Công chức, viên chức đang tại ngoại để điều tra có bị xử lý kỷ luật?

Hiện nay, việc xử lý kỷ luật công chức, viên chức trong thực tiễn gặp một số vướng mắc do pháp luật quy định chưa đầy đủ, như trường hợp công chức, viên chức vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án nhưng không tạm giữ, tạm giam bị can thì trường hợp này cơ quan quản lý công chức, viên chức có được xử lý kỷ luật công chức, viên chức đó hay không?

Các trường hợp công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật

* Đối với công chức: Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử lý kỷ luật công chức thì công chức có các hành vi sau thì bị xử lý kỷ luật:

– Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của công chức trong thi hành công vụ; những việc công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức.

– Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật.

Các trường hợp bị xử lý kỷ luật
Các trường hợp bị xử lý kỷ luật

– Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

* Đối với viên chức: Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức,thì viên chức có các hành vi sau thì bị xử lý kỷ luật:

– Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ của viên chức và những việc viên chức không được làm quy định tại Luật viên chức;

– Vi phạm các nghĩa vụ khác cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập;

(Xử lý kỷ luật viên chức (giáo viên cấp 2), thẩm quyền thuộc về ai?”)

– Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật;

– Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018
Vi phạm phòng, chống tham nhũng sẽ bị xử lý kỷ luật

Như vậy, Nghị định 34 cũng như Nghị định 27 đều có quy định trường hợp công chức, viên chức có hành vi : Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật; Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì bị xử lý kỷ luật.

Điều này đồng nghĩa trường hợp công chức, viên chức vi phạm mới chỉ ở mức độ bị xử lý hành chính hoặc đã bị xử lý hình sự thì người có thẩm quyền có quyền xem xét, kỷ luật công chức, viên chức.

Và cả 2 nghị định đều quy định trường hợp công chức, viên chức đang bị tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, thì chưa xem xét xử lý kỷ luật. Quy định này chưa thật sự chặt chẽ, gây khó khăn cho cơ quan, người có thẩm quyền trong việc xem xét, xử lý kỷ luật công chức, viên chức.

Ví dụ: Anh C là công chức của một phòng chuyên môn cấp huyện,  C có hành vi đánh bạc bị cơ quan Công an khởi tố để điều tra xử lý, tuy nhiên trong quá trình điều tra thì C được tại ngoại. Về mặt đảng thì C đã bị xử lý và cấp có thẩm quyền đề nghị cơ quan quản lý công chức xử lý kỷ luật C theo quy định. Khi tiếp nhận yêu cầu xử lý kỷ luật C, cơ quan có thẩm quyền hết sức băn khoăn có được xử lý kỷ luật A trước khi Tòa án xét xử hay không? hay là chờ có Bản án hoặc quyết định đình chỉ điều tra chuyển sang xử phạt hành chính rồi sau đó xử lý?

Có thể xử lý kỷ luật C khi xác định được hành vi vi phạm

Một số quan điểm cho rằng, khi tiếp nhận hồ sơ từ cơ quan có thẩm quyền của Đảng chuyển đến đề nghị xử lý kỷ luật C thì người có thẩm quyền phải thành lập hội đồng xử lý kỷ luật để tiến hành xử lý kỷ luật. Bởi vì thời hạn để xử lý kỷ luật là 2 tháng kể từ ngày phát hiện công chức có hành vi vi phạm, do đó nếu không xử lý kịp thời thì sẽ hết thời hạn xử lý kỷ luật.

(Công chức, viên chức đang tại ngoại để điều tra có bị xử lý kỷ luật?)

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Nghị định 34 thì C không thuộc trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật, vì C không bị tạm giữ, tạm giam.

Do đó, có đủ cơ sở để xử lý  kỷ luật C.

Phải chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền

Quan điểm của người viết cho rằng, trường hợp trên phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Nếu cơ quan điều tra đình chỉ điều tra và chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì lúc này người có thẩm quyền kỷ luật công chức sẽ tiến hành thành lập hội đồng và xem xét xử lý kỷ luật C.

Phải xác định rõ hành vi mới xử lý kỷ luật
Phải xác định rõ hành vi mới xử lý kỷ luật

Trường hợp cơ quan điều tra không đình chỉ điều tra mà chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát, Tòa án để truy tố, xét xử, nếu các cơ quan này không trả hồ sơ mà đưa ra xét xử thì phải chờ Bản án của Tòa án có hiệu lực thì người có thẩm quyền mới thành lập hội đồng và xét xét kỷ luật C.

Thực hiện như trên sẽ phù hợp với quy đinh tại Điều 3 của Nghị định 34, tức là công chức vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý kỷ luật; công chức bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực thì sẽ bị xử lý kỷ luật.

(Bất cập trong xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và người lao động)

Việc C cho tại ngoại để điểu tra, lúc này mặc dù C có hành vi phạm pháp luật nhưng đã vượt mức xử lý hành chính nên chưa thể thi hành kỷ luật C, và C đang xem xét xử lý hình sự nên cũng chưa đủ cơ sở để xử lý kỷ luật C. Do đó, phải chờ khi có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án …hoặc bản án thì lúc đó mới đủ cơ sở xác định C vi phạm hành chính hay hình sự để xử lý kỷ luật C.

Về thời hạn xử lý kỷ luật là 2 năm tính từ ngày phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật. Ở đây ngày C có hành vi có thể là ngày lúc C bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện đánh bạc, tuy nhiên tại thời điểm đó chưa xác định rõ C vi phạm hành chính hay hình sự nên chưa đủ cơ sở để kết luận C có hành vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, thời hạn xử lý kỷ luật trường hợp này tính từ lúc đình chỉ điều tra, không khởi tố chuyển xử phạt hành chính hoặc kể từ thời điểm bản án có hiệu lực.

Để áp dụng pháp luật được thống nhất,cơ quan có thẩm quyền cần sớm bổ sung quy  định trường hợp công chức, viên chức đang bị cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố,xét xử mà cho tại ngoại thì cũng thuộc trường hợp chưa xem xét thi hành kỷ luật.
Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *