Tổng hợp các văn bản được ban hành từ ngày 26/02 đến 04/3/2018

trangtinphapluat.com tổng hợp và giới thiệu tới bạn đọc các văn bản pháp luật quan trọng được ban hành trong tuần số 8, từ ngày 26/02 đến 04/3/2018.

  1. Bố trí biên chế pháp chế chuyên trách tại các sở, ngành thuộc UBND tỉnh

Nhằm từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức thi hành pháp luật, ngày 26/02/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn năm 2018 – 2022 tại Quyết định số 242/QĐ-TTg.

Từ năm 2018 – 2019, thực hiện kiện toàn tổ chức pháp chế các bộ, ngành; bố trí biên chế pháp chế chuyên trách tại các sở, ngành chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh trong tổng biên chế được giao để thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế nói chung và làm đầu mối công tác tổ chức thi hành pháp luật nói riêng.

Để thực hiện nhiệm vụ đánh giá chính xác, toàn diện hiệu quả, tác động của văn bản quy phạm pháp luật trên thực tiễn, Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, hoàn thiện và tổ chức áp dụng thí điểm Khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thu thập dữ liệu phục vụ công tác theo dõi thi hành pháp luật và Thông tư hướng dẫn tiêu chí đánh giá tình hình thi hành pháp luật trên cơ sở kết quả áp dụng thí điểm.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

 2. Chung cư, khách sạn phải mua bảo hiểm cháy, nổ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Nghị định này yêu cầu cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ như nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 05 tầng trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; cửa hàng xăng dầu có từ 01 cột bơm trở lên… phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ.

Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, gồm: Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà,công trình; máy móc, thiết bị; Các loại hàng hóa, vật tư. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho các thiệt hại xảy ra do cháy, nổ đối với các đối tượng này.

Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không phải bồi thường trong các trường hợp như: Động đất hoặc những biến động khác của thiên nhiên; Thiệt hại do biến cố về chính trị, an ninh và trật tự xã hội gây ra; Thiệt hại do hành động cố ý gây cháy, nổ của người được bảo hiểm; Thiệt hại đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.

 3.Đẩy mạnh thanh toán tiền điện, nước qua ngân hàng

Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 241/QĐ-TTg.

Đề án này hướng tới mục tiêu đến năm 2020, 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố được thực hiện qua ngân hàng; 70% công ty điện lực, công ty nước chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền điện, nước qua ngân hàng; 100% trường đại học, cao đẳng chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng và có 80% sinh viên nộp học phí qua ngân hàng; 50% bệnh viện tại các thành phố lớn cho phép thanh toán viện phí qua ngân hàng…

Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, Đề án yêu cầu tiếp tục mở rộng mạng lưới thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước, các bệnh viện, trường học để phục vụ thanh toán qua ngân hàng.

Bên cạnh đó, phát triển thêm các thẻ ngân hàng đa năng, đa dụng cho phép thực hiện giao dịch thu, nộp thuế, phí cầu đường, nhận tiền bảo hiểm xã hội, nộp học phí, viện phí với nhiều hình thức thanh toán: Thanh toán trực tuyến, thanh toán trên app di dộng, thanh toán không tiếp xúc…

Hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thanh toán bù trừ tự động cho các giao dịch bán lẻ, nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán 24/7 của tổ chức, cá nhân.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

 4.Tin tức thời sự không được bảo hộ quyền tác giả

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi về quyền tác giả và quyền liên quan, có hiệu lực từ ngày 10/04/2018.

Theo Nghị định này, đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả bao gồm: Tin tức thời sự thuần túy và các văn bản hành chính. Trong đó, tin tức thời sự là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin, không có tính sáng tạo; Văn bản hành chính bao gồm các văn bản của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội… và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

Cũng theo Nghị định này, trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình phải đáp ứng 02 điều kiện: Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình; Phần trích dẫn không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.

Về nhuận bút, Nghị định quy định việc trả nhuận bút, thù lao phải bảo đảm lợi ích của người sáng tạo, tổ chức, cá nhân sử dụng và công chúng hưởng thụ; Mức nhuận bút được xác định căn cứ vào thể loại, hình thức, chất lượng, số lượng hoặc tần suất khai thác…

 5.Luôn có từ 2 cảnh sát trên xe vận chuyển tiền, vàng, bảo vật

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 21/2018/NĐ-CP quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ.

Hàng đặc biệt khi vận chuyển phải được đóng gói, niêm phong, đặt trong các container hoặc thùng chứa hàng, khóa, kẹp chì và bảo quản an toàn. Đối với mỗi chuyến vận chuyển hàng đặc biệt trên đường bộ, phải có 02 xe hộ tống bảo vệ, trong đó, 01 xe dẫn đầu và 01 xe đi cuối xe hoặc đoàn xe vận chuyển hàng đặc biệt.

Đồng thời, bảo đảm ít nhất 02 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát thường xuyên làm nhiệm vụ trên mỗi xe chở hàng, xe hộ tống, toa xe đường sắt hoặc trên mỗi phương tiện vận tải đường thủy nội địa, đường hàng không.

Hàng đặc biệt do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển gồm: Tiền mặt, giấy tờ có giá (trái phiếu, tín phiếu, cổ phiếu, công trái và các loại giấy tờ có giá khác) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; Tài sản quý (vàng, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ tiền mặt và các loại tài sản quý khác) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/04/2018.

  1. Thời hạn giải quyết khiếu nại lĩnh vực lao động

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 24/2018/NĐ-CP giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động.

Nghị định chỉ rõ, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Trong 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết lần đầu thì có quyền yêu cầu giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp hoặc ở vùng sâu, vùng xa thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/04/2018.

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *