Tổng hợp các văn bản được ban hành từ ngày 02/4 đến 08/4/2018

Trangtinphapluat.com tổng hợp, giới thiệu tới bạn đọc một số văn bản pháp luật được ban hành trong tuần thứ 13 (từ ngày 02/4 đến 08/4/2018)

  1. Hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện chính sách cho vay mua nhà ở xã hội

Ngày 02/4/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 18/2018/QĐ-TTg hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện chính sách cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP .

Theo đó, các khoản cho vay được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện chính sách cho vay mua nhà ở xã hội
Hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện chính sách cho vay mua nhà ở xã hội

– Đã ký hợp đồng tín dụng và đã được giải ngân vốn vay tại các tổ chức tín dụng.

– Đúng đối tượng và khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

– Là khoản cho vay trong hạn tại thời điểm cấp bù chênh lệch lãi suất.
Mức chênh lệch lãi suất được ngân sách Nhà nước cấp bù cho các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay theo chương trình nhà ở là 3%, áp dụng giai đoạn 2016 – 2020.
Quyết định 18/2018/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 20/5/2018, áp dụng đối với khoản giải ngân vốn vay từ ngày 10/12/2015.

 2.Lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội

 Ngày 03/4/2018 Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 370/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP .

Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong năm 2018 là 4,8%/năm (0,4%/tháng).

Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội năm 2018
Lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội năm 2018

Mức lãi suất này áp dụng đối với đối tượng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định 100.

Mức vốn cho vay khi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà.

Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Quyết định 370/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/4/2018.

  1. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 49/2018/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó quy định điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Cụ thể, điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với tổ chức trong nước là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp gồm:

– Được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

– Có trụ sở ổn định trong thời gian ít nhất 2 năm; có đủ phòng làm việc cho kiểm định viên với diện tích tối thiểu là 8m2/người; có đủ trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

– Người trực tiếp phụ trách hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu theo quy định.

– Có ít nhất 10 kiểm định viên làm việc toàn thời gian theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc tối thiểu từ 12 tháng trở lên cho tổ chức kiểm định.

          – Có trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định trong đó có nội dung, cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

4. UBND tỉnh ban hành quy trình kiểm tra hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC)

            Ngày 02/4/2018, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 1140/QĐ-UBND về Quy trình kiểm tra việc tổ chức thực hiện hoạt động kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh thay thế cho Quyết định số 1186/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 của UBND tỉnh.

          Quy trình kiểm tra lần này bao gồm 5 Chương và 19 Điều, quy định về: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc kiểm tra, cách thức kiểm tra, nhiệm vụ và quyền hạn của Đoàn kiểm tra, trách nhiệm của Văn phòng UBND tỉnh, nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức, cá nhân được kiểm tra, trách nhiệm của Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã và nhiều nội dung khác được quy định trong Quy trình; đồng thời, tại Điều 14, Chương IV Quy trình cũng quy định rất cụ thể về biện pháp xử lý kết quả kiểm tra, trên cơ sở kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra đề xuất các biện pháp hoặc kiến nghị các Sở, Ban, ngành, địa phương được kiểm tra kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát TTHC theo đúng quy định; trường hợp qua kiểm tra phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm, Đoàn kiểm tra có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh, người có thẩm quyền kiểm tra chuyển kết quả cho cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định tại Khoản 2, Điều 56, Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ về hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát TTHC./.

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *