Thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hiện nay pháp luật quy định chưa cụ thể dẫn đến khó khăn, lúng túng trong áp dụng.
Thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020 thì Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và kịp thời đính chính, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền.
Và trong thực tế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính…không phải lúc nào người thi hành, cơ quan thi hành quyết định cũng thực hiện đúng theo thời gian được ghi trong quyết định. Có thể vì lý do khách quan như thiên tai hoặc vào lúc địa phương đang có các sự kiện chính trị quan trọng như bầu cử, đại hội Đảng hoặc vì lý do chủ quan mà chậm trễ trong việc tổ chức thực hiện quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế.
Hết thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế, xử lý sao?
Khi ở trong tình huống này thì thường cơ quan tham mưu căn cứ vào Khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ về công tác văn thư; Điều 15 của Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính để tham mưu người ban hành quyết định sửa đổi quyết định đã ban hành. Tuy nhiên, việc sửa đổi thời gian thực hiện trong quyết định xử phạt hoặc quyết định cưỡng chế sẽ dễ dàng thực hiện khi còn trong thời gian tổ chức thi hành; đối với trường hợp các quyết định đó đã hết thời hạn thi hành thì phải làm gì để có thể tổ chức thực hiện được?
Thời hạn sửa đổi là 1 năm?
Tại Điều 15 Nghị định 118 quy định thời hạn đính chính, sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 15. Thời hạn thực hiện và nội dung đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hạn đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định:
a) Thời hạn đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định là 01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền ban hành quyết định có sai sót. Trường hợp hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì không thực hiện việc đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định;
b) Không áp dụng thời hạn trong việc hủy bỏ toàn bộ quyết định đã được ban hành từ ngày Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành mà thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này.
2. Không áp dụng thời hạn đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định quy định tại điểm a khoản 1 Điều này đối với các trường hợp sau đây:
a) Quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
b) Có quyết định giải quyết khiếu nại của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về việc phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định;
c) Có kết luận nội dung tố cáo của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo về việc phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định;
d) Có bản án, quyết định của Tòa án về việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định bị khởi kiện.”
Hết thời hạn thi hành thì không sửa đổi quyết định
Có ý kiến cho rằng khi hết thời hạn thì không thể sửa đổi, bổ sung thời gian thi hành quyết định (bất lợi cho người vi phạm) nhưng có thể vận dụng Khoản 3 Điều 18 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 để hủy bỏ, ban hành quyết định xử phạt mới (nếu còn trong thời hiệu xử phạt) hoặc ban hành quyết định buộc khắc phục hậu quả, quyết định cưỡng chế để tổ chức thực hiện.
Quan điểm của tác giả cho rằng chỉ có thể hủy bỏ ban hành quyết định mới khi hồ sơ xử lý vi phạm hành chính thật sự sai phạm hoặc áp dụng sai pháp luật, sai thẩm quyền còn không thể vì lỗi chủ quan của người tổ chức thực hiện mà hủy bỏ hồ sơ, ban hành lại sẽ gây thiệt hại cho người vi phạm.
(Mẫu kế hoạch cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính)
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020 tại ĐIều 74 cũng đã quy định thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quá thời hạn thì sẽ không thi hành. Khoản 3 Điều 5 Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày, trừ trường hợp quyết định ghi nhiều hơn. Như vậy, khi hết thời hạn thi hành trong các quyết định trên thì không tổ chức thi hành cũng như sửa đổi, bổ sung, hủy bo nếu không có sai phạm.
Bên cạnh đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Điều 16 cũng đã quy định việc xử lý đối với người có thẩm quyền trong việc thực hiện không đúng quy định về xử lý vi phạm hành chính:
– Trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính mà sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản khác của người vi phạm, dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng tính chất, mức độ vi phạm, không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm quy định khác tại Điều 12 của Luật này và quy định khác của pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Và theo Khoản 2 Điều 27 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xửlý vi phạm hành chính thì: Người có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này hoặc vi phạm quy định về những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc vi phạm quy định khác của pháp luật, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi hoàn theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Như vậy, khi quyết định hết thời gian thi hành thì không thi hành nữa (trừ trường hợp khắc phục hậu quả do luật đinh) mà người có thẩm quyền phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm những người có liên quan đến việc tổ chức thi hành quyết định.
Theo quy định tại khoản 16 Điều 22 Nghị định 19/2020/NĐ-CP về kiểm tra xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì hành vi: Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của cá nhân, tổ chức bị xử phạt; việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cá nhân, tổ chức thực hiện, là hành vi vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách theo Điều 22 Nghị định 19/2020/NĐ-CP.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc!
Hướng dẫn ban hành quyết định cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính
Bài viết này cực kỳ hay. Quá thấu. Cảm ơn tác giả rất nhiều
Cảm ơn bạn đã xem bài viết