Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc Bộ tài liệu tập huấn hòa giải cơ sở có nhạy cảm giới năm 2020 dành cho hòa giải viên. Tài liệu do Bộ Tư pháp biên soạn.
Tài liệu gồm 06 phần:
PHẦN 1: MỘT SỐ KIẾN THỨC CHUNG VỀ GIỚI (xem tại đây)
PHẦN 2: GIỚI THIỆU CHUNG VỀ HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ (xem tại đây)
PHẦN 3: HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ CÓ NHẠY CẢM GIỚI (xem tại đây)
PHẦN 4: PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ NĂNG CỦA HÒA GIẢI VIÊN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHẠY CẢM GIỚI (xem tại đây)
PHẦN 5: TIẾN HÀNH HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ CÓ NHẠY CẢM GIỚI
PHẦN 6: THỰC HÀNH HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ CÓ NHẠY CẢM GIỚI (xem tại đây).
Trong chuyên đề hôm nay, trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc phần thứ 5 – Tiến hành hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới.
1 CÁC ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO TIẾN HÀNH HÒA GIẢI CÓ NHẠY CẢM GIỚI
Lựa chọn hòa giải viên.
Lựa chọn thời gian, địa điểm đảm bảo phù hợp và an toàn đối với phụ nữ, trẻ em và các nhóm yếu thế.
Đưa ra các gợi ý thực tế bảo vệ phụ nữ, trẻ em và nhóm yếu thế.
Phân tích thông tin, hậu quả có ảnh hưởng, tác động đến phụ nữ, trẻ em, các nhóm yếu thế.
Hướng dẫn hai bên mâu thuẫn/tranh chấp suy nghĩ về những tác động, ảnh hưởng có thể đối với mỗi giới, đặc biệt là những ảnh hưởng đối với phụ nữ, trẻ em và các nhóm yếu thế.
Tiến hành hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới cần đảm bảo:
Đảm bảo sự tham gia đầy đủ của các bên có liên quan, đặc biệt là phụ nữ trong tất cả các cuộc thảo luận thông qua việc cân nhắc tới địa điểm, thời gian, bối cảnh, chương trình làm việc phù hợp với các nhóm tham gia.
Đảm bảo sự an toàn của phụ nữ khi họ tham gia vào hòa giải. Cần cân nhắc tới tính bảo mật, sự riêng tư của phụ nữ và đặc biệt là những vấn đề liên quan tới khả năng xảy ra tình trạng kì thị/phân biệt đối xử từ cộng đồng, gia đình và các bên liên quan.
Tham vấn với các chuyên gia về giới, bình đẳng giới và quyền trong quá trình thảo luận (đặc biệt khi các hòa giải viên chưa được tham gia các lớp tập huấn hoặc chưa có đầy đủ kiến thức về các vấn đề này).
Huy động sự tham gia của những người có kiến thức về giới, người có ảnh
hưởng tích cực đến bảo đảm bình đẳng giới ở cơ sở.
Đánh giá và phân tích một cách khách quan, không thiên vị và phân biệt giới trong quá trình xác định mấu chốt của tranh chấp/mâu thuẫn: Vai trò khác nhau của phụ nữ trong tranh chấp, sự tác động của tranh chấp tới phụ nữ và nam giới.
Tôn trọng ý kiến của các bên liên quan, bất kể đó là phụ nữ hay nam giới;
tránh phán xét hay có định kiến chỉ vì người đưa ra ý kiến là nam giới hay
phụ nữ. Tránh bị ảnh hưởng bởi các khuôn mẫu giới sẵn có.
Lưu ý tới khả năng có thể tham gia và bối cảnh phù hợp (thời gian, địa điểm) v.v… trong các cuộc họp/thảo luận nhằm đảm bảo tất cả các hòa giải viên trong tổ hòa giải, nhất là hòa giải viên nữ đều có thể cùng có mặt.
Đảm bảo sự ủng hộ của chính quyền và cộng đồng về sự tham gia của phụ nữ trong tổ hòa giải.
2 CHUẨN BỊ HÒA GIẢI
Bước 1: Hòa giải viên tiếp nhận vụ việc hòa giải (chứng kiến, biết vụ việc thuộc phạm vi hòa giải, được một/các bên yêu cầu hòa giải hoặc được tổ trưởng tổ hòa giải phân công).
Bước 2: Hòa giải viên gặp gỡ, tiếp xúc với các bên để nắm bắt các thông tin có liên quan đến vụ việc, đề nghị các bên cung cấp các bằng chứng chứng minh cho quan điểm và đưa ra các yêu cầu của họ.
Bước 3: Tiến hành thu thập thông tin có liên quan đến các ý kiến mà các bên đưa ra từ cộng đồng dân cư (nếu có điều kiện và thấy cần thiết).
Bước 4: Nghiên cứu các văn bản pháp luật điều chỉnh mối quan hệ liên quan nội dung tranh chấp.
ĐỂ ĐẢM BẢO NHẠY CẢM GIỚI, HÒA GIẢI VIÊN CẦN TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI SAU:
1) Phụ nữ và nam giới trong tranh chấp có nhu cầu, cơ hội, hạn chế và
năng lực như thế nào? Trong một mối quan hệ, nếu có tranh chấp phát sinh giữa hai bên thì hòa giải viên cần xác định rõ sự khác biệt về nhu cầu, cơ hội, hạn chế và năng lực của mỗi bên. Ví dụ, phụ nữ là một bên tranh chấp có nguyện vọng gì? Những hạn chế (ví dụ như về việc làm, thu nhập, quyền đưa ra quyết định).
2) Nếu họ khác nhau, ai lợi thế hơn? Việc đánh giá lợi thế của mỗi bên sẽ giúp cho hòa giải viên đưa ra được những giải pháp thương lượng hợp lý, đảm bảo phù hợp hơn với từng bên.
3) Các giải pháp giải quyết tranh chấp sẽ có tác động thế nào đến phụ nữ, nam giới và những người có liên quan? Đánh giá tác động của các giải pháp giải quyết tranh chấp, nghĩa là xác định rõ giải pháp đó có tác động thế nào đến phụ nữ.
4) Việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành của phụ nữ và nam giới như thế nào? Có khó khăn, vướng mắc cho bên nào không? Có khả thi không? Có bất lợi hay áp lực cho bên nào không? Việc hiểu rõ những khó khăn, vướng mắc của mỗi bên, cân nhắc đến những đặc thù của giới, ví dụ: những vấn đề phát sinh sau ly hôn, nuôi con, nơi ở, tìm kiếm việc làm sẽ giúp cho hòa giải viên đề xuất các phương án giải quyết mâu thuẫn có đảm bảo lợi ích tốt nhất của các bên, chú ý đến những sự khác biệt, ảnh hưởng của mỗi giới (ví dụ: nam giới nuôi con gái có khó khăn hơn so với nuôi con trai không?).
a) LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM BUỔI HÒA GIẢI
Lựa chọn địa điểm tiến hành buổi hòa giải: địa điểm có thể là nhà riêng của một bên, nhà riêng của hòa giải viên, nhà văn hóa hay địa điểm khác mà các bên cảm thấy thoải mái, dễ chịu.
LƯU Ý: thời gian, địa điểm đảm bảo phù hợp và an toàn đối với phụ nữ và trẻ em, ví dụ không chọn địa điểm quá xa, hẻo lánh hay thời gian không phù hợp để tiến hành buổi hòa giải.
YÊU CẦU VỀ ĐỊA ĐIỂM HÒA GIẢI
An toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em.
Có các phương tiện cần thiết cho cuộc họp.
Bảo đảm quyền riêng tư, bí mật cho các bên và hòa giải viên.
Không ủng hộ một bên chống lại bên kia.
Không tạo ra những chi phí phát sinh và gây bất lợi không cần thiết cho bất kỳ bên nào.
Cung cấp các điều kiện cần thiết cho những người bị chấn thương tham gia an toàn và không gây hại cho họ.
Không sử dụng địa điểm gây sự khó khăn, tạo cảm giác không thoải mái cho một bên hoặc các bên, ví dụ như địa điểm tại nhà riêng của hàng xóm (ảnh hưởng quyền riêng tư), hay trụ sở cơ quan (tạo cảm giác không thoải mái).
b) THÀNH PHẦN THAM DỰ BUỔI HÒA GIẢI
1) Hòa giải viên, nếu có từ 02 hòa giải viên trở lên thì cần phân công 01 người chủ trì buổi hòa giải.
2) Các bên có mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật.
3) Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
4) Hòa giải viên hoặc các bên có thể mời người khác tham gia hòa giải.
5) Người phiên dịch nếu hòa giải viên, các bên có sự bất đồng về ngôn ngữ.
LƯU Ý: Nếu có một bên tranh chấp là phụ nữ hoặc nội dung vụ việc có tính chất nhạy cảm thì cần lựa chọn hòa giải viên phù hợp, ví dụ phải có ít nhất 01 hòa giải viên nữ để các bên có thể chia sẻ dễ dàng hơn (không có sự e ngại).
Tăng sự hiện diện của nữ hòa giải viên sẽ giúp các bên liên quan hiểu được sự khác nhau trong trải nghiệm, ứng xử, nhu cầu và mong muốn của phụ nữ với nam giới đồng thời góp phần tăng tiếng nói về các vấn đề giới và của phụ nữ, từ đó giúp bảo vệ quyền lợi và sự công bằng của các nhóm phụ nữ trong mâu thuẫn, tranh chấp thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở.
3 TIẾN HÀNH HÒA GIẢI
Trong quá trình hòa giải, hòa giải viên luôn cần vận dụng các kiến thức, kỹ năng để đảm bảo giải quyết vụ việc một cách hiệu quả nhất, có cân nhắc đến quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, và nhóm yếu thế, không sử dụng ngôn ngữ có định kiến giới. Tùy từng trường hợp, bối cảnh cụ thể, hòa giải viên thực hiện buổi hòa giải để phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất, có thể tham khảo những bước cơ bản khi tiến hành một buổi hòa giải như sau:
BƯỚC 1: BẮT ĐẦU BUỔI HÒA GIẢI
Hòa giải viên chủ trì buổi hòa giải nêu mục đích, ý nghĩa của buổi hòa giải; thống nhất với các bên về một số quy ước, cách làm tại buổi hòa giải trên cơ sở “An toàn, Hợp tác, Tôn trọng và Không gây tổn thương”.
Hòa giải viên phải tạo ra không khí thân mật, cởi mở và chân thành, không áp đặt ý chí của hoà giải viên đối với các bên tranh chấp, không thiên vị hay bênh vực bên nào, khẳng định rõ vai trò “trung lập” của mình.
BƯỚC 2: Các bên trình bày nội dung vụ việc
1) Hòa giải viên mời từng bên trình bày sự việc. Sau khi trình bày xong, các bên có quyền bổ sung ý kiến, đưa ra luận cứ, quan điểm của mình.
2) Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phát biểu quan điểm của họ về vấn đề đang tranh chấp, mâu thuẫn.
LƯU Ý: Cần chú ý đến cảm xúc của các bên khi trình bày lại vụ việc, cân nhắc các yếu tố có thể làm “tổn thương” nếu các bên phải nhắc lại nội dung vụ việc nhiều lần.
Nếu thấy các bên không kiềm chế được cảm xúc thì hòa giải viên cần có những can thiệp kịp thời, ví dụ có thể tìm cách tạm dừng các bên trình bày sự việc.
BƯỚC 3: Phân tích vụ việc, dẫn chiếu các quy định pháp luật.
1) Hòa giải viên tổng hợp lại các vấn đề tranh chấp, phân tích vụ, việc; dẫn chiếu các quy định pháp luật áp dụng đối với từng bên tranh chấp; phân tích phong tục tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp.
2) Hòa giải viên phân tích cho các bên hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình; thấy rõ hành vi ứng xử của mình phù hợp ở điểm nào, chưa phù hợp ở điểm nào.
3) Hòa giải viên đưa gợi ý các phương án giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp để các bên tham khảo; các bên có quyền trình bày phương án giải quyết tranh chấp của mình.
4) Hòa giải viên phân tích lợi ích của việc hòa giải thành, hậu quả pháp lý mà các bên có thể phải gặp phải nếu tiếp tục tranh chấp và có những hành vi sai trái.
5) Người được mời tham gia hòa giải có thể phân tích, bổ sung làm rõ ý kiến của hòa giải viên.
Bước 4: Thỏa thuận và kết thúc hòa giải
Trường hợp các bên đạt được thỏa thuận: Trên cơ sở các phương án giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn do hòa giải viên hoặc các bên đưa ra. Các bên trao đổi, bàn bạc thống nhất phương án giải quyết tranh chấp, trách nhiệm cụ thể của từng bên, thời hạn thực hiện trách nhiệm. Hòa giải viên chốt lại nội dung thỏa thuận, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi bên. Nếu các bên đồng ý lập văn bản hòa giải thành thì hòa giải viên lập văn bản hòa giải thành; các bên và hòa giải viên cùng ký văn bản hòa giải thành.
Hòa giải viên giải thích trách nhiệm thực hiện thỏa thuận hòa giải thành cho các bên, hướng dẫn các bên có quyền lựa chọn thực hiện thủ tục đề nghị Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở. Giá trị pháp lý của quyết định của Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở.
LƯU Ý:
Hòa giải viên không nên thực hiện việc lập văn bản hòa giải thành nếu như các bên chưa hiểu rõ về các nội dung đã được thống nhất.
Cần kiểm tra lại các nội dung thỏa thuận có phù hợp với quy định của pháp luật không.
Văn bản hòa giải phải được soạn thảo cẩn thận, chính xác về nội dung, cách thức thực hiện các thỏa thuận giữa các bên, phương án các bên lựa chọn.
Yêu cầu các bên ký vào văn bản hòa giải.
Có thể yêu cầu người đại diện cộng đồng dân cư, người có uy tín hỗ trợ giám sát việc thi hành các thỏa thuận hòa giải.
LƯU Ý: Hòa giải viên cần đánh giá thỏa thuận đã đảm bảo được quyền lợi của các bên chưa. Phụ nữ, trẻ em, nhóm yếu thế sẽ có ảnh hưởng như thế nào trong thỏa thuận đó. Ví dụ như trong việc thỏa thuận tài sản sau ly hôn, cuộc sống của phụ nữ và trẻ em sẽ như thế nào? Cần phân tích rõ các yếu tố tác động đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Sự quan tâm đúng mức, nhận thức đầy đủ và áp dụng những kiến thức, hiểu biết về vấn đề giới, bình đẳng giới vào thực tiễn hòa giải của các HGV đóng vai trò quan trọng đối với kết quả của các cuộc hòa giải do không chỉ giúp giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn mà còn góp phần thực hiện công bằng xã hội. Ngoài ra, điều đó còn có ý nghĩa to lớn với các bên liên quan, đặc biệt là phụ nữ và các nhóm yếu thế khi các vấn đề, nguyện vọng, nhu cầu giới của họ được quan tâm, nhìn nhận và được tính đến trong quá trình đưa ra các giải pháp cho mâu thuẫn.
TRƯỜNG HỢP HÒA GIẢI KHÔNG THÀNH
Ø Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận, tức là hòa giải không thành. Hòa giải viên hướng dẫn các bên có quyền yêu cầu tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu các bên yêu cầu lập văn bản hòa giải không thành, thì hòa giải viên lập văn bản hòa giải không thành.
Ø Trường hợp các bên chỉ thỏa thuận được một phần những vấn đề có tranh chấp, hòa giải viên tiếp tục thuyết phục các bên bàn bạc, thỏa thuận tiếp. Nếu các bên thống nhất được thì thuộc trường hợp hòa giải thành; nếu các bên vẫn không thống nhất được thì thuộc trường hợp hòa giải không thành
Tài liệu tập huấn hòa giải cơ sở có nhạy cảm giới năm 2020 -phần 6 tại đây