Hướng dẫn lập biên bản và xử phạt VPHC trong phòng, chống covid 19

Theo đề nghị của bạn đọc, hôm nay trangtinphapluat.com hướng dẫn các bạn lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh covid 19 như: Không đeo khẩu trang, không chấp hành biện pháp cách ly y tế, tụ tập đông người, bán hàng tăng giá, đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội…

I. Căn cứ pháp lý để lập biên bản và xử phạt

+ Theo thống kê của trangtinphapluat.com thì liên quan đến các vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh Covid 19 thì có các Nghị định xử phạt sau: Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (nay là Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính lĩnh vực y tế thay thế Nghị định 176); Nghị định số 15/2020/NÐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường; Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Hướng dẫn xử phạt hành vi tụ tập đông người nơi công cộng
Hướng dẫn xử phạt hành vi không đeo khẩu trang, tụ tập đông người nơi công cộng

+ Các bạn cần phải có đầy đủ các văn bản trên để làm cơ sở cho việc kiểm tra, lập biên bản và tham mưu người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh covid 19.

II. Hướng  dẫn lập biên bản và xử phạt đối với từng hành vi

1. Hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng

Nơi công cộng là nơi phục vụ chung cho nhu cầu của nhiều người, có thể là các địa điểm sau: nhà hát, nhà văn hóa, nhà triển lãm, trung tâm văn hóa, câu lạc bộ, cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống, giải khát, cửa hàng, cửa hiệu, sân vận động, nhà thi đấu thể thao, quảng trường, phương tiện vận tải hành khách công cộng và các phương tiện, địa điểm khác có tổ chức các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa (Xem chi tiết nơi công cộng tại đây).

1.1. Khi phát hiện cá nhân không chấp hành việc đeo khẩu trang nơi công cộng thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính phải kịp thời lập biên bản để tham mưu người có thẩm quyền xử phạt.

a) Người có thẩm quyền lập biên bản gồm: 

Theo Điều 94 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (nay là Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính lĩnh vực y tế thay thế Nghị định 176, tại Điều 133) bao gồm:  Người có thẩm quyền xử phạt được quy định tại Nghị định này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Công chức, viên chức thuộc ngành y tế, bảo hiểm xã hội, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và công chức, viên chức trong các cơ quan được quy định tại Điều 112 Nghị định này đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Như vậy, người có thẩm quyền lập biên bản ở xã, phường gồm: công chức, viên chức Trạm Y tế, Chủ tịch UBND xã, phường. Đối với  cơ quan khác thì các bạn căn cứ các quy định Điều 112 để xác định thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.

b) Một số lưu ý khi lập biên bản vi phạm hành chính: 

Xem chi tiết clip hướng dẫn lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính phòng, chống dịch bệnh Covid -19

+ Phải ghi rõ ngày, giờ tháng năm, địa điểm lập biên bản vi phạm hành chính;

+ Phần mô tả hành vi vi phạm: Ghi rõ hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm vi phạm.

Ví dụ: Vào lúc 9h ngày 05/8/2020, tại Chợ thương mại huyện X, bà Nguyễn Thị H  không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với   người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế, cụ thể không đeo khẩu trang khi vào chợ…

Vi phạm điểm a Khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

(Hướng dẫn cách ghi biên bản vi phạm hành chính chuẩn nhất)

+ Nếu người vi phạm không chịu ký biên bản vi phạm hành chính thì phải có 02 người chứng kiến ký hoặc đại diện chính quyền địa phương ký biên bản.

Huong dan lap bien ban vi pham hanh chinh
Hướng dẫn cách ghi biên bản VPHC

1.2. Ban hành quyết định xử phạt

+ Để xác định thẩm quyền xử phạt của cấp nào thì các bạn cần căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt đối với từng hành vi cụ thể và căn cứ vào thẩm quyền xử phạt của từng chức danh được quy định tại Nghị định xử phạt tương ứng.

+ Trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng thì theo Khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP phạt:Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1000.000 đồng đến 3000.000 đồng.

Với mức phạt này thì thuộc thẩm quyền của rất nhiều chức danh, trong đó có chức danh Chủ tịch UBND cấp xã (Theo Khoản 1 Điều 103 Nghị định 177 thì Chủ tịch xã được phạt tới 5 triệu đồng.).

Như vậy, trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng thì Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền xử phạt, do đó sau khi cán bộ y tế lập biên bản vi phạm hành chính thì trình Chủ tịch UBND xã, phường ban hành Quyết định xử phạt tiền trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính (mức phạt trung bình khung của hành vi vi phạm: Khung phạt từ 1000.000đ đến 3000.000đ thì tham mưu phạt 2000.000đ nếu không có tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng).

+ Quyết định phải được giao cho người vi phạm một bản để chấp hành (Xem bài viết hướng dẫn cưỡng chế khấu trừ tiền phạt trong tài khoản khi người vi phạm không chấp hành nộp tiền phạt).

2. Hành vi không chấp hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Căn cứ vào các quyết định tạm đình chỉ hoạt động của cơ quan nhà nước như: Đình chỉ hoạt động quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ, quán cafe, quán ăn… để xác định hành vi vi phạm.

2.1. Khi phát hiện cá nhân, tổ chức không chấp hành việc tạm đình chỉ các hoạt động như quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính phải kịp thời lập biên bản để tham mưu người có thẩm quyền xử phạt.

a) Người có thẩm quyền lập biên bản gồm: 

Tương tự như trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng.

b) Một số lưu ý khi lập biên bản

+ Cần xác định rõ đối tượng vi phạm là cá nhân hay tổ chức?. Tổ chức có thể là doanh nghiệp tư nhân, các công ty có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân theo hướng dẫn của Nghị định 97/2017/NĐ-CP.

Nếu là tổ chức vi phạm thì phải có các thông tin về tên doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đại diện theo pháp luật…

+ Phần mô tả hành vi vi phạm: Ghi rõ hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm vi phạm.

Ví dụ: Vào lúc 9h ngày 05/8/2020, tại Doanh nghiệp tư nhân Hồng Phấn, đường T, phường x, thành phố Y, không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp   tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng theo Quyết định số 123/QĐ-UBND ngày 04/8/2020 của UBND tỉnh T, cụ thể: Vào thời điểm kiểm tra, lúc 9h ngày 05/8/2020, Doanh nghiệp tư nhân Hồng Phấn đang tổ chức bán cafe, nước giải khát cho 15 khách hàng.

Vi phạm điểm c Khoản 3 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

2.2. Ban hành quyết định xử phạt

+ Căn cứ vào điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định 117 thì hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp   tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng có mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Theo khoản 5 Điều 4 Nghị định 117 thì: Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì Doanh nghiệp tư nhân Hồng Phấn là tổ chức, do đó mức phạt tiền gấp đôi, tức là từ 20 đến 40 triệu đồng. Với mức phạt này thì Chủ tịch UBND cấp xã không có thẩm quyền xử phạt mà thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện và các chức danh khác theo Nghị định 117.

+ Thẩm quyền thuộc Chủ tịch UBND cấp huyện nên sau khi lập biên bản vi phạm hành chính thì UBND cấp xã chuyển ngay hồ sơ để Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định xử phạt với mức phạt trung bình là 15 triệu đồng.

+ Quyết định phải được giao cho người vi phạm một bản để chấp hành (Xem bài viết hướng dẫn cưỡng chế khấu trừ tiền phạt trong tài khoản khi người vi phạm không chấp hành nộp tiền phạt).

Trường hợp trên nếu là cá nhân, hộ gia đình vi phạm thì mức phạt từ 5-10 triệu đồng.

3. Xử phạt hành vi tập trung đông người tại nơi công cộng

Căn cứ vào quyết định hạn chế tập trung đông người tại nơi công cộng của cơ quan có thẩm quyền để làm căn cứ xác định hành vi vi phạm.

3.1. Khi phát hiện cá nhân không chấp hành việc hạn chế tập trung đông người theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính phải kịp thời lập biên bản để tham mưu người có thẩm quyền xử phạt.

Ở đây cần chú ý: Đối với các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động kinh doanh, dịch vụ bị tạm đình chỉ thì các bạn xử lý như hành vi được hướng dẫn ở mục 2.

Xử phạt hành vi tập trung đông người
Hướng dẫn xử phạt hành vi không đeo khẩu trang, tụ tập đông người nơi công cộng

Đối với các cá nhân tập trung đông người nơi công cộng như: Tập trung đông người ở quảng trường, nhà ga, sân vận động, quán karaoke….thì xử phạt theo mục này.

a) Người có thẩm quyền lập biên bản gồm: 

Tương tự như trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng.

b) Một số lưu ý khi lập biên bản

– Lập biên bản đối với từng cá nhân vi phạm hoặc lập chung một biên bản cho các cá nhân vi phạm.

Ví dụ: Ngày 1/12/2020, có 15 cá nhân tập trung ở quảng trường thì người có thẩm quyền lập biên bản phải lập biên bản đối với từng người và tham mưu người có thẩm quyền xử phạt từng người vi phạm.

+ Phần mô tả hành vi vi phạm: Ghi rõ hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm vi phạm.

Ví dụ: Vào lúc 9h ngày 1/12/2020, tại Quảng trường , phường X, thành phố Y, ông Nguyễn Văn A đã Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người  tại nơi công cộng theo Quyết định của UBND tỉnh Y, cụ thể: tập trung 15 người để uống cafe tại Quảng trường.

Vi phạm điểm c Khoản3 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

3.2. Ban hành quyết định xử phạt

+ Căn cứ vào điểm c Khoản3 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP thì hành vi Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người tại nơi công cộng, Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

+ Với mức phạt này thì thẩm quyền không thuộc Chủ tịch UBND cấp xã mà thuộc Chủ tịch UBND cấp huyện và các chức danh khác theo Nghị định 117.

+ Do đó, sau khi lập biên bản vi phạm hành chính thì UBND xã, phường đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định xử phạt đối với 15 cá nhân vi phạm, mỗi cá nhân sẽ bị phạt 15000.000đ.

4. Hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh covid 19

4.1. Lập biên bản vi phạm hành chính

a) Thẩm quyền lập biên bản 

+ Căn cứ Điều 121 Nghị định số 15/2020/NÐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì thẩm quyền lập biên bản như sau:

Các chức danh nêu tại các Điều 114, 115, 116, 117, 118 và 119 Nghị định này, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.

+ Như vậy, đối với cấp xã thì chỉ có công chức văn hóa, Quân đội, Công an và chủ tịch UBND được lập biên bản vi phạm hành chính.

b) Lưu ý khi lập biên bản

+ Cần xác định rõ đối tượng vi phạm là cá nhân hay tổ chức. Tổ chức thì phải căn cứ vào khoản 2 Điều 2 Nghị định 15 để xác định.

+ Phần mô tả hành vi vi phạm: Ghi rõ hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm vi phạm.

Ví dụ: Vào lúc 9h ngày 10/8/2020, tại địa chỉ facebook, zalo NTK, ông Nguyễn Văn A đã có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch COVID-19 hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt về tình hình dịch COVID-19, gây hoang mang trong Nhân dân, cụ thể: Ông Nguyễn Văn A đã đăng và chia sẻ 02 bài  viết trên tài khoản facebook, zalo NTK có nội dung sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh  covid trên địa bàn huyện (có hình ảnh bài viết kèm theo)

Vi phạm điểm a, d Khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NÐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

4.2. Ban hành quyết định xử phạt

Theo khoản 3, khoản 4 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì:

+ Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

+ Thẩm quyền phạt tiền quy định tại Chương VIII Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm của tổ chức; đối với hành vi vi phạm của cá nhân, thẩm quyền phạt tiền bằng 1/2 thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức.

Do đó, nếu cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng, tổ chức vi phạm thì phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

+ Với mức phạt nêu trên thì thẩm quyền xử phạt không thuộc Chủ tịch UBND cấp xã mà thuộc Chủ tịch UBND cấp huyện và các chức danh khác theo Nghị định 15. Do đó, sau khi lập biên bản vi phạm hành chính thì chuyển hồ sơ để Chủ tịch UBND huyện phạt theo thẩm quyền.

5. Đối với các hành vi vi phạm khác như: Vứt khẩu trang, bán hàng tăng giá…thì các bạn căn cứ vào các Nghị định 155, Nghị định 109,Nghị định 185 đã nêu ở phần I.

(Hướng dẫn trình tự, thủ tục, thẩm quyền định áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly y tế)

Trên đây là hướng dẫn của trangtinphapluat.com liên quan đến việc lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh covid -19. Bạn đọc có vướng mắc thì vui lòng ghi ở mục bình luận bên dưới bài viết, trangtinphapluat.com sẽ sớm trả lời.

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *