So sánh Bộ luật hình sự 2015 và Bộ luật hình sự 1999 (phần 4)

Trangtinphapluat.com trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết so sánh Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Hình sự 2017 sửa đổi, bổ sung BLHS 2015 (Gọi tắt là Bộ luật Hình sự 2015) và Bộ luật Hình sự 1999.

Tiếp theo phần 1, phần  2, phần 3 hôm nay chúng tôi so sánh những nội dung mới ở phần những quy định chung của Bộ luật Hình sự.

  1. Quy định về phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết

Cơ bản BLHS 2015 kế thừa BLHS 1999, tuy nhiên để phù hợp với Hiến pháp 2013 về đề cao quyền con người, quyền công dân, BLHS 2015 đảo cụm từ “Quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình hoặc của người khác” lên trước cụm từ “lợi ích Nhà nước, lợi ích tổ chức”.

2. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội

Đây là quy định hoàn toàn mới, theo đó:

Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.

Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.

Quy định này nhằm bảo vệ và khuyến khích người dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, trước đây BLHS 1999 không có quy định cụ thể nên  người dân ít mặn mà hợp tác với cơ quan nhà nước trong việc bắt giữ người có hành vi phạm tội.

3. Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ

Đây cũng là quy định hoàn toàn mới, theo đó:

Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.

Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Việc bổ sung quy định trên là vì: công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, áp dụng thành tựu khoa học – kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, nghiên cứu khoa học. Trong quá trình hoạt động ấy sẽ không tránh khỏi các trường hợp rủi ro gây thiệt hại về người và tài sản, và trên thực tế đã xảy ra không ít trường hợp rủi ro như vậy. Do đó, cần phải quy định loại trừ trách nhiệm hình sự để tạo hành lang pháp lý cho các nhà khoa học mạnh dạn sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để góp phần phát triển kinh tế- xã hội.

4. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên

Đây cũng là quy định hoàn toàn mới, theo đó:

Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thi hành mệnh lệnh của cấp trên được miễn trách nhiệm hình sự
Thi hành mệnh lệnh của cấp trên được miễn trách nhiệm hình sự

Quy định trên không áp dụng đối với:

  • tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược theo Khoản 2 Điều 421 (Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm).
  • Tội chống loại người theo Khoản 2 Điều 422 (Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm)
  • Tội phạm chiến tranh theo Khoản 2 Điều 423 (Phạm tội trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm)

Quy định loại trừ trách nhiệm hình sự khi thi hành mệnh lệnh của cấp trên chỉ áp dụng trong lực lượng vũ trang nhân dân không áp dụng trong lĩnh vực hành chính (trong hành chính cấp dưới chấp hành lệnh của cấp trên mà vi phạm pháp luật hình sự thì người chấp hành vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, mặc dù Luật cán bộ, công chức năm 2008 đã quy định rất rõ ràng: cấp dưới phải tuyệt đối chấp hành quyết định của cấp trên mặc dù có căn cứ cho rằng việc thi hành quyết định đó là trái pháp luật và người đã ra quyết định phải chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra)

Phần tiếp theo sẽ được đăng tải vào ngày 9/4/2018, mời bạn đọc theo dõi.

So sánh Bộ luật hình sự 2015 và Bộ luật hình sự 1999 (phần 2)

So sánh Bộ luật hình sự 2015 và Bộ luật hình sự 1999 (phần 3)

So sánh Bộ luật hình sự 2015 và Bộ luật hình sự 1999 (phần 4)

So sánh Bộ luật hình sự 2015 và Bộ luật hình sự 1999 (phần 5)

So sánh Bộ luật hình sự 2015 và Bộ luật hình sự 1999 (phần 6)

So sánh Bộ luật hình sự 2015 và Bộ luật hình sự 1999 (phần 7)

So sánh Bộ luật hình sự 2015 và Bộ luật hình sự 1999 (phần 8)

So sánh Bộ luật hình sự 2015 và Bộ luật hình sự 1999 (phần 9)

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *