Tổng hợp các văn bản quan trọng có hiệu lực trong tháng 10 năm 2017

Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc một số văn bản quan trọng có hiệu lực từ tháng 10/2017.

1. Nhà nước độc quyền thương mại với 20 loại hàng hóa, dịch vụ

Ngày 10/8/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 94/2017/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại, có hiệu lực từ 01/10/2017, theo đó Danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại được ban hành kèm theo Nghị định bao gồm:

  1. Hàng hóa, dịch vụ, phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh (do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện cụ thể).
  2. Vật liệu nổ công nghiệp
  3. Vàng miếng (sản xuất)
  4. Vàng nguyên miếng (xuất khẩu và nhập khẩu để sản xuất vàng miếng)
  5. Xổ số kiến thiết (phát hành)
  6. Thuốc lá điếu, xì gà (nhập khẩu, trừ trường hợp nhập khẩu để kinh doanh bán hàng miễn thuế).
  7. Hoạt động dự trữ quốc gia
  8. Tiền (in, đúc)
  9. Tem bưu chính Việt Nam (phát hành)
  10. Pháo hoa và các dịch vụ liên quan
  11. Hệ thống điện quốc gia (truyền tải, điều độ); Thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế xã hội
  12. Dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải
  13. Dịch vụ công ích thông tin duyên hải
  14. Bảo đảm hoạt động bay (dịch vụ không lưu; dịch vụ thông báo tin tức hàng không; dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn)
  15. Hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư.
  16. Hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển.
  17. Dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng
  18. Xuất bản phẩm (không bao gồm hoạt động in và phát hành)
  19. Mạng bưu chính công cộng
  20. Dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí (cung ứng).

2. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính

Nghị định sửa đổi nghị định 81/2013/NĐ-CP

Ngày 18/8/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 97/2017/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 05/10/2017), theo đó Nghị định 97 có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng như: Quy định cụ thể thế nào là tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính; Quy định về giao quyền xử phạt, cưỡng chế; các trường hợp được sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

Nghị định 97 quy định rõ quyết định giao quyền chấm dứt khi

– Quyết định giao quyền hết thời hạn

–  Công việc được giao quyền đã hoàn thành

– Cấp trưởng chấm dứt giao quyền cho cấp phó

– Người giao quyền hoặc người được giao quyền nghỉ hưu, điều động, luân chuyển, thôi việc …

– Người giao quyền hoặc người được giao quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, hạn ché năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc chết

– Công việc được giao tuy chưa hoàn thành nhưng vụ việc phải chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền khác xử lý theo quy định của pháp luật

– Người được giao quyền hoặc người giao quyền bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.

*  Các trường hợp được sửa đổi, bổ sung, đính chính quyết định xử lý vi phạm hành chính

+ Quyết định xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung khi thuộc một các trường hợp sau đây :

– Có sai sót về kỹ thuật soạn thảo làm ảnh hưởng đến nội dung của quyết định

– Có sai sót về nội dung nhưng không làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định

+ Quyết định xử lý vi phạm hành chính được đính chính khi có sai sót về kỹ thuật soạn thảo mà không ảnh hưởng đến nội dung của quyết định.

Quyết định sửa đổi, bổ sung, đính chính quyết định xử lý vi phạm hành chính là những văn bản gắn liền với quyết định xử lý vi phạm hành chính đã được ban hành và lưu trong hồ sơ xử lý vi phạm hành chính.

* Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

Nghị định 97 mở rộng đối tượng có thẩm quyền lập biên bản so với Nghị định 81, cụ thể: Người có thẩm quyền lập biên bản gồm người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành; người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản. Các chức danh có thẩm quyền lập biên bản được quy định cụ thể tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý  nhà nước.

  1. Nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cứu hộ phòng cháy, chữa cháy
Nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy

Ngày 18/7/2017, Chính Phủ ban hành Nghị định 83/2017/NĐ-CP  quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy (nghị định có hiệu lực từ ngày 4/10/2017), theo đó nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cứu hộ là:Ưu tiên cứu người bị nạn, thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, phương tiện, tài sản của người bị nạn và lực lượng cứu nạn, cứu hộ. Bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và thống nhất trong chỉ huy, điều hành hoạt động cứu nạn, cứu hộ.Lấy lực lượng, phương tiện tại chỗ là chủ yếu, lực lượng chuyên trách làm nòng cốt, huy động tổng hợp các lực lượng và nhân dân tham gia cứu nạn, cứu hộ.

Các hành vi bị nghiêm cấm: Gây sự cố, tai nạn, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người, an toàn phương tiện, tài sản để trục lợi. Cản trở, chống lại các hoạt động phòng ngừa, cứu nạn, cứu hộ. Cố ý báo tin sự cố, tai nạn giả. Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, tự ý thay đổi, di chuyển phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ, biển báo, biển chỉ dẫn về cứu hộ, cứu nạn.

  1. Bốn biện pháp bảo đảm bắt buộc phải đăng ký 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm, có hiệu lực từ ngày 15/10/2017.

Nghị định chỉ rõ, 04 biện pháp bảo đảm phải đăng ký bao gồm: Thế chấp quyền sử dụng đất; Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; Thế chấp tàu biển.

Bên cạnh đó, 03 biện pháp bảo đảm được đăng ký khi có yêu cầu, bao gồm: Thế chấp tài sản là động sản khác; Thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; mua bán tàu bay, tàu biển; mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu.

Cũng theo Nghị định này, tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm bằng một trong các hình thức: Qua hệ thống đăng ký trực tuyến; Nộp trực tiếp; Qua đường bưu điện; Qua thư điện tử trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã được cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.

  1. Quy định mới về công tác thi đua khen thưởng

Ngày 31/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng (Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/10/2017)

cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng được thưởng 3,5 lần mức lương cơ sở; bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương được thưởng 1,0  lần mức lương cơ sở. Đối với tập thể, mức thưởng gấp hai lần mức thưởng đối với cá nhân. Đồng thời, cá nhân nhận Huy chương các loại được thưởng 1,5 lần mức lương cơ sở.

Cũng theo Nghị định, Bà mẹ được tặng hoặc truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được tặng 15,5 lần mức lương cơ sở. Cá nhân được tặng hoặc truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động được thưởng 15,5 lần mức lương cơ sở. Trường hợp cá nhân được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân nhân dân, mức thưởng lần 12,5 lần mức lương cơ sở; với Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, Nghệ nhân ưu tú, mức thưởng 9,0 lần mức lương cơ sở.

Người nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật được tặng thưởng 270 lần mức lương cơ sở; Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật được tặng thưởng 170 lần mức lương cơ sở.

 6. Điều kiện về đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức

Theo Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực thi hành từ ngày 02/10/2017 thì cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo sau đại học khi:

– Đối với cán bộ, công chức:

+ Có thời gian công tác từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) và 02 năm liền kề của năm trước cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ;

+ Không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu;

+ Có cam kết thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan,đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo;

+ Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

– Đối với viên chức

+ Đã kết thúc thời gian tập sự (nếu có)

+ Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo;

+ Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.

Nghị định cũng quy định cụ thể trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học  phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau:

– Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấmdứt  hợp đồng lao động làm việc trong thời gian đào tạo;

– Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp;

– Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết.

Chi phí đền bù gồm chi phí học tập và tất cả các khoản chi phí khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp (nếu có).

  1. Quy định về tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi

Theo Thông tư số 33/2017/TT-BYT​ ngày 01/8/2017 của Bộ Y tế quy định về tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi; Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2017.

​          Theo đó, Thông tư này quy định về nguyên tắc, yêu cầu tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi; áp dụng đối với trẻ em dưới 16 tuổi; cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em; cơ sở tư vấn, hỗ trợ trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản bao gồm: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về nhi khoa, sản phụ khoa; trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản; trung tâm phòng chống HIV/AIDS; trung tâm y tế quận/huyện; cơ sở tư vấn, xét nghiệm và điều trị HIV; cơ sở tiêm chủng; trạm y tế xã, phường, thị trấn; y tế trường học và các cơ sở khác có cung cấp dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em theo quy định của pháp luật; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tư vấn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

Hoạt động tư vấn, hỗ trợ phải tôn trọng, chia sẻ, đồng cảm với trẻ em; phù hợp với độ tuổi, đặc điểm tâm sinh lý, tình trạng sức khỏe của trẻ em; phù hợp với năng lực và điều kiện của cơ sở tư vấn, hỗ trợ.

Người tư vấn, hỗ trợ phải: Đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật và được đào tạo, tập huấn về cung cấp dịch vụ thân thiện với trẻ em; Khi tư vấn, hỗ trợ phải bảo đảm thân thiện, kín đáo, bí mật, riêng tư và chia sẻ; dùng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi và nhận thức của trẻ em; Tư vấn trực tiếp cho trẻ em ở độ tuổi phù hợp hoặc tư vấn cho cha mẹ hoặc người giám hộ; Giải thích cho trẻ em, cha mẹ hoặc người giám hộ về mục đích, ý nghĩa và quy trình thăm khám trong trường hợp cần thăm khám cho trẻ em.

Đối với cơ sở tư vấn, hỗ trợ phải có nơi tư vấn, thăm khám riêng tư, kín đáo; có đủ nhân lực phù hợp theo quy định; có cơ chế liên kết và chuyển tuyến giữa các cơ sở tư vấn, hỗ trợ khác nhau trong cùng địa bàn hoặc các lĩnh vực can thiệp chuyên môn phù hợp.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các Bộ, Ngành có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở tư vấn, hỗ trợ, khám bệnh, chữa bệnh của địa phương, bộ, ngành thực hiện đúng các quy định của Thông tư này.

8 . Xuất bản phẩm trẻ em phải ghi rõ đối tượng phục vụ

Ngày 23/6/2017, Bộ Thông tin truyền thông ban hành Thông tư 09/2017/TT-BTTTT quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm, có hiệu lực từ ngày 1-10,  quy định chi tiết khoản 2 điều 46 Luật Trẻ em về tỉ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ; yêu cầu bắt buộc khi đăng, phát tin, bài, chương trình liên quan đến trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm

Quyền hình ảnh cá nhân của trẻ em phải được bảo vệ

Theo đó, xuất bản phẩm dành cho trẻ em (trừ sách giáo khoa) phải ghi rõ đối tượng phục vụ tại bìa 4 và trang tên sách theo các lứa tuổi sau: dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, dành cho trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 11 tuổi, dành cho trẻ em từ 11 đến dưới 16 tuổi.

Đối với báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, khi thông tin về những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật mà trẻ em là nạn nhân hoặc là người liên quan, phải làm mờ hoặc che mặt và bảo đảm thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em theo điều 33 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.

  1. Sử dụng lao động nước ngoài phải giải trình nhu cầu qua mạng

Ngày 15/8/2017, Bộ lao động thương binh và xã hội ban hành Thông tư 23/2017/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử, có hiệu lực từ ngày 02/10/2017, theo đó trước ít nhất 20 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng NLĐNN, người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài qua mạng điện tử.

Hiện việc nộp tờ khai và báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng NLĐNN được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng (theo Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016).

Như vậy, so với quy định nộp hồ sơ giấy báo cáo giải trình như hiện tại thì việc nộp hồ sơ qua mạng điện tử đã rút ngắn thời gian yêu cầu thực hiện đối với người sử dụng lao động.

  1. Quy định mới về xếp lương ngạch công chức hành chính

Ngày 15/8/2017 Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 05/2017/TT-BNV sửa đổi, bổ sung Thông tư 11/2014/TT-BNV và Thông tư 13/2010/TT-BNV về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính, có hiệu lực từ ngày 01/10/2017

Theo đó, bổ sung quy định về xếp lương đối với công chức chuyên ngành hành chính được bổ nhiệm theo quy định tại Thông tư 11/2014/TT-BNV như sau:

– Áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước (Bảng 2 tại Nghị định204/2004/NĐ-CP ) đối với các ngạch công chức sau:

+ Ngạch chuyên viên cao cấp áp dụng công chức loại A3 (nhóm 1);

+ Ngạch chuyên viên chính áp dụng công chức loại A2 (nhóm 1);

+ Ngạch chuyên viên áp dụng công chức loại A1;

+ Ngạch cán sự áp dụng công chức loại A0;

+ Ngạch nhân viên áp dụng công chức loại B.

– Áp dụng Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp của nhà nước (Bảng 4 Nghị định 204) đối với ngạch nhân viên lái xe cơ quan và nhân viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động.

  1. Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp được lập theo chu kỳ 10 năm

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 15/2017/TT-BCT quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/05/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Thông tư này chỉ rõ, Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp được lập trên địa bàn cấp tỉnh thuộc nhóm quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng sản xuất và được lập cho mỗi giai đoạn 10 năm, có xét triển vọng 10 năm tiếp theo; 05 năm 01 lần, Quy hoạch này sẽ được xem xét, điều chỉnh; trừ trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh trao đổi thống nhất với Bộ Công Thương.

Hồ sơ Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp gồm: Dự thảo Tờ trình của Sở Công Thương đề nghị phê duyệt Quy hoạch; Dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch; Báo cáo Quy hoạch đã hoàn thiện sau khi lấy ý kiến của các cơ quan liên quan; Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các Sở, ngành, UBND cấp huyện, tổ chức, cá nhân liên quan; Văn bản góp ý của các sở, ngành, UBND cấp huyện, tổ chức, cá nhân liên quan; Quyết định phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí; Các văn bản, tài liệu khác (nếu có).

Sau khi hoàn thành hồ sơ Quy hoạch, Sở Công Thương báo cáo UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch, đồng thời có trách nhiệm gửi hồ sơ Quy hoạch tới các thành viên Hội đồng trước ngày họp thẩm định ít nhất 05 ngày làm việc.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 16/10/2017.

12. Nguyên tắc miễn, giảm tiền thuê đất trong Khu kinh tế

Ngày 23/8/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 89/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 35/2017/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước trong Khu kinh tế, Khu công nghệ cao, có hiệu lực ngày 06/10/2017, theo đó, tổ chức, cá nhân được Ban quản lý Khu kinh tế cho thuê đất chỉ được hưởng ưu đãi miễn, giảm sau khi thực hiện các thủ tục như sau:

Đối với đối tượng được miễn, giảm nhưng không làm thủ tục để được miễn, giảm thì:

Phải nộp tiền thuê đất theo quy định pháp luật;

Nếu chậm làm thủ tục miễn, giảm thì không được miễn, giảm tiền thuê đất trong khoảng thời gian chậm làm thủ tục đó.

Đối với đối tượng khi nộp hồ sơ xin miễn, giảm nhưng đã hết thời gian được miễn, giảm thì:

Không được miễn, giảm tiền thuê đất;

Nếu đang trong thời gian được miễn, giảm thì chỉ được miễn, giảm cho thời gian ưu đãi còn lại tính từ thời điểm nộp đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị được miễn, giảm tiền thuê đất.

13. Quy định mới về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân với Nhân dân

Ngày 22/8/2017, Bộ Công an ban hành Thông tư 27/2017/TT-BCA quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân, có hiệu lực từ ngày 06/10/2017. Thông tư quy định rõ về ứng xử với Nhân dân: Kính trọng, lễ phép với Nhân dân; gắn bó mật thiết với Nhân dân; tận tình, trách nhiệm giải quyết công việc, yêu cầu chính đáng của Nhân dân.

Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; xưng hô đúng mực, thái độ lịch sự, hòa nhã, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp đúng đắn; ưu tiên giải quyết công việc với người già, yếu, người khuyết tật, đau ốm, phụ nữ mang thai.

Công an nhân dân không được có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, thái độ thờ ơ, vô cảm trước yêu cầu hợp pháp của người dân; không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân; không hẹn gặp người dân giải quyết công việc bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc.

14. Quy định khung giá dịch vụ sử dụng cảng, bến thủy nội địa tỉnh Quảng Nam

Ngày 19/9/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 21/2017/QĐ-UBND về việc quy định khung giá dịch vụ sử dụng cảng, bến thủy nội địa được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, có hiệu lực từ ngày 15/10/2017. Theo đó, tàu thuyền ra vào cảng, bến đối với tàu chở khách dưới 20 ghế, tàu chở khách từ 21 đến dưới 40 ghế, tàu khách hơn 40 ghế có khung giá dịch vụ lần lượt là  từ 36 nghìn đến 54 nghìn đồng, từ 70 đến 105 nghìn đồng và  từ 100 đến 150 nghìn đồng đối với một lượt xuất bến (mức giá nêu trên đã bao gồm thuế VAT). Ngoài ra, UBND tỉnh cũng quy định giá dịch vụ trông giữ xe tại bến cảng.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan, cung ứng dịch vụ niêm yết công khai mức giá dịch vụ tại cảng, bến thủy nội địa theo quy định nêu trên và mức giá cụ thể của UBND cấp huyện; tổ chức thu theo đúng giá niêm yết.

 

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *