6 điểm bất cập trong việc xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa như việc thực hiện bình xét, công nhận chưa thực hiện nghiêm túc, nhiều tiêu chí rất khó thực hiện…
Theo dự thảo Tờ trình của Bộ Văn hóa , thể thao và du lịch về việc đề nghị xây dựng Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” thì qua gần 06 năm thực hiện việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”,“Khu dân cư văn hóa” theo Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương, đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập sau:
Một là, việc bình xét ở một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc theo đúng trình tự, thủ tục tại Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thiếu công khai, dân chủ trong quá trình xét duyệt; vẫn còn tình trạng nể nang trong việc bình bầu. Một số hộ gia đình không đăng ký danh hiệu xây dựng Gia đình văn hóa nhưng đến cuối năm vẫn được nhận giấy chứng nhận Gia đình văn hóa. Một số địa phương do chạy theo thành tích, số lượng mà không chú trọng đến chất lượng của các danh hiệu văn hóa nên kê khai không trung thực dẫn đến con số Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa cao không đúng với thực tế (có địa phương báo cáo 100% Gia đình đạt chuẩn văn hóa).
Hai là, phong trào “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” được gắn kết nhiều tiêu chí. Trong khi đó, việc tuyên truyền, phổ biến về các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa nhiều nơi làm chưa tốt, chưa sáng tạo, còn cứng nhắc. Kinh phí đảm bảo hoạt động cho Phong trào còn khó khăn. Cán bộ làm công tác Phong trào chủ yếu là kiêm nhiệm
Ba là, hiện nay, tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường đang là vấn đề đáng báo động gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Tại Hội nghị kiểm điểm thực hiện Quy chế phối hợp, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung tiêu chí đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường vào tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Khu dân cư văn hóa”. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động cũng đặt ra vấn đề bổ sung các tiêu chí cho phù hợp. Cụ thể, tại Công văn số 2173/MTTQVN-BTT ngày 02/6/2016, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL trên cơ sở bổ sung tiêu chí “nông thôn mới, đô thị văn minh” theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 64/TB-VPCP ngày 06/4/2016.
Bốn là, một số quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL đã không còn phù hợp như: chưa kịp thời bám sát thực tiễn, chưa thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn mới nên gây khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà nước. Điều kiện xét tặng danh hiệu áp dụng ở các vùng, miền khác nhau chưa được quy định; quy trình xét tặng không được xây dựng trên cơ sở thực tiễn dẫn đến việc xét tặng nặng về hình thức mà không chú trọng đến chất lượng của danh hiệu. Thời gian xét tặng và công nhận chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi năm 2013) nên gây lãng phí và áp lực về mặt tổ chức đón nhận các danh hiệu. Chính vì vậy, cần phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định tại văn bản này cho phù hợp với yêu cầu quản lý trong tình hình mới.
Năm là, phong trào được gắn kết nhiều tiêu chí về kinh tế, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa-xã hội; việc công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” đã góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển ngày càng sâu rộng, thu hút được sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, quy trình, thủ tục xét tặng các danh hiệu này mới chỉ dừng ở mức quy định tại Thông tư của Bộ trưởng nên về hiệu lực chỉ đạo, phối hợp phân công triển khai thực hiện đối với các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương chưa được hiệu quả. Vấn đề này đòi hỏi phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn, phù hợp hơn nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để giải quyết các vấn đề liên quan đến phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ với các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Sáu là, Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành có quy định nhiều thủ tục hành chính để giải quyết công việc liên quan đến xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Thông tư này cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 thì việc quy định “thủ tục hành chính trong Thông tư của Bộ trưởng, trừ trường hợp được Luật giao” thuộc một trong những hành vi bị nghiêm cấp khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Chính những bất cập này mà Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 122/2018/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”,
Rubi