Bạn đọc có địa chỉ mail: Linh…@gmail.com đề nghị trangtinphapluat.com giải đáp một số vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Câu 1. Khi ban hành quyết định kiểm tra sai hoặc thiếu nội dung thì có được gạch bỏ đi viết cái khác không. Tương tự với biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt.
Trả lời:
+ Ngày 12/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 19/2020/NĐ-CP về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, theo đó có quy định cụ thể việc ban hành quyết định kiểm tra, trình tự, thủ tục kiểm tra pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp quyết định kiểm tra ban hành mà có sai sót thì bạn áp dụng khoản 3 Điều 18 Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư để đính chính, sửa đổi cho phù hợp.
Khoản 3 Điều 18 Nghị định 30 quy định: Văn bản đã phát hành nhưng có sai sót về nội dung phải được sửa đổi, thay thế bằng văn bản có hình thức tương đương. Văn bản đã phát hành nhưng có sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày, thủ tục ban hành phải được đính chính bằng công văn của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.
+ Đối với biên bản vi phạm hành chính đã lập mà có sai sót thì không được hủy bỏ, xóa bỏ nội dung mà lập biên bản xác minh tình tiết vi phạm hành chính (xem chi tiết hướng dẫn lập biên bản xác minh tại đây).
+ Đối với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có sai sót thì tùy theo mức độ sai về hình thức hay nội dung mà ban hành quyết định đính chính, sửa đổi, hủy bỏ theo quy định của Nghị định 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2013/NĐ-CP (xem chi tiết hướng dẫn sửa đổi, bổ sung quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại đây)
Câu 2. Luật xử lý vi phạm hành chính có ghi là có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả và phạt bổ sung nhưng khi áp dụng ra quyết định xử phạt lại bắt buộc phải áp dụng hết.
Trả lời:
+ Khoản 3 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình thức xử phạt chính; có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1 Điều này. Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.
Quy định trên chỉ là nguyên tắc áp dụng còn khi áp dụng vào từng điều khoản hành vi cụ thể thì phải xử phạt theo các mức phạt và biện pháp đã được quy định tại điều khoản đối với hành vi đó.
+ Tại khoản 6 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính nghiêm cấm: Áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.
Và theo điểm b khoản 1 Điều 25 Nghị định 19/2020/NĐ-CP thì hành vi “Áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính” sẽ bị hình thức kỷ luật Cảnh cáo.
Do đó, khi xử phạt vi phạm hành chính mà điều khoản áp dụng đối với hành vi vi phạm có quy định xử phạt chính, phạt bổ sung, khắc phục hậu quả thì người có thẩm quyền phải áp dụng hết.
Câu 3. Cơ quan e có tranh luận là thời hiệu xử phạt vi phạm hành chinh một số lĩnh vực là 2 năm thì sau 1 năm mà xử phạt đúng hành vi đó thì sẽ bị coi là tái phạm, điều này có đúng không.
Trả lời:
Theo khoản 5 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính thì: Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định này mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý.
Như vậy, trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà người vi phạm đã chấp hành, nếu trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định mà họ lại vi phạm hành vi đã bị xử lý thì xác định là tái phạm. Nếu đã quá 1 năm kể từ ngày họ chấp hành xong quyết định xử phạt mà họ lại vi phạm chính hành vi đó thì không xem là tái phạm.
Trường hợp họ không chấp hành quyết định xử phạt mà hết thời hạn 01 năm kể từ ngày họ nhận được quyết định xử phạt mà cơ quan,tổ chức có thẩm quyền không kiểm tra, đôn đốc họ chấp hành thì khi hết thời hạn 01 năm thì đã hết thời hạn chấp hành quyết định xử phạt tiền. Do đó nếu họ vi phạm lại hành vi đó thì không xem là tái phạm.
Câu 4. Trong Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, quy định lực lượng quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với kinh doanh dược và phòng khám chữa bệnh. Có tranh luận rằng phải có đoàn liên nghành với y tế thì mới được xử phạt. Vậy riêng quản lý thị trường có độc lập đi kiểm tra xử phạt được không nếu Nghị định 176 cho phép được xử phạt.
Trả lời:
Điều 91 Nghị định 16/2013/NĐ-CP đã quy định cụ thể thẩm quyền của Quản lý thị trường trong việc xử phạt vi phạm hành chính về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế.
Tại Điều 94 quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Vì vậy, những chức danh có thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường có quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt theo thẩm quyền của Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế mà không cần phải có đội liên ngành.
Trên đây là giải đáp của trangtinphapluat.com liên quan đến một số vướng mắc về xử phạt vi phạm hành chính theo yêu cầu của bạn đọc.
Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572