các tài sản: Nhà, xe và sổ tiết kiệm. Riêng câu “và những tài sản khác được tạo lập sau này” thì CCV không thể chứng được. Không đồng ý, anh A cho rằng CCV từ chối vậy là sai, bởi từ giờ cho đến khi di chúc phát sinh hiệu lực, chẳng lẽ mỗi khi hai vợ chồng có thêm tài sản lại phải đi công chứng lại di chúc. Do vậy, anh A vẫn đề nghị CCV chỉ cần ghi thêm câu “để lại toàn bộ tài sản” là được rồi. Thế nhưng một lần nữa CCV vẫn từ chối thực hiện.
Công chứng viên từ chối vậy có đúng luật không!? Dự đoán số người có đáp án đúng.
Với tinh thần “Không được giải cũng được luật”, À Ra Thế nhờ quý bạn đọc tra cứu quy định của pháp luật để xem thử việc từ chối của CCV có đúng luật hay không và nhớ dự đoán số người có đáp án đúng nhé.
TRANG TIN PHÁP LUẬT.COM GỢI Ý TRẢ LỜI NHƯ SAU: (MANG TÍNH CHẤT THAM KHẢO)
– Theo Điều 646 BLDS 2005 thì: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Như vậy, để chứng minh là tài sản của mình thì phải có giấy tờ.
– Theo Điều 648 BLDS 2005 thì: Người lập di chúc có các quyền sau đây:
Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Muốn phân chia phần di sản thì phải xác định cụ thể tài sản đó là gì mới có thể phân chia được.
– Theo Điều 40 của Luật Công chứng 2014 thì:
Hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau đây:
a) Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
b) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;
c) Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
d) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;
đ) Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.
Căn cứ vào các quy định trên thì quyền lập di chúc là quyền của cá nhân, tuy nhiên để chuyển giao tài sản của mình cho người khác thông qua di chúc thì tài sản đó phải có tại thời điểm lập di chúc, và phải có giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu hợp pháp.
Trường hợp sau này phát sinh thêm tài sản thì có quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chức công chứng sửa đổi, bổ sung di chúc theo quy định tại ĐIều 662, 664 BLDS 2005 và Điều 56 Luật Công chứng 2014.
Do đó, trong tình huống báo ra thì Công chứng viên từ chối là đúng.
ĐÁP ÁN của tình huống kỳ 3: “Trông giúp xe, có phải đền”.
Nhiều bạn đọc đánh giá tình huống của kỳ 3 là tình huống rất đời thường mà ai cũng đã từng: nhờ người quen trông giúp tài sản cho mình. Thực tế, nếu xảy ra mất mát, thường ít ai đi níu áo người giúp mình mà hay tặc lưỡi “xui quá” và tự chịu. Nhưng đó là cách xử sự trọng tình cảm trong cuộc sống, còn theo quy định của pháp luật thì lại khác các bạn nhé.
Điều 124 BLDS 2005 (sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay) quy định: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể”.Đồng thời, khoản 1 Điều 401 BLDS cũng quy định: “Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể,…”. Tuy nhiên, “Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó” (khoản 2 Điều 401). Đối chiếu với tình huống kỳ 3 ta thấy A nhờ B trông giúp chiếc xe máy và B đồng ý. Như vậy, có thể xác định giữa A và B đã phát sinh một giao dịch dân sự bằng lời nói, mà cụ thể là một giao kết hợp đồng dân sự bằng lời nói, trong đó: A là người gửi xe cho B và B là người có nghĩa vụ trông giúp xe cho A. Từ việc xác định này, chúng ta sẽ liên kết đến phần hợp đồng gửi giữ tài sản tại Mục 10 Chương XVIII của BLDS 2005 để xem thử việc giao kết hợp đồng dân sự về việc gửi giữ tài sản có bị buộc phải tuân theo hình thức nhất định hay không?
Rà soát các quy định từ Điều 559 đến Điều 566, BLDS về hợp đồng gửi giữ tài sản, chúng ta không thấy có quy định nào bắt buộc hợp đồng gửi giữ tài sản phải được lập thành văn bản, hay buộc phải được công chứng hoặc chứng thực, hay buộc phải đăng ký hoặc xin phép. Từ những quy định trên, chúng ta xác định được hai vấn đề: Hợp đồng gửi giữ tài sản bằng lời nói giữa A và B có giá trị thực hiện và hợp đồng gửi giữ này không trả tiền công (Điều 559 BLDS).
Khoản 2 Điều 561 BLDS về quyền của bên gửi giữ tài sản: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên giữ làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng” và khoản 4 Điều 562 BLDS về nghĩa vụ của bên giữ tài sản: “Phải bồi thường thiệt hại nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”. Cạnh đó, qua nội dung tình huống, chiếc xe bị mất là do B“mải mê với điện thoại”, đây không thuộc trường hợp bất khả kháng theo quy định. Do đó, B phải có nghĩa vụ bồi thường giá trị chiếc xe máy cho A nếu A có yêu cầu.
Ở quan điểm ngược lại, nhiều bạn đọc cho rằng: B không phải là người giữ xe chuyên nghiệp, B không cam kết sẽ không làm mất, B chỉ làm ơn trông giúp không thu tiền,… nên khẳng định đây không phải là hợp đồng gửi giữ tài sản và đi đến kết luận B không phải bồi thường cho A. Như đã nói ở trên, việc xác lập hợp đồng gửi giữ tài sản, pháp luật không bắt buộc bên giữ tài sản phải là người “chuyên nghiệp”. Đồng thời, Điều 559 BLDS quy định: “… trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công” và khoản 2 Điều 406 BLDS về các loại hợp đồng dân sự chủ yếu quy định: “Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ”. Như vậy, việc bên giữ tài sản chỉ trông giúp, không lấy tiền công không làm mất đi trách nhiệm bồi thường nếu bên giữ tài sản làm mất mát tài sản.
Từ các phân tích trên, đáp án của À Ra Thế kỳ 3 là: B phải đền giá trị chiếc xe máy cho A.
Các bạn đã có đáp án trùng với đáp án trên tiếp tục hồi hộp… phần 2 chờ À Ra Thế tổng hợp, phân loại đáp án để có con số người có đáp án đúng nhé. Các bạn có câu trả lời khác cũng xin đừng nản chí vì “thua keo này ta bày keo khác” và tham gia À Ra Thế với tinh thần “Không được giải cũng được luật”.
Thân ái!
Nguồn:plo.vn