Không uống rượu, bia nhưng xét nghiệm lại có nồng độ cồn, xử lý sao?

Ngày 10/8/2023, Tòa án nhân dân tối cao có Công văn số 300/TANDTC-V1 về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương. Trangtinphapluat.com trích, giới thiệu tới bạn đọc về nội dung hướng dẫn xử lý hình sự đối với người phạm tội gây tai nạn giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định nhưng khai nhận không sử dụng rượu, bia.

Vấn đề xác định căn cứ áp dụng tình tiết “Trong tình trạng có sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định …” đối với “tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 của Bộ luật Hình sự trong trường hợp người phạm tôi khai nhận không sử dụng rượu, bia  và không có căn cứ nào khác xác định người phạm tội có sử dụng rượu, bia  khi tham gia giao thông nhưng trong kết quả xét nghiệm lại có nồng độ cồn trong máu 6,6,74mmol/l (trị số này dưới 10,9mmol/l là trị số xét nghiệm nồng độ cồn theo quy định tại Quyết định số 230/QĐ-BYT  ngày 23/01/2014 của Bộ Y tế  về việc ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành hóa sinh). Trường hợp này có áp dụng tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự đối với người phạm tội hay không?

Mức phạt tiền khi lái xe đã uống bia
Không uống rượu, bia nhưng xét nghiệm lại có nồng độ cồn, xử lý sao?

Về nội dung này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ và khoản 6 ĐIều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn ” là hành vi bị cấm, là vi phạm pháp luật. Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt  đã quy định các mức phạt tiền tương ứng với mức độ của nồng độ cồn đo được trong hơi thở hoặc nồng độ cồn. Cụ thể Điều 5 của Nghị định này quy định đối với người điều khiển xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25miligam/1 lít khí thở  thì bị phạt tiền từ 6.000.0000đ đến 8.000.000đ ; vượt quá 50miligam đến 80miligam/100mililit máu hoặc vượt quá 0,25miligam đến 0,4miligam/1lit khí thở thì bị phạt tiền từ 16.000.000đ đến 18.000.000đ ,,,. tại Quyết định số 230/QĐ-BYT  ngày 23/01/2014 của Bộ Y tế  về việc ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành hóa sinh quy định về định lượng nồng độ cồn trong máu  và có nhận định dưới 10,9mmol/l là trị số bình thường (tương đương dưới 50miligam/100mililit máu). Tuy nhiên, đây chỉ là sự phân loại các mức nồng độ cồn  tương ứng với mức độ biểu hiện ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe theo chuyên môn y tế, không đồng nghĩa với cách hiểu dưới mức nêu trên là nồng độ cồn bình thường mà người bình thường có trong cơ thể.

Tình tiết “trong tình trạng có sử dụng rượu bia  mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định (…)” là tình tiết tăng nặng định khung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 của Bộ luật Hình sự . Để áp dụng tình tiết này thì phải có chứng cứ, tài liệu chứng minh tại thời điểm gây tai nạn người phạm tội có sử dụng rượu, bia và có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá mức quy định. Do đó, mặc dù trong kết quả xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu là 6,674mmol/l nhưng người phạm tội khai nhận không sử dụng rượu, bia  và không có căn cứ nào khác xác định người phạm tội có sử dụng rượu, bia vượt quá mức quy định khi tham gia giao thông, nên chưa đủ cơ sở áp dụng tình tiết tăng nặng định khung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 của Bộ luật Hình sự đối với người phạm tội.

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *