Sinh con trước khi đăng ký kết hôn, không cần phải làm thủ tục nhận cha con

Sinh con trước khi đăng ký kết hôn, không cần phải làm thủ tục nhận cha con. Đây là hướng dẫn tại Công văn số 69/HTQTCH-HT ngày 08 tháng 02 năm 2017 của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực về hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch.

Chỉ cần bổ sung thông tin về người cha

Theo đó, đối với trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn đã được đăng ký khai sinh không có thông tin vềngười cha, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không cần phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 13 Thông tư 15/2015/TT-BTP. Thông tư 15/2015/TT-BTP cũng không quy định về thời hạn trẻ em sinh trước thời điểm cha mẹ đăng ký kết hôn bao lâu nên về nguyên tắc, trẻ được sinh trước thời điểm đăng ký kết hôn (không giới hạn thời gian bao lâu), nếu cha mẹ thừa nhận con chung thì cơ quan hộ tịch vẫn thực hiện bổ sung hộ tịch để ghi thông tin về người cha vào giấy khai sinh cho con mà không yêu cầu đương sự làm thủ tục đăng ký nhận con.

Thủ tục nhận cha mẹ con theo Luật Hộ tịch

Thủ tục nhận cha mẹ con theo quy định của Luật Hộ tịch 2014
Thủ tục nhận cha mẹ con theo quy định của Luật Hộ tịch 2014

Điều 24. Thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Điều 25. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con

1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

(Điều 11. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (Thông tư 15/2015/TT-BTP)

Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây: 

1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con. 

2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng. 

Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật. 

Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.)

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.

Quốc Sử

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *