Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cần phải được sớm sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và pháp luật quốc tế.
1. Chưa quy định thuốc lá điện tử
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, loại hình sản phẩm ngày càng trở nên phổ biến hiện nay, đặc biệt đối với giới trẻ. Luật chưa quy định về quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng. Quy định về ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe cũng không điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Các quy định về kiểm soát sản lượng thuốc lá được phép sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ trong nước không phù hợp để cho phép nhập khẩu thêm mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng. Như vậy, quy định pháp luật để điều chỉnh 02 sản phẩm này vẫn là một khoảng trống lớn.

2. Quảng cáo thuốc lá trá hình
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng bộc lộ một số hạn chế liên quan đến việc chưa thực hiện hoàn toàn Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của WHO năm 2003. Theo đó, Điều 16 Luật quy định trường hợp loại trừ là tài trợ nhân đạo trong chương trình xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thảm họa; phòng, chống buôn lậu thuốc lá chưa tuân thủ quy định cấm toàn diện đối với quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ của FCTC. Việc quy định trường hợp loại trừ này có thể là cơ sở để tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá lợi dụng thực hiện quảng cáo trá hình.
3. Cảnh báo sức khỏe chưa đủ mạnh
Quy định diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá phải chiếm ít nhất 50% diện tích của bao, tút, hộp thuốc lá là phù hợp với quy định của FCTC, tuy nhiên, còn nhỏ so với các nước khác trong khu vực (Lào, Brunei và Myanmar là 75%). Một số quốc gia khác trong khu vực (như Thái Lan và Singapore) đã bắt đầu thực hiện bao trơn cho sản phẩm thuốc lá.
4. Mức thuế và giá thuốc lá còn thấp
Quy định về mức thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực (trừ Campuchia) và trên thế giới.[i] Như vậy, thuế và giá thuốc lá chưa thực sự trở thành một trong các công cụ hiệu quả, mạnh mẽ nhất để phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là để hạn chế tiêu dùng và tiếp cận sản phẩm thuốc lá, nhất là với đối tượng là học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp.

5. Quy định xử phạt không khả thi
Luật quy định về xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá mới chỉ chung chung và dẫn chiếu đến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trong khi, hành vi vi phạm pháp luật xảy ra rộng khắp do tỷ lệ hút thuốc lá tại Việt Nam còn cao và vi phạm thường xảy ra nhanh chóng, nhưng không có quy định mang tính chất đột phá, đặc thù cho xử phạt vi phạm pháp luật. Đặc biệt, việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tác hại thuốc lá (như mở rộng thẩm quyền được xử lý vi phạm, hay sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại thuốc lá) không có tác dụng như mong đợi, không bảo đảm hiệu quả và thực thi của các quy định pháp luật.
[i] Năm 2018, tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ của nhãn hiệu thuốc lá phổ biến nhất ở Việt Nam ở mức 36,7% so với mức trung bình toàn cầu là 58,3%. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá là 70% tính trên giá xuất xưởng. Tuy nhiên, theo mức khuyến nghị của WHO, mức thuế tiêu thụ đặc biệt nên là 75% tính trên giá bán lẻ.
rubi
Trích dự thảo Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật và đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến dự thảo Luật Phòng bệnh