Hiến pháp năm 1992, tại Điều 4 đã quy định về vị trí, vai trò và trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo đó Đảng Cộng sản Việt Nam là “đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”
Trải qua 20 năm thi hành Hiến pháp 1992, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của mình trong hệ thống chính trị. Đảng đã lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới, đưa đất nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một nước có nền kinh tế ngày càng phát triển, đời sống của đại bộ phận nhân dân ngày càng được nâng cao, vị thế của nước Việt Nam trên trường Quốc tế ngày càng quan trọng.
Tiếp tục kế thừa Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013 tại Điều 4 vẫn tiếp tục khẳng định “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đội tiên phong của giai cấp công nhân” và bổ sung quy định Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân mà còn là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Bởi vì, qua quá trình thực tiễn lãnh đạo đất nước và xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ tiên phong vì lợi ích của giai cấp công nhân, mà còn của cả dân tộc. Do đó, việc bổ sung thêm Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc là phù hợp với thực tiễn.
Tiếp tục khẳng định vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam
Hiến pháp 2013, tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Vai trò này không phải tự nhiên mà có mà nó bắt nguồn từ khi Đảng ta ra đời đến nay và không có bất kỳ lực lượng nào có thể thay thế được.
Ngược về lịch sử nước ta vào trước những năm 1930 của thế kỷ 20, lúc đó đất nước ta có rất nhiều đảng cách mạng nhưng không đảng nào đủ sức để tập hợp toàn dân tộc, lãnh đạo nhân dân đánh thắng quân xâm lược, lật đổ chế độ phong kiến đã thống trị hàng ngàn năm. Chỉ đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với đường lối cách mạng đúng đắn, Đảng đã tập hợp được lực lượng, lãnh đạo nhân dân đánh thắng thực dân Pháp năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Khi mới dành được độc lập, bên cạnh Đảng Cộng sản Việt Nam còn có Đảng Việt Quốc, Việt Cách tham gia vào Quốc Hội, nhưng khi thực dân Pháp nổ súng quay lại xâm lược nước ta thì 2 đảng này quay súng chống lại dân tộc. Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo nhân dân chống Pháp, chống Mỹ làm nên chiến thắng Điện Biên phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, buộc thực dân Pháp, đế quốc Mỹ phải rút quân về nước, trao trả độc lập, hòa bình cho dân tộc Việt Nam.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được nhân dân giao phó từ khi Đảng ra đời đến nay và Đảng cũng đã thực hiện tốt vai trò của mình trong công cuộc bảo vệ tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Để thực hiện thành công vai trò của mình thì Đảng Cộng sản Việt Nam phải gắn bó mật thiết với nhân dân để nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó đề ra đường lối, sách lược cách mạng đúng đắn phục vụ lợi ích của nhân dân. Có như vậy, nhân dân mới tin tưởng, ủng hộ Đảng. Tất cả mọi hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên phải chịu sự giám sát của nhân dân nhằm hạn chế những tiêu cực, những sai lầm trong quá trình lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Thông qua giám sát nhân dân sẽ giúp Đảng kịp thời chấn chỉnh đội ngũ đảng viên có vi phạm cũng như điều chỉnh các chương trình, nghị quyết cho phù hợp với thực tiễn.
Đảng phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân
Và một quy định rất mới trong Hiến pháp 2013, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ phải chịu trách nhiệm trước tổ chức Đảng mà còn phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình. Quy định này khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội, buộc Đảng ta phải cân nhắc kỹ càng các quyết định. Bởi lẽ, một khi chính sách đã ban hành không chỉ ảnh hưởng đến đảng viên, tổ chức đảng mà ảnh hưởng đến nhà nước và toàn xã hội.
Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhưng không vì thế mà Đảng đứng trên pháp luật mà ngược lại các tổ chức của Đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Phải gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật để mọi người dân noi theo.
Điểm mới cuối cùng tại Điều 4 Hiến pháp 2013, đó là quy định cụ thể Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không ghi là Đảng như Hiến pháp 1992. Quy định này khẳng định, ở nhà nước Việt Nam chỉ có một đảng duy nhất, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nguyễn Quốc Sử