Bộ Tư pháp trả lời các vướng mắc công tác Tư pháp năm 2016

1. Khoản 4 Điều 14 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015) cấm chính quyền địa phương quy định thủ tục hành chính. Tuy nhiên, Luật tổ chức chính quyền địa phương cho phép địa phương quy định các chính sách, biện pháp tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ; nhất là chính quyền đô thị được thực hiện những chức năng, nhiệm vụ có tính chất đặc thù, được phân cấp, ủy quyền mạnh hơn so với chính quyền nông thôn. Để triển khai những chính sách, biện pháp này thì địa phương cần phải quy định về điều kiện, thủ tục thực hiện. Do đó, việc Luật năm 2015 cấm quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương sẽ gây khó khăn trong việc triển khai các quy định, chính sách riêng của từng địa phương. Vì vậy, đề nghị Bộ Tư pháp sớm nghiên cứu, rà soát để tham mưu sửa đổi Luật cho phù hợp thực tiễn (UBND TP. Đà Nẵng, Đồng Tháp, Nghệ An).

Trả lời:

Về vấn đề này, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 4218/BTP-VĐCXDPL ngày 28/11/2016 trả lời về một số quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có nội dung trả lời về việc quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của HĐND cấp tỉnh. Cụ thể như sau:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Luật năm 2015 thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, HĐND, UBND các cấp chỉ được quy định thủ tục hành chính trong trường hợp được luật giao. Luật năm 2015 bổ sung quy định này là nhằm hạn chế các Bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương đặt ra các thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Riêng đối với HĐND cấp tỉnh, theo quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật năm 2015, HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành nghị quyết để quy định biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Như vậy, trường hợp để thực hiện được biện pháp đặc thù đó mà cần phải quy định về trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ, yêu cầu, điều kiện… thì việc quy định những nội dung này trong nghị quyết của HĐND cấp tỉnh là phù hợp với quy định “được giao trong luật”. Tuy nhiên, việc quy định các biện pháp có tính chất đặc thù ở địa phương phải bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

2. Luật năm 2015 quy định:“Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác”(Khoản 2 Điều 8); “Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết” (khoản 1 Điều 11). Tuy nhiên, trong thực tiễn, một số trường hợp địa phương ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó phải quy định lặp lại hầu như toàn bộ quy định của văn bản ở trung ương. Ví dụ: việc ban hành Quy chế làm việc của UBND, Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước, Quy chế thi đua khen thưởng… tại địa phương cụ thể hóa các quy chế mẫu do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành.

Hơn nữa, theo các biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật năm 2015 thì địa phương vẫn có thẩm quyền ban hành Quyết định ban hành kèm theo Quy chế. Như vậy, vô hình chung Luật năm 2015 cho phép quy định lặp lại nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên. Do đó, đề nghị Bộ Tư pháp sớm nghiên cứu, rà soát để tham mưu sửa đổi các quy định trên cho phù hợp (UBND TP. Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Trả lời:

Thứ nhất, đối với chính quyền cấp tỉnh:

Về nguyên tắc, văn bản quy phạm pháp luật không được quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác. Trong một số trường hợp, để bảo đảm tính thống nhất trong phạm vi toàn quốc, việc ban hành văn quy phạm pháp luật phải căn cứ vào các quy định mẫu đã được cơ quan Trung ương ban hành (Ví dụ: Quy chế làm việc mẫu của UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do Thủ tướng Chính phủ ban hành…). Theo đó, khi ban hành quy chế làm việc của cơ quan mình, UBND các cấp phải tuân theo bố cục và những nội dung cơ bản đã được quy định trong Quy chế mẫu của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, căn cứ vào cơ cấu tổ chức, đặc điểm của từng địa phương, UBND có thể bổ sung một số quy định để bảo đảm phù hợp với địa phương mình.

Trong một số trường hợp khác, nếu văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương chỉ giao địa phương ban hành quy chế (Ví dụ: Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước giao ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước ở cơ quan, tổ chức, địa phương mình) mà không quy định mẫu của loại quy chế này thì địa phương có quyền chủ động trong việc quy định bố cục và nội dung của quy chế.

Thứ hai, đối với chính quyền cấp huyện, cấp xã

Theo quy định tại Điều 30 của Luật năm 2015 thì HĐND cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao. Như vậy, kể từ ngày 01/7/2016, cấp huyện, cấp xã chỉ được ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi được giao trong luật. Trường hợp UBND cấp huyện cần ban hành một số loại Quy chế (như Quy chế làm việc của UBND…) để quy định về nguyên tắc, lề lối làm việc, chế độ trách nhiệm, trình tự giải quyết công việc của UBND… thì ban hành bằng hình thức văn bản hành chính (Quyết định cá biệt của UBND).

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp.

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *