Trong tháng 4.2018, sẽ có 6 Nghị định của Chính phủ có hiệu lực thi hành. Trangtinphapluat giới thiệu để bản đọc tìm hiểu.
Công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam
Ngày 02/02/2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2018/NĐ-CP về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam, nhằm phục vụ cho việc tàu thuyền đi qua không gây hại, bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển.
Nghị định nêu rõ tất cả các loại tàu thuyền không phân biệt quốc tịch, trọng tải được phép đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam nhưng phải thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tuân thủ quy tắc phòng ngừa va chạm trên biển theo quy định của pháp luật.
Tàu thuyền khi đi qua lãnh hải Việt Nam phải treo cờ quốc tịch; thực hiện hành trình liên tục, nhanh chóng và thực hiện đầy đủ các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 82); trừ các trường hợp bất khả kháng, tàu gặp sự cố hàng hải, bị tai nạn; vì mục đích cứu giúp người, tàu thuyền hoặc tàu bay đang gặp nạn trên biển hoặc theo thỏa thuận riêng giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ của quốc gia mà tàu thuyền đó mang cờ.
Khi đi trong lãnh hải Việt Nam, tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác của nước ngoài phải hoạt động ở trạng thái nổi trên mặt nước và phải treo cờ quốc tịch theo quy định.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2018, thay thế Nghị định số 146/2013/NĐ-CP ngày 30-10-2013 của Chính phủ về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam.
2. Phải trả tiền nhuận bút khi sử dụng bản ghi âm, ghi hình nhằm mục đích thương mại
Ngày 23/02/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 (Luật sở hữu trí tuệ) về quyền tác giả, quyền liên quan.
Trong đó, Nghị định quy định rõ về khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình. Cụ thể, tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ phải trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.
Các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có thể thỏa thuận, thống nhất, ủy quyền đàm phán, thu tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ phân chia tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất thu được do các tổ chức này tự thỏa thuận.
Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan ủy quyền có trách nhiệm xây dựng danh mục hội viên, tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng của hội viên và chịu trách nhiệm khi ký hợp đồng ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan nhận ủy quyền đại diện đàm phán thỏa thuận, thu tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất.
Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan nhận ủy quyền chỉ có trách nhiệm đàm phán thỏa thuận thu tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất theo danh mục hội viên, tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được quy định tại hợp đồng ủy quyền.
Nghị định có hiệu lực từ 01/4/2018
3. Quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước
Các quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ được Chính phủ quy định tại Nghị định số 21/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018.
Hàng đặc biệt do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển được quy định tại Nghị định gồm: Tiền mặt (tiền đồng Việt Nam), giấy tờ có giá (trái phiếu, tín phiếu, cổ phiếu, công trái và các loại giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; tài sản quý (vàng, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ tiền mặt và các loại tài sản quý khác) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước.
Nguyên tắc bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt gồm:
Tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo vệ tuyệt đối an toàn hàng đặc biệt; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bảo đảm tuyệt đối bí mật kế hoạch, quá trình vận chuyển và các thông tin, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm hàng đặc biệt hoặc cản trở quá trình vận chuyển.
Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt với cơ quan quản lý hàng đặc biệt và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Gắn công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt với việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên các tuyến vận chuyển.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2018.
4. Những quy định mới về quản lý thong tin trên mạng
Ngày 01/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó, bổ sung điều kiện về quản lý nội dung thông tin đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ 15/4/2018.
Cụ thể, điều kiện về quản lý thông tin đối với mạng xã hội gồm: Có thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội phù hợp và được đăng tải trên trang chủ của mạng xã hội; bảo đảm người sử dụng phải đồng ý thỏa thuận sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng phương thức trực tuyến thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tiện ích của mạng xã hội.
Bên cạnh đó, nghị định cũng bao gồm cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP chậm nhất sau 3 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan cấp phép (bằng văn bản, điện thoại, email). Đồng thời có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng; bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng trong việc cho phép thu thập thông tin cá nhân của mình hoặc cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác.
Nghị định cũng bổ sung điều kiện về tổ chức, nhân sự đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.
Cụ thể, về nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, Nghị định quy định phải có ít nhất 1 nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin là người có quốc tịch Việt Nam hoặc đối với người nước ngoài có thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp còn thời hạn ít nhất 6 tháng tại Việt Nam kể từ thời điểm nộp hồ sơ; có bộ phận quản lý nội dung thông tin.
5. Thời gian giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày
Ngày 27/02/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2018/NĐ-CP giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động. Văn bản có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4 tới.
Nghị định chỉ rõ, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày. Đối với vụ việc phức tạp, thời hạn giải quyết không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Trong 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết, hoặc người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết lần đầu thì có quyền yêu cầu giải quyết khiếu nại lần hai, đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp hoặc ở vùng sâu, vùng xa thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại phải gặp gỡ, đối thoại với người khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại. Việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.
6. Quy định bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nêu rõ: Bên mua bảo hiểm cháy, nổ phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ theo quy định pháp luật.
Nghị định quy định rõ, đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thì mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân với tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại Nghị định. Trên cơ sở mức phí bảo hiểm quy định tại điểm này, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật.
Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân thì doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật và trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/4/2018
Rubi