Chỉ tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống vào năm tròn, đó là quy định tại Nghị định số 111/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ : Quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2018, theo đó:
Nguyên tắc tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống
– Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức.
– Chỉ tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền.
– Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn (Năm tròn là năm có chữ số cuối cùng là số 0). Trường hợp bộ, ngành, cấp tỉnh đều có ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống thì chỉ được lựa chọn một trong các ngày trên để tổ chức kỷ niệm.
– Không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong hoạt động kỷ niệm.
Nghi thức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống
– Thông báo chương trình lễ kỷ niệm
– Lễ chào cờ, đại biểu dự lễ hát Quốc ca
– Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, khách mời theo thứ tự sau:
+ Giới thiệu đích danh đại biểu cấp trên đến tham dự lễ kỷ niệm
+ Giới thiệu đại diện tên cơ quan, đơn vị hoặc nhóm chức danh được mời
+ Giới thiệu chức danh cao nhất (đương nhiệm) của người đứng đầu đơn vị chủ trì tổ chức lễ kỷ niệm
+ Khi được giới thiệu đại biểu có chức danh cao nhất đứng lên cúi chào (các đại biểu dự lễ kỷ niệm vỗ tay).
– Diễn văn kỷ niệm
– Công bố quyết định khen thưởng, trao thưởng (nếu có)
– Phát biểu đáp từ của người đứng đầu đơn vị tổ chức lễ kỷ niệm
– Tuyên bố kết thúc buổi lễ
Việc điều hành phần nghi thức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống phải do Ban Tổ chức lễ kỷ niệm thực hiện.
Phương Thảo