Hướng dẫn xử lý kỷ luật đối với cán bộ cấp xã

Ngày 05/12/2014, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 5228/BNV-CQĐP để hướng dẫn các địa phương xử lý đối với cán bộ cấp xã, với nội dung như sau:

Bộ Nội vụ nhận được ý kiến của nhiều địa phương phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật để xử lý kỷ luật cán bộ cấp xã có hành vi vi phạm pháp luật. Qua rà soát hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, Bộ Nội vụ thấy rằng, căn cứ pháp lý để xử lý kỷ luật cán bộ, công chức cấp xã là Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 ngày 13/11/2008 (sau đây gọi là Luật Cán bộ, công chức) và các nghị định của Chính phủ: Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 về công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Nghị định số 112/2011/NĐ-CP); Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Nghị định số 114/2003/NĐ-CP). Trong đó, Nghị định số 112/2011/NĐ-CP là căn cứ pháp lý để xử lý kỷ luật đối với công chức cấp xã.

Riêng việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ cấp xã, sau khi rà soát, Bộ Nội vụ thấy rằng: Nghị định số 114/2003/NĐ-CP quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ để xử lý kỷ luật cán bộ, công chức cấp xã có hành vi vi phạm pháp luật; trong đó phần quy định về xử lý kỷ luật công chức cấp xã đã được thay thế bằng Nghị định số 112/2011/NĐ-CP; đối với phần nội dung quy định về xử lý kỷ luật cán bộ cấp xã tại Nghị định số 114/2003/NĐ-CP là những nội dung quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, phù hợp với Luật Cán bộ, công chức và chưa được Chính phủ thay thế, bãi bỏ. Do đó, vẫn là căn cứ pháp lý để xử lý kỷ luật cán bộ cấp xã có hành vi vi phạm pháp luật.

Sau khi thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật), Bộ Nội vụ hướng dẫn việc xử lý kỷ luật cán bộ cấp xã theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức và Nghị định số 114/2003/NĐ-CP như sau:

Việc áp dụng Luật Cán bộ, công chức

a) Về đối tượng xử lý kỷ luật:

Đối tượng xử lý kỷ luật là cán bộ cấp xã được quy định tại khoản 2 Điều 61 của Luật Cán bộ, công chức, bao gồm: Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam); Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Hướng dẫn xử lý kỷ luật cán bộ cấp xã
Hướng dẫn xử lý kỷ luật cán bộ cấp xã

Cán bộ cấp xã nêu trên bao gồm cả cán bộ được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã.

b) Về các hình thức xử lý kỷ luật:

Hình thức kỷ luật đối với cán bộ cấp xã thực hiện theo quy định tại Điều 78 của Luật Cán bộ, công chức, bao gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức và bãi nhiệm.

c) Về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật:

Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ cấp xã thực hiện theo quy định tại Điều 80 của Luật Cán bộ, công chức.

d) Về những trường hợp được miễn trách nhiệm áp dụng các hình thức kỷ luật:

Những trường hợp miễn áp dụng các hình thức kỷ luật đối với cán bộ cấp xã thực hiện theo quy định tại Điều 77 của Luật Cán bộ, công chức.

đ) Về việc tạm đình chỉ công tác:

Tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp xã thực hiện theo quy định tại Điều 81 của Luật Cán bộ, công chức.

e) Về các quy định khác liên quan đến cán bộ cấp xã bị xử lý kỷ luật:

Các quy định khác liên quan đến cán bộ cấp xã bị xử lý kỷ luật thực hiện theo quy định tại Điều 82 của Luật Cán bộ, công chức.

Việc áp dụng Nghị định 114/2003/NĐ-CP

a) Các nội dung quy định xử lý kỷ luật công chức cấp xã tại Nghị định số 114/2003/NĐ-CP đã được Nghị định số 112/2011/NĐ-CP thay thế, bãi bỏ.

b) Các vấn đề được quy định tại Nghị định số 114/2003/NĐ-CP như: thẩm quyền xử lý kỷ luật; khiếu nại và giải quyết khiếu nại; phục hồi danh dự, quyền lợi khi bị oan sai; quản lý hồ sơ khen thưởng, kỷ luật và các vấn đề khác liên quan đến cán bộ cấp xã được thực hiện theo quy định tại Điều 17 (khoản 5, 6, 7, 8) và các điều từ Điều 19 đến Điều 27 của Nghị định số 114/2003/NĐ-CP.

Về tổ chức thực hiện

a) Căn cứ thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 25 Nghị định số 114/2003/NĐ-CP và các quy định hiện hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện xử lý kỷ luật đối với cán bộ cấp xã.

b) Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh, vướng mắc, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo về Bộ Nội vụ để kịp thời xem xét, giải quyết./.

trangtinphapluat.com 

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *