13 văn bản pháp luật có hiệu lực trong tháng 9/2018

bản tin pháp luật tuần
bản tin pháp luật tuần

Trangtinphapluat.com tổng hợp, biên soạn giới thiệu tới bạn đọc 13 văn bản quy phạm pháp luật quan trọng do Chính phủ, các Bộ ngành ban hành có hiệu lực trong tháng 9/2018 như: Quy định về gửi nhận văn bản điện tử, chính sách hỗ trợ người có công, cơ sở quốc gia về tài sản công…

  1. Quy định gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước

          Ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành  Quyết định 28/2018/QĐ-TTg  về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, có hiệu lực 06/9/2018.

          Theo đó, văn bản điện tử đã ký số theo quy định của pháp luật được gửi, nhận thông qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành quy định tại Quyết định này có giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy và thay cho việc gửi, nhận văn bản giấy.

          Văn bản điện tử phải được bảo đảm tính xác thực về nguồn gốc, sự toàn vẹn, an toàn thông tin, dữ liệu trong quá trình gửi, nhận, xử lý và lưu trữ.

  1. Thay đổi điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng

          Ngày 16/7/2018, Chính phủ đã ra Nghị định 100/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, có hiệu lực từ ngày 15/9/2018.

          Đáng chú ý, điều kiện chung cấp chứng chỉ hành nghề về xây dựng đã được thay đổi so với trước đây. Cụ thể như sau:

 điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng
điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng

          – Đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng hạng II phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 04 năm trở lên, trước đây là 05 năm;

          – Đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng hạng III phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 02 năm trở lên với người có trình độ đại học (trước đây là 03 năm); từ 03 năm trở lên với người có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp (trước đây là 05 năm).

          Ngoài ra, Nghị định này còn bãi bỏ một loạt quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực do Bộ Xây dựng quản lý, như: Quy định về đơn vị quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị; Quy định về lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh; Quy định về điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn lập quy hoạch trong lĩnh vực vật liệu xây dựng…

  1. Chính sách hỗ trợ người có công đang định cư ở nước ngoài

          Ngày 20/7/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 102/2018/NĐ-CP quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài, có hiệu lực 05/9/2018.

          Theo đó, người tham gia kháng chiến chống Pháp, Mỹ đang định cư ở nước ngoài; Người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài… được hỗ trợ bằng 04 triệu đồng nếu từ đủ 02 năm công tác trở xuống; nếu công tác trên 02 năm, thì từ năm thứ 3 trở đi mỗi năm được cộng thêm 1,5 triệu đồng.

Chính sách hỗ trợ người có công
Chính sách hỗ trợ người có công

          Nếu người được hưởng đã từ trần trước ngày 05/09/2018 thì thân nhân được hỗ trợ một lần bằng 06 triệu đồng.

          Ngoài mức hỗ trợ nêu trên, các đối tượng còn được hưởng một số chế độ đãi ngộ khác, như:

          – Được cấp Giấy chứng nhận người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế;

          – Nếu về nước định cư, thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế như đối với người có công; khi từ trần thì người lo mai táng được trợ cấp mai táng phí.

  1. Bổ sung quy định giảm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

          Thông tư 219/2015/TT-BTC về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp được sửa đổi tại Thông tư 59/2018/TT-BTC ngày 16/7/2018 của Bộ Tài chính,  có hiệu lực từ ngày 01/9/2018.

          Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động được giảm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong các trường hợp:

          – Do thực tế hoạt động doanh nghiệp, cần thiết phải giảm quy mô hoạt động;

          – Trường hợp cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo hình thức tách doanh nghiệp;

          – Do thay đổi chính sách doanh nghiệp không còn thuộc đối tượng được Nhà nước đầu tư vốn…

          Trong các trường hợp trên, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện thủ tục thay đổi và công bố thông tin về vốn điều lệ trong giấy đăng ký kinh doanh theo quy định.

  1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công

          Việc quản lý, vận hành, trao đổi và khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công được Bộ Tài chính quy định tại Thông tư 67/2018/TT-BTC ngày 06/8/2018 (có hiệu lực từ ngày 01/9/2018).

Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công
Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công

          Theo đó, Bộ Tài chính được khai thác thông tin về tài sản công của cả nước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia. Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền khai thác thông tin tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trong Cơ sở dữ liệu quốc gia.

          Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản kê khai trong Cơ sở dữ liệu quốc gia có quyền khai thác thông tin tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các đơn vị trực thuộc.

  1. Ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Xây dựng

          Ngày 08/08/2018, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 06/2018/TT-BXD về Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Xây dựng, có hiệu lực từ 25/9/2018.

          Hệ thống này gồm 33 chỉ tiêu, thuộc các nhóm: Hoạt động đầu tư xây dựng; Phát triển đô thị và nông thôn; Nhà ở, bất động sản và công sở; Vật liệu xây dựng.

          Trong nhóm Nhà ở, bất động sản và công sở, có các chỉ tiêu cụ thể như: Số lượng nhà ở, diện tích nhà ở công vụ hiện có và sử dụng; Tổng số nhà ở hoàn thành trong năm; Tổng diện tích nhà ở theo dự án hoàn thành trong năm; Chỉ số giá giao dịch một số loại hình bất động sản.

          Đi kèm với Hệ thống chỉ tiêu nêu trên là nội dung chỉ tiêu thống kê ngành xây dựng, trong đó Bộ Xây dựng làm rõ khái niệm, phương pháp tính, Nguồn số liệu, Phân tổ chủ yếu của từng chỉ tiêu.

  1. Tổng sự cố công trình xây dựng được báo cáo hàng năm

          Theo Thông tư 07/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 08/8/2018 (có hiệu lực từ 25/9/2018), các Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối tại địa phương thu thập, tổng hợp chế độ báo cáo thống kê ngành Xây dựng và gửi báo cáo định kỳ về Bộ Xây dựng.

Công trình xây dựng
Công trình xây dựng

          Trong đó, phải gửi báo cáo hàng năm đối với: Tổng sự cố về công trình xây dựng; Tổng số công trình được chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng; Tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn lao động trong thi công xây dựng; Số lượng và dân số đô thị…

          06 tháng/lần, Sở Xây dựng phải báo cáo về tổng số công trình khởi công mới trên địa bàn; Tổng số giấy phép xây dựng được cấp và số công trình vi phạm quy định trật tự xây dựng trên địa bàn…

  1. Sử dụng kinh phí cho Chương trình biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh 2016-2020

          Ngày 08/8/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 70/2018/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, có hiệu lực từ ngày 22/9/2018, theo đó:

          Với Hợp phần biến đổi khí hậu, các Bộ và UBND các tỉnh được sử dụng kinh phí của Chương trình để chi việc cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam; Cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu của Việt Nam…

Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh
Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh

          Đối với Hợp phần tăng trưởng xanh sẽ sử dụng kinh phí chi cho việc đào tạo nâng cao năng lực, thu thập số liệu đầu vào tại các địa phương; Đào tạo, truyền thông cho khu vực tư nhân, ngân hàng thương mại…

          Mức chi cho các nhiệm vụ chi sự nghiệp của Chương trình thực hiện theo chế độ chi tiêu hiện hành do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.

  1. Ban hành Chuẩn Hiệu trưởng trường phổ thông mới

          Ngày 20/7/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 04/09/2018, theo đó:

          Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông được đánh giá dựa trên 5 tiêu chuẩn, trong đó có: Phẩm chất nghề nghiệp; Quản trị nhà trường; Xây dựng môi trường giáo dục; Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội; Sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

          Trong đó, năng lực sử dụng ngoại ngữ được đánh giá ở 03 mức: Mức đạt (giao tiếp thông thường bằng ngoại ngữ); Mức khá (chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ cho giáo viên, học sinh trong trường); Mức tốt (sử dụng ngoại ngữ thành thạo).

          Hiệu trưởng tự đánh giá theo chu kỳ 1 lần/năm vào cuối năm học; Cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp đánh giá hiệu trưởng theo chu kỳ 02 năm một lần vào cuối năm học.

  1. Trường đại học công khai cam kết chất lượng giáo dục trên trang Thông tin điện tử

          Theo Thông tư 15/2018/TT-BGDĐT ngày 27/7/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử và trang thông tin điện tử của các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm, có hiệu lực từ 11/9/2018, thông tin công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học bao gồm: Nhóm thông tin công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; nhóm thông tin công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; nhóm thông tin công khai thu chi tài chính.

  1. Văn bản lĩnh vực bồi thường Nhà nước bị bãi bỏ

          Theo Thông tư 11/2018/TT-BTP ngày 30/7/2018, Bộ Tư pháp đã bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp ban hành, liên tịch ban hành trong lĩnh vực bồi thường Nhà nước, có hiệu lực từ ngày 14/9/2018.

          Cụ thể, có 7 văn bản lĩnh vực nêu trên bị bãi bỏ, trong đó có:

          – Thông tư 03/2013/TT-BTP hướng dẫn quản lý Nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính;

          – Thông tư liên tịch 04/2013/TTLT-BTP-BQP hướng dẫn quản lý Nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự;

          – Thông tư số liên tịch 06/2014/TTLT-BTP-TTCP-BQP hướng dẫn khiếu nại, giải quyết khiếu nại về bồi thường Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án dân sự

          – Thông tư 13/2015/TT-BTP sửa đổi Thông tư 03/2013/TT-BTP hướng dẫn quản lý Nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính…

          Các trường hợp yêu cầu bồi thường đã được cơ quan giải quyết bồi thường thụ lý trước 1/7/2018 nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết thì tiếp tục áp dụng các Thông tư, Thông tư liên tịch nêu trên để giải quyết.

  1. Bãi bỏ 11 văn bản trong lĩnh vực y tế do Thủ tướng ban hành

          Ngày 06/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 33/2018/QĐ-TTg về việc bãi bỏ 11 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, bãi bỏ các quyết định, chỉ thị gồm:

– Quyết định 185/2002/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách các ủy viên kiêm nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em;

– Quyết định 09/2006/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW ngày 22/03/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình;

– Quyết định 240/2006/QĐ-TTg thực hiện chế độ bảo hiểm y tế tự nguyện đối với cán bộ dân số, gia đình và trẻ em ở xã, phường, thị trấn;

– Chỉ thị 29/2006/CT-TTg về tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người;…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/9/2018.

13.Bãi bỏ 5 quyết định của Thủ tưeớng trong lĩnh vực quốc phòng, tài chính, ngân hàng

          Ngày 03/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 31/2018/QĐ-TTg về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng; tài chính; ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 20/9/2018.

          Cụ thể, bãi bỏ 05 quyết định của Thủ tướng Chính phủ gồm:

          – Quyết định 135/2000/QĐ-TTg phê duyệt Đề án củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân;

          – Quyết định 92/2005/QĐ-TTg về thực hiện chế độ đối với quân nhân là người dân tộc ít người thuộc Quân khu 7, Quân khu 9, tham gia kháng chiến chống Mỹ, về địa phương trước ngày 10/01/1982;

          – Quyết định 230/2005/QĐ-TTg thí điểm cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam;

          – Quyết định 117/2008/QĐ-TTg điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế đối với các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội;

          – Quyết định 39/2009/QĐ-TTg về quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm và lực lượng dân quân tự vệ trong công tác bảo vệ rừng.

rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *