Nhân đọc bài “Xử lý kỷ luật viên chức (giáo viên cấp 2), thẩm quyền thuộc về ai?” đăng trên trangtinphapluat.com, tôi xin tham gia chia sẻ quan điểm của mình về thẩm quyền xử lý viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại các cơ sở công lập như sau:
Quy định xử lý kỷ luật viên chức
Theo Khoản 2 Điều 14 Nghị định 27/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức, thì “Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.”
Theo quy định trên thì chỉ “người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức” có thẩm quyền xử lý kỷ luật viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Vậy ai là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức? cần phải làm rõ thẩm quyền quản lý viên chức thì lúc đó mới xác định thẩm quyền xử lý kỷ luật.
Theo Khoản 1 Điều 48 Luật Viên chức quy định về Quản lý viên chức, thì. Nội dung quản lý viên chức bao gồm: Xây dựng vị trí việc làm. Tuyển dụng viên chức. Ký hợp đồng làm việc. Bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp. Thay đổi vị trí việc làm, biệt phái, chấm dứt hợp đồng làm việc, giải quyết chế độ thôi việc; Bổ nhiệm, miễn nhiệm viên chức quản lý; sắp xếp, bố trí và sử dụng viên chức theo nhu cầu công việc; Thực hiện việc đánh giá, khen thưởng, kỷ luật viên chức; Thực hiện chế độ tiền lương, các chính sách đãi ngộ, chế độ đào tạo, bồi dưỡng viên chức; Lập, quản lý hồ sơ viên chức; thực hiện chế độ báo cáo về quản lý viên chức thuộc phạm vi quản lý.
Và tại Khoản 2 quy định: Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ thực hiện các nội dung quản lý quy định tại khoản 1 Điều này. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chịu trách nhiệm báo cáo cấp trên về tình hình quản lý, sử dụng viên chức tại đơn vị.
Như vậy, đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ thì họ có toàn quyền quản lý viên chức và có quyền xử lý, kỷ luật viên chức
(Công chức, viên chức đang tại ngoại để điều tra có bị xử lý kỷ luật?)
Còn tại Khoản 3, quy định: Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quản lý viên chức hoặc phân cấp thực hiện các nội dung quản lý quy định tại khoản 1 Điều này cho đơn vị sự nghiệp công lập được giao quản lý.
Theo Khoản 3 thì đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ thì không có thẩm quyền quản lý viên chức, trừ khi được cơ quan quản lý phân cấp. Và khi chưa được phân cấp thì không có quyền thực hiện các chức năng quản lý viên chức, trong đó có khen thưởng, kỷ luật.
Thẩm quyền xử lý kỷ luật viên chức
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 20 Nghị định 27 thì “Viên chức bị xử lý kỷ luật có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật theo quy định của pháp luật về khiếu nại.”, theo Khoản 1 ĐIều 51 Luật Khiếu nại, quy định về thẩm quyền giải quyết quyết định kỷ luật cán bộ, công chức (áp dụng cho cả viên chức), thì” Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức theo phân cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định kỷ luật do mình ban hành.
Như vậy, căn cứ vào Khoản 3 Điều 48, Khoản 1 Điều 51 Luật Khiếu nại và điểm d Khoản 1 Điều 49 Nghị định 29/2012/NĐ-CP quy định về quản lý sử dụng viên chức thì thẩm quyền xử lý kỷ luật viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với đơn vị sự nghiệp chưa được giao quyền tự chủ thuộc thẩm quyền của người đứng đứng đầu đơn vị quản lý đơn vị sự nghiệp công lập, chứ không phải người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập như quan điểm của bài viết trên trangtinphapluat.com.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc.
Thanh Linh
Tôi cũng đang nghiên cứu vấn đề này. Ý tôi cũng giống như ý bạn. Tuy nhiên, quy trình để xử lý kỷ luật trường hợp xác định thẩm quyền thuộc về người đứng đứng đầu đơn vị quản lý đơn vị sự nghiệp công lập lại chưa được pháp luật quy định cụ thể, trong đó bao gồm cả việc xác định thành phần hội đồng kỷ luật nên rất khó để xử lý