Việc chuyển nhượng, mua bán đất đã có giấy viết tay chưa công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền có giá trị pháp lý hay không?
Anh Trần Trung K ở địa chỉ email ktrung89…Gmal.com hỏi trangtinphapluat.com: Anh và người hàng xóm có viết giấy tay mua bán đất và nhà ở gắn liền với đất, có đầy đủ chữ ký của những người có quyền sở hữu của 2 bên, người hàng xóm đã giao tiền và nhận nhà, tuy nhiên giấy viết tay này chưa được công chứng, chứng thực.
Như vậy, theo quy định của pháp luật giấy viết tay này có hiệu lực pháp luật hay không? pháp luật Có bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán đất?
Trangtinphapluat.com trả lời như sau:
Chuyển quyền sử dụng đất phải lập hợp đồng
Theo Điều 502 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Hình thức, thủ tục thực hiện hợp đồng về quyền sử dụng đất, thì:
1. Hợp đồng về quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản theo hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này, pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc thực hiện hợp đồng về quyền sử dụng đất phải đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hợp đồng chuyển nhượng phải được công chứng, chứng thực
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 thì:
3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;
b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng
Và Theo quy định tại Điều 122, Luật nhà ở 2014 về Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở :
Hợp đồng về nhà ở phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với nhà ở tại đô thị, chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã đối với nhà ở tại nông thôn, trừ các trường hợp sau đây:
a) Cá nhân cho thuê nhà ở dưới sáu tháng;
b) Bên bán, bên cho thuê nhà ở là tổ chức có chức năng kinh doanh nhà ở;
c) Thuê mua nhà ở xã hội;
d) Bên tặng cho nhà ở là tổ chức.
Như vậy, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014 thì mua bán đất, nhà ở phải lập thành hợp đồng và được công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:
“Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.”
Căn cứ vào quy định trên thì trường hợp của anh K và người hàng xóm mặc dù chỉ có giấy viết tay, chưa công chứng, chứng thực nhưng 2 bên đã thực hiện việc giao tiền, giao đất, nhà do đó trường hợp này giao dịch sẽ không bị vô hiệu. Anh K và người hàng xóm hoặc 1 trong 2 bên gửi đơn đề nghị Tòa án công nhận giao dịch là được.
Rubi