Ngày 18/8/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 97/2017/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 05/10/2017).
Theo đó Nghị định 97 có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng như: Quy định cụ thể thế nào là tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính; Quy định về giao quyền xử phạt, cưỡng chế; các trường hợp được sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính…
Nghị định sửa đổi Nghị định 81/2013/NĐ-CP
1. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ điều kiện sau đây
– Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật
– Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Tổ chức chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính khi có quy định cụ thể trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính.
Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Nghị định 97 quy định rõ quyết định giao quyền chấm dứt khi
– Quyết định giao quyền hết thời hạn
– Công việc được giao quyền đã hoàn thành
– Cấp trưởng chấm dứt giao quyền cho cấp phó
– Người giao quyền hoặc người được giao quyền nghỉ hưu, điều động, luân chuyển, thôi việc …
– Người giao quyền hoặc người được giao quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, hạn ché năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc chết
– Công việc được giao tuy chưa hoàn thành nhưng vụ việc phải chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền khác xử lý theo quy định của pháp luật
– Người được giao quyền hoặc người giao quyền bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
3. Các trường hợp được sửa đổi, bổ sung, đính chính quyết định xử lý vi phạm hành chính
+ Quyết định xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung khi thuộc một các trường hợp sau đây :
– Có sai sót về kỹ thuật soạn thảo làm ảnh hưởng đến nội dung của quyết định
– Có sai sót về nội dung nhưng không làm thay đổi cơ bản nội dung của quyết định
+ Quyết định xử lý vi phạm hành chính được đính chính khi có sai sót về kỹ thuật soạn thảo mà không ảnh hưởng đến nội dung của quyết định.
Quyết định sửa đổi, bổ sung, đính chính quyết định xử lý vi phạm hành chính là những văn bản gắn liền với quyết định xử lý vi phạm hành chính đã được ban hành và lưu trong hồ sơ xử lý vi phạm hành chính.
4. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo Nghị định sửa đổi Nghị định 81/2013/NĐ-CP
Nghị định 97 mở rộng đối tượng có thẩm quyền lập biên bản so với Nghị định 81, cụ thể: Người có thẩm quyền lập biên bản gồm người có thẩm quyền xử phạt, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành; người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản. Các chức danh có thẩm quyền lập biên bản được quy định cụ thể tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước
TẢI nghị định sửa đổi Nghị định 81/2013/NĐ-CPTẠI ĐÂY
phương Thảo