Mâu thuẩn trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

          Theo Khoản 2 Điều 68 và Khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Như vậy, theo quy định trên thì thời hạn tối thiểu để thi hành quyết định xử phạt là 10 ngày, còn tối đa thì do người có thẩm quyền xử phạt quyết định.

Nhiều thời hạn thi hành trong 1 quyết định

          Trong nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính gồm có phạt tiền, buộc khắc phục hậu quả… Và mỗi nội dung thì có thời hạn thi hành riêng, có thể trùng hoặc khác nhau. Đối với hình thức phạt tiền thì tại Khoản 1 Điều 78 Luật XLVPHC quy định: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả
Thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả

Như vậy, thời hạn mà người vi phạm phải nộp tiền phạt bắt buộc là 10 ngày, không thể dài hơn trong khi tại Khoản 2 Điều 68 và Khoản 1 Điều 73 lại quy định có thể kéo dài hơn 10 ngày.

(Tòa án tối cao hướng dẫn về thời hạn ra quyết định xử phạt hành chính)

Thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả theo Quyết định XPHC

          Đối với Thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả thì tại Khoản 1 Điều 85 Luật XLVPHC quy định được thực hiện theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc trong quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 28 của Luật XLVPHC. Quy định trên không rõ nên có có nhiều cách hiểu khác nhau: Có ý kiến cho rằng, trường hợp trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì thời hạn khắc phục hậu quả phải theo thời hạn thi hành  quyết định xử phạt, tức là tối thiểu là 10 ngày, nhưng cũng  có ý kiến cho rằng thời hạn khắc phục hậu quả  không nhất thiết phải theo thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà có thể sớm hơn do người xử phạt quyết định.

Quan điểm của trangtinphapluat.com cho răng, cách hiểu thứ 2 phù hợp hơn, tức là thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả có thể ngắn hơn thời hạn thi hành hình phạt tiền, bởi lẽ trường hợp không ban hành quyết định xử phạt, chỉ ban hành quyết định khắc phục hậu quả thì thời hạn thi hành được quy định là theo quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, tức là thời hạn do người ký quyết định quyết định; bên cạnh đó nhiều trường hợp không thể để 10 ngày mới khắc phục hậu quả mà phải khắc phục ngay như vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

(Tổng hợp các sai sót thường gặp trong xử phạt hành chính và cách khắc phục)

          Để thống nhất trong cách tính thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền ban hành Luật XLVPHC cần chỉnh sửa lại thời hạn nộp tiền phạt tại Khoản 1 Điều 78 theo hướng tối thiểu là 10 ngày còn tối đa do người xử phạt quyết định. Đối với thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả theo Khoản 1 Điều 85 thì sửa lại theo hướng do người có thẩm quyền áp dụng quyết định.

Quốc Huy

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *