Thu phí chứng thực chữ ký hiện nay vẫn còn cách hiểu khác nhau về thế nào là trường hợp? Trường hợp là một hồ sơ hay là nhiều hồ sơ giống nhau có được xem là một trường hợp?
Theo Thông tư 226/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng thực, thì mức thu phí chứng thực quy định như sau:
Stt | Nội dung thu | Mức thu |
1 | Phí chứng thực bản sao từ bản chính | 2.000 đồng/trang. Từ trang thứ ba trở lên thu 1.000 đồng/trang, nhưng mức thu tối đa không quá 200.000 đồng/bản. Trang là căn cứ để thu phí được tính theo trang của bản chính |
2 | thu phí chứng thực chữ ký | 10.000 đồng/trường hợp. Trường hợp được hiểu là một hoặc nhiều chữ ký trong cùng một giấy tờ, văn bản |
3 | Phí chứng thực hợp đồng, giao dịch: | |
a | Chứng thực hợp đồng, giao dịch | 50.000 đồng/hợp đồng, giao dịch |
b | Chứng thực việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch | 30.000 đồng/hợp đồng, giao dịch |
c | Sửa lỗi sai sót trong hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực | 25.000 đồng/hợp đồng, giao dịch |
Thu phí chứng thực chữ ký tính theo trường hợp
Như vậy, Thông tư 226 quy định phí chứng thực chữ ký (kể cả chứng thực chữ ký người dịch và chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản) là 10.000 đồng/trường hợp. Trường hợp được hiểu là một hoặc nhiều chữ ký trong cùng một giấy tờ, văn bản.
Mặc dụ Thông tư 226 giải thích ” trường hợp được hiểu là một hoặc nhiều chữ ký trong cùng một giấy tờ, văn bản” nhưng cũng chưa rõ ràng nên có 02 cách hiểu khác nhau.
Một số ý kiến cho rằng “trường hợp” ở đây là cùng một văn bản nhưng chứng thực chữ ký thành nhiều bản trong cùng thời điểm. Ví dụ, chị A dịch sơ yếu lý lịch thành 5 bản thì chỉ xem là 1 trường hợp và thu 10.000đ phí chứng thực.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng “trường hợp” ở đây là một người hoặc nhiều người cùng ký vào văn bản, giấy tờ. Ví dụ: A và B cùng đề nghị chứng thực chữ ký trong văn bản thỏa thuận giữa A và B, và khi A và B đề nghị chứng thành nhiều bản thì mỗi bản được xem là 01 trường hợp, và cứ thếtính mỗi bản 10.000đ.
Vậy, cách hiểu nào là đúng?
Để giải quyết vướng mắc trên, ngày 15/9/2017, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực thuộc Bộ Tư pháp ban hành Công văn số 919/HTQTCT-CT về việc hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến việc thu phí chứng thực theo quy định của Thông tư số 226/2016/TT-BTC, cụ thể:
Mức thu phí chứng thực chữ ký là 10.000đ/trường hợp, không phụ thuộc vào việc có bao nhiêu người cùng ký vào giấy tờ, văn bản đó. Ví dụ, đối với văn bản có 01 chữ ký, phí chứng thực chữ ký là 10.000đ; đối với văn bản có 05 người cùng ký trên đó – cũng chỉ thu phí chứng thực 10.000đ. Trong trường hợp người dân yêu cầu chứng thực chữ ký trên 01 văn bản và muốn có nhiều bản chính như nhau, thì cơ quan chứng thực thu phí chứng thực mỗi bản 10.000đ.
Rubi