Hiện nay quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi mua, bán, trưng bày thuốc lá được điều chỉnh ở 02 Nghị định với 02 mức phạt khác nhau, gây khó khăn cho quá trình áp dụng và xử phạt vi phạm hành chính.
Bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, 2 mức phạt khác nhau
Ngày 28/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực 15/11/2020, theo đó:
Phạt tối đa 5 triệu đồng
– Phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá.
– Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi;
+ Trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá;
– Phạt tiền từ 500.000đ đến 1.000.000đ đối với hành vi sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá…
Trước đó, vào ngày Ngày 26/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực 15/10/2020, quy định cũng với các hành vi trên nhưng mức phạt lại thấp hơn, cụ thể:
Phạt tối đa 2 triệu đồng
+ Phạt tiền từ 500.000đ đến 1.000.000đ đối với hành vi:
Không treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán theo quy định.
+ Phạt tiền từ 1000.000đ đến 2.000.000đ đối với hành vi:
– Bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi;
– Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá.
+ Phạt tiền từ 2.000.000đ đến 3.000.000đ đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về trưng bày thuốc lá tại điểm bán hàng
Như vậy, cùng một hành vi vi phạm bán thuốc lá chó người chưa đủ 18 tuổi nhưng Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng, trong khi Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định mức phạt gấp 2 lần, từ 3 đến 5 triệu đồng. Hay như hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi thì Nghị định 98 phạt từ 500.000đ đến 1.000.000đ, Nghị định 117 lại phạt từ 1-3 triệu đồng…
Xử phạt thế nào cho đúng?
Cùng hành vi vi phạm nhưng 02 mức phạt khác nhau thì khi phát hiện hành vi vi phạm người có thẩm quyền phải lập biên bản vi phạm hành chính theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP hay Nghị định 117/2020/NĐ-CP?.
Áp dụng nguyên tắc có lợi cho người vi phạm
+ Một số ý kiến cho rằng cần áp dụng Nghị định 98/2020/NĐ-CP để lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt đối với các hành vi bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi hay hành vi sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá vì mức phạt của Nghị định 98/2020/ND-CP thấp hơn Nghị định 117/2020/NĐ-CP nên có lợi hơn cho người vi phạm.
(Hướng dẫn cách lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)
+ Quan điểm trên nghe có vẻ hợp lý nhưng chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.
Áp dụng văn bản ban hành sau
Như vậy, Nghị định 98/2020/NĐ-CP và Nghị định 117/2020/NĐ-CP đều do Chính phủ ban hành nên căn cứ khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì khi có hành vi vi phạm trên lĩnh vực thuốc lá mà Nghị định 98 và Nghị định 117 đều có quy định nhưng mức phạt lại khác nhau thì người có thẩm quyền lập biên bản phải căn cứ vào Nghị định 117/2020/NĐ-CP để lập biên bản và xử phạt hoặc chuyển người có thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính.
Phương Thảo