Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính (lần 2) có nhiều thay đổi so với dự thảo lần 1, cụ thể như quy định cụ thể thế nào là tổ chức vi phạm hành chính, người có thẩm quyền lập biên bản, xử lý đối với cán bộ tham mưu và người có thẩm quyền ban hành quyết định sai…
1. Trong dự thảo lần 1 không quy định cụ thể thế nào là tổ chức vi phạm hành chính, lần này dự thảo nêu cụ thể tổ chức vi phạm hành chính phải thỏa mãn điều kiện sau:
– Có đủ các điều kiện để được công nhận là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự;
– Hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước do người đại diện hoặc người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức thực hiện và vì lợi ích của tổ chức hoặc có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của tổ chức và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
2. Về người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
Dự thảo lần 1 giữ nguyên như quy định của Nghị định 81/2013, cụ thể: Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính gồm người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ; người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản.
Dự thảo lần 2, không quy định là công chức, viên chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ mà sửa thành Người đang thi hành công vụ.
Như vậy, nếu dự thảo được thông qua sẽ tháo gở được vướng mắc về thẩm quyền lập biên bản, không chỉ công chức, viên chức được lập mà cán bộ hợp đồng được giao nhiệm vụ công vụ cũng có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.
(Hướng dẫn cách ghi biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
3. Dự thảo lần 2 cũng bổ sung trách nhiệm và việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người có thẩm quyền ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót.
Quy định này sẽ nâng cao trách nhiệm của người tham mưu cũng như người ký quyết định hành chính, sẽ hạn chế sai sót, đồng thời xử lý khi có sai sót xảy ra, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm:
– Người có thẩm quyền đã ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót và cơ quan của người đó phải kịp thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do việc ban hành và thực hiện quyết định gây ra.
– Việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đã ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ sai sót của quyết định và hậu quả do việc thực hiện quyết định đó gây ra đối với cá nhân, tổ chức có liên quan và trên cơ sở tính chất, mức độ lỗi của người đã ban hành, tham mưu ban hành quyết định đó.
– Việc xem xét trách nhiệm được thực hiện như sau:
+ Cơ quan của người có thẩm quyền đã ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót phải tổ chức việc kiểm điểm, xác định trách nhiệm của người đã ban hành, tham mưu ban hành quyết định đó, đồng thời, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót;
+ Công chức, viên chức trong quá trình ban hành, tham mưu ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót, tùy theo tính chất, mức độ lỗi và nội dung có sai sót của quyết định, phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Thủ tục xử lý kỷ luật công chức, viên chức thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
+ Trường hợp công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong quá trình ban hành, tham mưu ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
+ Trường hợp công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong quá trình ban hành, tham mưu ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị đề nghị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.”
Quốc Sử