Có được sửa đổi, hủy bỏ biên bản vi phạm hành chính?

Biên bản vi phạm hành chính đã được người có thẩm quyền lập theo đúng mẫu, có chữ ký người vi phạm, tuy nhiên khi trình người có thẩm quyền xử phạt để ban hành quyết định xử phạt thì phát hiện biên bản vi phạm hành chính xác định sai hành vi vi phạm. Trường hợp này người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có được hủy bỏ biên bản VPHC để lập lại biên bản VPHC mới trước khi xử phạt hay không?

Biên bản vi phạm hành chính chỉ lập một lần

Theo Khoản 3 Điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính thì: Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt một lần.

Các sai sót thường gặp trong xử lý vi phạm hành chính
Có được hủy bỏ biên bản vi phạm hành chính

Trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm đó, thì người có thẩm quyền xử phạt phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phù hợp để chấm dứt hành vi vi phạm. Khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi đó, người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng thêm tình tiết tăng nặng quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính hoặc xử phạt đối với hành vi không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt và xử phạt đối với hành vi vi phạm đã lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt.

(Hướng dẫn lập biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)

Trường hợp hành vi vi phạm đã bị ra quyết định xử phạt nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm chưa thi hành hoặc đang thi hành quyết định mà sau đó vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm đó, thì hành vi vi phạm này được coi là hành vi vi phạm mới.

          Vậy, hiểu như thế nào cho đúng với quy định “một hành vi vi phạm hành chính chỉ lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt một lần”.

          Hiện nay có nhiều cách hiểu, ý kiến thứ nhất cho rằng khi lập biên bản vi phạm hành chính rồi mà phát hiện sai sót thì không được sửa chữa, hủy bỏ biên bản vi phạm hành chính vì luật và nghị định không cho phép. Quan điểm khác cho rằng khi lập biên bản rồi mà phát hiện sai thì được quyền sửa đổi, hủy bỏ, vì:

Có quyền hủy bỏ biên bản VPHC

          Thứ nhất, Luật XLVPHC và Nghị định 81 (Nay là Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn LUật Xử lý vi phạm hành chính) quy định chung “một hành vi vi phạm hành chính chỉ lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần”, điều này được hiểu không chỉ biên bản mà quyết định xử phạt cũng chỉ được ban hành một lần. Tuy nhiên, theo Khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì : “trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và phải kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền”.

          Như vậy, mặc dù Nghị định 81 quy định quyết định xử phạt chỉ được ban hành 1 lần nhưng Luật lại quy định quyết định xử phạt đã ban hành mà sai thì được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ. Quyết định sai thường do biên bản lập sai, do đó muốn sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ quyết định thì cũng phải sửa đổi, hủy bỏ biên bản vi phạm hành chính mới hợp lý.

Trường hợp nào được ban hành quyết định xử phạt VPHC tại chỗ
Không được hủy bỏ Biên bản vi phạm hành chính

          Thứ hai, biên bản vi phạm hành chính là một dạng văn bản trong hoạt động quản lý nhà nước nên theo Khoản 3 Điều 18 của Nghị định 110/2004/NĐ-CP quy định về công tác văn thư đã được sửa đổi bổ sung bới Nghị định 09/2010/NĐ_CP (Nay là Nghị  định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư) thì: “ Văn bản đã phát hành nhưng có sai sót về nội dung phải được sửa đổi, thay thế bằng văn bản có hình thức tương đương của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.

Văn bản đã phát hành nhưng có sai sót về thế thức, kỹ thuật trình bày, thủ tục ban hành phải được đính chính bằng văn bản hành chính của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản”.

          Do đó, khi đã lập biên bản vi phạm hành chính mà có sai sót thì người có thẩm quyền có quyền sửa đổi, hủy bỏ biên bản vi phạm hành chính.

Xem video hướng dẫn hủy bỏ biên bản vi phạm hành chính

          Việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ biên bản vi phạm hành chính không vi phạm nguyên tắc mỗi hành vi chỉ lập biên bản 1 lần (Một lần được hiểu là 1 hành vi thì chỉ bị 01 cơ quan lập biên bản). Việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ biên bản không thay đổi bản chất vụ việc, không tăng trách nhiệm cho người vi phạm nhưng lại đảm bảo mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Không hủy bỏ biên bản VPHC mà lập biên bản xác minh

          Để tháo gở vướng mắc khi lập biên bản mà có sai sót, bảo đảm áp dụng pháp luật được thống nhất, ngày 10/8/2016, Bộ Tư pháp đã có Công văn 2659/BTP-QLXL VPHC&TDTHPL về việc giải quyết khó khăn trong việc xử phạt vi phạm hành chính, theo đó căn cứ vào Khoản 3 Điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính thì: Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần, do đó khi đã lập biên bản mà phát hiện có sai sót thì không hủy biên bản để lập biên bản mới mà căn cứ vào Điều 59 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 để lập biên bản xác minh các tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính, và biên bản này là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính.

Tổng hợp tất cả vướng mắc và cách giải quyết trong xử phạt vi phạm hành chính

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *