Tình huống kỳ 28: Nhờ người quen đứng tên, bị mất đất

Vẫn với tinh thần “Không được giải cũng được luật”, bạn đọc hãy nhanh tay giải đố để có cơ hội được vinh danh trên bảng vàng À Ra Thế và sở hữu cho mình những phần thưởng cực kỳ hấp dẫn nhé!

Tình huống kỳ 28:

Chị X là Việt kiều muốn mua một mảnh đất tại Việt Nam nhưng chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật nên đã nhờ anh A đứng tên giúp mình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Theo như thỏa thuận, chị X mua một thửa đất ở một quận vùng ven TP.HCM với giá 500 triệu đồng dưới tên của anh A. Hai bên cũng viết với nhau một tờ cam kết về việc anh A đứng tên giúp trên GCNQSDĐ.

Trong thời gian chị X ra nước ngoài, anh A do kẹt tiền làm ăn đã âm thầm chuyển nhượng mảnh đất này cho chị C với giá 700 triệu đồng. Khi biết chuyện, nhiều lần chị X yêu cầu anh A xin chuộc lại mảnh đất trên hoặc trả cho mình 700 triệu đồng nhưng anh A không hợp tác. Buộc lòng chị X khởi kiện ra tòa án yêu cầu anh A phải trả lại cho mình số tiền bỏ ra mua đất ban đầu là 500 triệu đồng cùng số tiền thu lợi được nhờ bán đất là 200 triệu đồng, tổng cộng số tiền anh A phải trả là 700 triệu đồng.

Tình huống kỳ 28: Nhờ người quen đứng tên, bị mất đất - ảnh 1

Tình huống kỳ 28: Nhờ người quen đứng tên, bị mất đất - ảnh 2

Tình huống kỳ 28: Nhờ người quen đứng tên, bị mất đất - ảnh 3

Xử sơ thẩm, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị X, tuyên buộc anh A phải trả lại số tiền 500 triệu đồng cho chị X. Riêng số tiền chênh lệch 200 triệu đồng thu được từ việc chuyển nhượng đất thì tòa tuyên tịch thu sung vào công quỹ. Không đồng ý, chị X cho rằng số tiền chênh lệch có được từ việc chuyển nhượng đất của mình nên kháng cáo bản án trên.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

À Ra Thế xin mời quý độc giả tra cứu các quy định của pháp luật để đoán xem tòa án cấp phúc thẩm có chấp nhận kháng cáo của chị X không nhé và nhớ gửi kèm dự đoán số người có cùng đáp án nhé.

BAN TỔ CHỨC

nguồn:plo.vn
TRANG TIN PHÁP LUẬT.COM GỢI Ý TRẢ LỜI NHƯ SAU (MANG TÍNH THAM KHẢO)
Câu 1. Tòa án cấp phúc thẩm có chấp nhận kháng cáo của chị X không?
Theo quan điểm của Trangtinphapluat.com thì Tòa án cấp phúc thẩm sẽ chấp nhận kháng cáo của chị X, vì: Giữa chị X và anh A có văn bản cam kết anh A đứng tên giúp còn tiền là do chị X đưa cho anh A mua, đây là văn bản thỏa thuận hợp pháp theo quy định của pháp luật dân sự. Sau khi mua đất thì Anh A có công sức trong việc bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị đất nên khi anh A chuyển nhượng đất số tiền chênh lệch 200 triệu đó là số tiền hợp pháp và theo BLDS 2005, 2015 không có quy định phải tịch thu sung công quỹ nên Tòa án tuyên tịch thu sung công quỹ là không đúng pháp luật. 
Theo Án lệ số 02/2016/AL Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì trong trường hợp này: Tòa án phải xác định số tiền chênh lệch 200 triệu đồng do chuyển nhượng đất là  lợi nhuận chung của anh A và chị X. Đồng thời xác định công sức của ông A để chia cho ông A một phần tương ứng với công sức của ông mới đúng và đảm bảo quyền lợi của các đương sự (Trường hợp không xác định được chính xác công sức của ông A thì phải xác định bà X, ông A có công sức ngang nhau để chia).”
Câu 2. Số người có đáp án đúng:

Sau khi hoàn thành 2 câu hỏi trên, các bạn gửi thư về địa chỉ arathe2016@phapluattp.vn, nhớ ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc nhé.

Đáp án​ kỳ 27: A và B cùng bị xử lý về tội lừa đảo

Rà soát một lượt các đáp án gửi về, À Ra Thế nhận thấy rằng quan điểm của bạn đọc trong kỳ này khá đa dạng: Một số xác định cả A và B đều phạm tội lừa đảo, số đông còn lại cùng xác định B phạm tội lừa đảo nhưng hành vi của A lại chia thành hai quan điểm: Hoặc xác định A có hành vi lừa dối khách hàng hoặc xác định A có hành vi buôn bán hàng giả.

Tình huống đưa ra A và B rủ nhau lên núi đào rễ cây một củ (hay cây bùi béo) để làm giả rễ cây đinh lăng bán kiếm tiền tiêu xài. Mặc dù cả hai đã thống nhất như vậy nhưng do mỗi người tự chọn cách thức tiêu thụ số rễ cây trên nên có vẻ tính chất hành vi cũng sẽ khác nhau. Hầu hết đáp án gửi về xác định B đã có hành vi gian dối, lừa bán cho ông C số rễ cây giả để chiếm đoạt 2 triệu đồng nên thỏa mãn với cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Đây cũng là quan điểm của À Ra Thế.

Riêng hành vi của A thì hơi khó xác định hơn, nó cũng chính là “nút thắt” của kỳ này. Với hành vi đem rễ cây giả đinh lăng đi bán dạo, nhiều bạn đọc đã xác định khách thể xâm phạm trong hành vi của A là hoạt động buôn bán hoặc trật tự kinh doanh. Từ đó, nhiều đáp án “sa bẫy” À Ra Thế khi cho rằng hoặc A có hành vi lừa dối khách hàng hoặc A có hành vi mua bán hàng giả nhưng do chưa thỏa mãn dấu hiệu định tội nên A sẽ bị xử phạt hành chính về một trong hai hành vi trên.

Như tình huống đã đưa ra, dù không thống nhất về cách thức tiêu thụ nhưng từ đầu cả A và B đều cùng chung ý chí dùng rễ cây một củ để giả làm rễ cây đinh lăng nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Do vậy, tuy là đi bán dạo nhưng việc bán này của A vẫn xác định được đối tượng hoặc nhóm đối tượng cụ thể và hướng đến xâm phạm vào khách thể là quyền sở hữu được pháp luật bảo vệ.

Mặt khác, nhiều đáp án xác định A có hành vi lừa dối khách hàng nhưng trong cấu thành của tội lừa dối khách hàng theo Điều 162 BLHS thì hành vi lừa dối là hành vi “cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác”. Hành vi của A không thỏa mãn các dấu hiệu định tội này. Đồng thời một số ý kiến khác cho rằng A có hành vi mua bán hàng giả theo quy định tại Điều 156 BLHS. À Ra Thế thấy rằng Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã xác định hàng giả là hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với thông tin “đã công bố hoặc đăng ký”. Đối chiếu với tình huống có thể xác định hành vi của A cũng không phải là hành vi buôn bán hàng giả. Do cả A và B cùng thống nhất dùng thủ đoạn gian dối nhắm đến việc xâm phạm vào quyền sở hữu và hậu quả của hành vi này đủ mức định lượng theo quy định của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS nên cả hai sẽ bị xử lý về tội danh này.

Từ những phân tích trên, đáp án À Ra Thế kỳ 27 là: A và B sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

À Ra Thế xin chúc mừng những bạn đọc có đáp án trùng với đáp án trên. Vẫn với tinh thần “Không được giải cũng được luật”, xin mời bạn đọc tiếp tục nhanh tay tra luật để tham gia giải đố ở các kỳ tiếp theo.

Con số may mắn kỳ 27 sẽ được À Ra Thế công bố đến quý bạn đọc vào thứ Hai 6-3 kèm theo danh sách năm bạn đọc xuất sắc nhất.

BAN TỔ CHỨC
Nguồn:plo.vn

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *