Nhiều điểm mới quan trọng trong dự thảo sửa đổi Nghị định 81/2013/NĐ-CP

Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc những điểm mới quan trọng trong dự thảo sửa đổi Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính:

  1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:

“Điều 1. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính

Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước phải quy định liệt kê cụ thể những trường hợp đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là tổ chức.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức viên chức.

Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.”

Nộp phạt vi phạm hành chính ở đâu
Nộp phạt vi phạm hành chính ở đâu
  1. Bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 5 như sau:

3a. Trưởng đoàn Thanh tra có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi và thẩm quyền thanh tra trong thời hạn của cuộc thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính bị khiếu nại thì người ra quyết định thành lập đoàn thanh tra có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết hoặc chỉ đạo người đã ra quyết định xử phạt giải quyết.

  1. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 và khoản 5 Điều 5 như sau:

“4. Văn bản giao quyền quy định tại Điều 54, khoản 2 Điều 87 và khoản 2 Điều 123 Luật xử lý vi phạm hành chính phải xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền.

Văn bản giao quyền được thể hiện dưới hình thức quyết định giao quyền. Quyết định giao quyền phải đánh số, ghi rõ ngày, tháng, năm, ký và đóng dấu; trường hợp cơ quan, đơn vị của người giao quyền không được sử dụng dấu riêng, thì đóng dấu treo của cơ quan cấp trên.

Phần căn cứ pháp lý ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp phó được giao quyền phải thể hiện rõ số, ngày, tháng, năm, trích yếu của quyết định giao quyền và phải được lưu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.

  1. Người được giao nhiệm vụ đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền xử phạt như cấp trưởng.

Cấp phó được giao quyền có trách nhiệm thực hiện công việc theo quyết định giao quyền và phải báo cáo cấp trưởng về việc thực hiện công việc được giao quyền. Khi giao quyền cho cấp phó, cấp trưởng không thực hiện thẩm quyền xử phạt của mình và phải chịu trách nhiệm liên đới về các quyết định do cấp phó được giao quyền thực hiện trong phạm vi giao quyền.”

  1. Bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 5 như sau:

5a. Người được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì cũng có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, quyết định cưỡng chế theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Việc áp dụng biện pháp tạm giữ người, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt theo quy định tại khoản 2 Điều 87 và khoản 2 Điều 123 Luật xử lý vi phạm hành chính.

  1. Bổ sung khoản 6 Điều 5 như sau:

“6. Việc giao quyền chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Quyết định giao quyền hết thời hạn;

b) Công việc được giao quyền đã hoàn thành;

c) Cấp trưởng chấm dứt việc giao quyền cho cấp phó. Trong trường hợp này, việc chấm dứt giao quyền phải được thể hiện bằng văn bản.

d) Bên giao quyền hoặc bên được giao quyền được điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.

          đ) Bên giao quyền hoặc bên được giao quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.”

  1. Bổ sung Điều 5a sau Điều 5 như sau:

Điều 5a. Thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện đối với tổ chức vi phạm hành chính

Thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với tổ chức vi phạm hành chính được xác định như thẩm quyền phạt tiền và gấp 02 lần giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu của cá nhân vi phạm hành chính.

  1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 như sau

          “2. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này chỉ có quyền lập biên bản về những vi phạm thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản.

Trường hợp vụ việc vi phạm vừa có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền của người lập biên bản, vừa có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền của người lập biên bản, thì người đó vẫn phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với tất cả các hành vi vi phạm và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính.

  1. Bổ sung các Điều 6a và 6b vào sau Điều 6 như sau:

          “Điều 6a. Sửa đổi, bổ sung, đính chính quyết định về xử lý vi phạm hành chính

  1. Quyết định về xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có sai sót về kỹ thuật làm ảnh hưởng đến nội dung của quyết định;

b) Có sai sót về nội dung nhưng không làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định và không ảnh hưởng đến mục đích ban hành quyết định.

Quyết định về xử lý vi phạm hành chính được đính chính khi có sai sót về căn cứ pháp lý được viện dẫn hoặc thể thức, kỹ thuật trình bày hoặc các vấn đề có tính kỹ thuật khác mà không làm ảnh hưởng đến nội dung của quyết định.

Khi phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính có sai sót thuộc các trường hợp quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này, người đã ban hành quyết định về xử lý vi phạm hành chính tự mình hoặc theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người đó có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung hoặc đính chính những nội dung sai sót trong quyết định.

Những nội dung không bị sửa đổi, bổ sung, đính chính trong quyết định về xử lý vi phạm hành chính vẫn giữ nguyên hiệu lực.

Quyết định sửa đổi, bổ sung, đính chính quyết định về xử lý vi phạm hành chính là văn bản gắn liền với quyết định về xử lý vi phạm hành chính đã được ban hành và được lưu trong hồ sơ xử lý vi phạm hành chính.

          Điều 6b. Hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính

Quyết định về xử lý vi phạm hành chính bị hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có sai sót về nội dung áp dụng quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định và ảnh hưởng đến mục đích ban hành quyết định;

b) Có vi phạm quy định pháp luật về thẩm quyền, thủ tục ban hành;

c) Không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính;

d) Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại khoản 10 Điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính;

          đ) Có quyết định khởi tố vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng đối với vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật xử lý vi phạm hành chính;

e) Quyết định giải quyết khiếu nại của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại được ban hành dẫn đến việc thay đổi căn cứ, nội dung của quyết định về xử lý vi phạm hành chính.

Đối với trường hợp nêu tại điểm đ khoản 1 Điều này, người đã ban hành quyết định phải hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định về xử lý vi phạm hành chính.

Đối với trường hợp nêu tại điểm b khoản 1 Điều này, người đã ban hành quyết định phải hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định về xử lý vi phạm hành chính, đồng thời, ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới.

Đối với các trường hợp nêu tại các điểm c và d khoản 1 Điều này, người đã ban hành quyết định phải hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định về xử lý vi phạm hành chính. Nếu có căn cứ để ban hành quyết định mới thì người đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới.

Đối với các trường hợp nêu tại các điểm a và e khoản 1 Điều này, tùy thuộc vào tính chất, mức độ sai sót, người đã ban hành quyết định có thể hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định về xử lý vi phạm hành chính. Nếu có căn cứ để ban hành quyết định mới thì người đã ban hành quyết định phải ban hành quyết định mới hoặc chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định mới.”

TUY NHIÊN, dự thảo chưa quy định trường hợp mới chỉ lập biên bản vi phạm hành chính, sau đó phát hiện biên bản vi phạm lập không đúng thì xử lý như thế nào? 

Trường hợp đã ban hành quyết định xử phạt rồi nhưng phát hiện việc lập biên bản vi phạm hành chính bị sai thì xử lý như thế nào? chỉ hủy quyết định hay hủy toàn bộ hồ sơ vi phạm hành chính (gồm biên bản, quyết định và các tài liệu liên quan)

9. Bổ sung Điều 7a vào sau Điều 7 như sau:

          “Điều 7a. Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

           Hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được áp dụng khi nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định hình thức xử phạt này đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể.”.

  1. Bổ sung điểm d vào khoản 1 Điều 10 như sau:

d) Nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vào Kho bạc nhà nước thông qua dịch vụ của hệ thống bưu điện.

  1. Bổ sung Điều 11a vào sau Điều 11 như sau

          “Điều 11a. Xử lý tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu

  1. Đối với tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước để thực hiện hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, nếu không nộp thì bị cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
  2. Tùy theo loại tang vật, phương tiện cụ thể, việc xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm để xác định khoản tiền tương đương mà người vi phạm phải nộp vào ngân sách nhà nước dựa trên một trong các căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật xử lý vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc có trách nhiệm xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm.

Trường hợp không thể áp dụng được căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc có thể ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm và phải thành lập Hội đồng định giá. Hội đồng định giá gồm có người ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm hành chính là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp và đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan là thành viên.

  1. Thời hạn, thủ tục, biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện được thực hiện theo quy định tại các khoản 5, 8 và 9 Điều 125 của Luật xử lý vi phạm hành chính.
  2. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xác định giá trị tang vật, phương tiện để xác định khoản tiền tương đương mà người vi phạm phải nộp vào ngân sách nhà nước, người tạm giữ tang vật, phương tiện phải thông báo bằng văn bản cho người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp về việc trả lại tang vật, phương tiện, trừ trường hợp chưa xác định được chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.
  3. Khi trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản có trách nhiệm:

a) Kiểm tra quyết định trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ; giấy tờ tùy thân của chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quản lý, sử dụng hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng;

b) Yêu cầu chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp đến nhận lại tang vật, phương tiện và cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm đối chiếu với biên bản tạm giữ để kiểm tra về chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, đặc điểm, hiện trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu dưới sự chứng kiến của người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản. Việc giao, nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải được lập thành biên bản, có chữ ký của bên giao, bên nhận và cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm. Biên bản trả lại giấy tờ, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp phải được giao cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp và cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm, mỗi người 01 bản.

  1. Người quản lý, bảo quản chỉ thực hiện việc trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu khi có đầy đủ các thủ tục theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều này.
  2. Tang vật, phương tiện khi đã được đưa ra khỏi nơi tạm giữ thì chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp đã nhận tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm về sự mất mát, thay đổi đối với tang vật, phương tiện đó.
  3. Trường hợp đã quá 03 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo theo quy định tại khoản 4 Điều này, nếu chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ít nhất 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
  4. Hình thức, thủ tục thu, nộp khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.
  5. Bổ sung Điều 12a vào sau Điều 12 như sau:

Điều 12a. Xác định thẩm quyền xử phạt trong trường hợp tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm

1. Trường hợp tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm thì không phải tiến hành xác định giá trị tang vật vi phạm mà hồ sơ vụ việc phải chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều này.

  1. Thẩm quyền xử phạt đối với trường hợp tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm được xác định theo nguyên tắc sau đây:

a) Nếu người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc là người có thẩm quyền xử phạt cao nhất trong lĩnh vực quản lý nhà nước thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó.

b) Nếu người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc không phải là người có thẩm quyền xử phạt cao nhất trong lĩnh vực quản lý nhà nước hoặc không phải là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hoặc người có thẩm quyền xử phạt cao nhất trong lĩnh vực quản lý nhà nước đó để ra quyết định xử phạt.

Thẩm quyền quyết định tạm giữ tang vật vi phạm hành chính là hàng cấm được thực hiện theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính và khoản 2 Điều này.

Ru BI

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *