Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia cần phải được sớm sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn và pháp luật quốc tế.
1. Các quy định về hạn chế tính sẵn có và nhu cầu sử dụng rượu, bia còn thiếu:
Luật chưa quy định việc trưng bày rượu, bia; bắt buộc in cảnh báo sức khỏe trên nhãn sản phẩm; quy định kiểm soát hoạt động tài trợ nhằm tiếp thị của các cơ sở kinh doanh rượu bia; quy định nhằm hạn chế tình trạng uống nhiều và say rượu bia đối với người lớn, đặc biệt là tại cộng đồng và trong gia đình; quy định về ngày, giờ, mật độ điểm bán lẻ rượu bia, lượng rượu, bia tối đa được bán trên một đối tượng khách hàng; quy định về việc cấm bán rượu, bia cho một số đối tượng như người say rượu, phụ nữ có thai…

Chưa có quy định về mật độ điểm bán, biện pháp kiểm soát rượu thủ công chưa hiệu quả, thuế TTĐB đối với rượu, bia còn thấp bằng khoảng 35%-40% giá bán lẻ trong khi các nước khoảng 80% giá bán lẻ. Chưa có quy định hạn chế bán tại các bến tàu, bến xe, trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc…
2. Nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại rượu, bia:
– Luật quy định kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại rượu, bia bao gồm: NSNN và kinh phí hợp pháp khác. Như vậy, kinh phí sẽ phụ thuộc vào nguồn kinh phí NSNN là chủ yếu, trong khi NSNN còn hạn hẹp, chưa có khả năng tăng nguồn thu trong giai đoạn tới. Hơn nữa, lại phải giảm bớt chi tiêu công và chủ yếu dành cho các mục tiêu cần ưu tiên hàng đầu như phát triển và tăng trưởng kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ…. nên ngân sách không đủ để đáp ứng nhu cầu kinh phí lâu dài của công tác phòng, chống tác hại rượu bia. Luật không quy định thu một khoản đóng góp bắt buộc theo tỷ lệ trên giá sản phẩm rượu, bia và thành lập quỹ như Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá hay một quỹ chung cho để chi cho các hoạt động nâng cao sức khỏe. Do đó, không bảo đảm nguồn kinh phí ổn định, bền vững cho hoạt động phòng, chống tác hại rượu, bia nói riêng và phòng, chống bệnh không lây nhiễm nói chung.

– Chưa có quy định về bảo đảm tài chính cho giảm thiểu tác hại của rượu bia, giải quyết các hậu quả về sức khỏe liên quan đến rượu bia; trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc tham gia giải quyết, khắc phục các hậu quả liên quan rượu bia.
3. Chưa hạn chế thời gian bán rượu, bia
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chưa quy định thời gian không được phép bán rượu, bia. Trong khi Chiến lược toàn cầu về kiểm soát đồ uống có cồn ở mức có hại của WHO khuyến cáo: Áp dụng các biện pháp giảm tính sẵn có của đồ uống có cồn là biện pháp hiệu quả, trong đó có quy định thời gian cấm bán lẻ đồ uống có cồn. Hiện nay, có 68/168 quốc gia (trong đó có 09 quốc gia ASEAN) có quy định thời gian cấm bán đồ uống có cồn, đa số là từ 20 giờ hoặc 22 giờ đến 06 hoặc 08 giờ sáng ngày hôm sau.
4. Chưa quy định điều kiện kinh doanh bia
– Luật điều chỉnh với hai sản phẩm là rượu, bia, tuy nhiên một số quy định lại có sự phân biệt giữa hai sản phẩm này, như quy định cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên, trong khi hiện nay đã xuất hiện các loại bia có độ cồn trên 15 độ. Luật chỉ quy định điều kiện kinh doanh đối với rượu mà không quy định điều kiện kinh doanh đối với bia. Trong khi đó, dù là bia hay rượu thì đều là đồ uống có chứa cồn ở hàm lượng khác nhau và đều gây tác hại như nhau nếu quy về nồng độ cồn nguyên chất.

– Các biện pháp giảm tiêu thụ rượu, bia mới tập trung quản lý chặt các sản phẩm từ 5,5 độ cồn trở lên, trong khi các sản phẩm dưới 5,5, độ cồn còn ít bị kiểm soát về quảng cáo, không bị hạn chế về khuyến mại, tài trợ. Trong đó, bia ở Việt Nam hầu hết là dưới 5,5 độ cồn, có tỷ trọng tiêu thụ lớn và đang gia tăng. Thiếu các quy định về hạn chế bán và quảng cáo rượu, bia trên Internet và môi trường mạng, đặc biệt là thiếu các quy định hiệu quả về hạn chế tiếp cận đối với trẻ em. Các quy định về trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại rượu bia với lái xe và ảnh hưởng sức khỏe do uống rượu, bia chưa đầy đủ.
Rubi
Trích dự thảo Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật và đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến dự thảo Luật Phòng bệnh