Trangtinphapluat.com giới thiệu bài viết so sánh Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Chiều ngày 17/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, với 443/466 đại biểu tán thành, chiếm 91,91%, có hiệu lực 01/01/2022.
1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bổ sung thêm “cộng đồng dân cư” vào phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, bởi lẽ “cộng đồng dân cư” trong thực tế tham gia rất nhiều vào các hoạt động môi trường, và các văn bản luật khác cũng điều chỉnh đến cộng đồng dân cư như: Bộ Luật Dân sự, quy định về xử phạt hành chính trên một số lĩnh vực như: đất đai, xây dựng…
2. Về giải thích từ ngữ
Luật Bảo vệ môi trường 2020 bổ sung thêm một số cụm từ trong giải thích từ ngữ như:
+ Cộng đồng dân cư là cộng đồng người sinh sống trên cùng địa bàn thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố hoặc điểm dân cư tương tự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
+ Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là hoạt động nhằm giảm nhẹ mức độ hoặc cường độ phát thải khí nhà kính, tăng cường hấp thụ khí nhà kính.
3. Về nguyên tắc bảo vệ môi trường
+ Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ …Luật 2020 bổ sung quy định bảo vệ môi trường không chỉ là nghĩa vụ và trách nhiệm mà còn là quyền của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.
+ Luật Bảo vệ môi trường 2020 bổ sung nguyên tắc: Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
4. Bảo vệ môi trường nước
Luật bảo vệ môi trường 2020 chia thành 3 nhóm: Bảo vệ môi trường nước mặt, Bảo vệ môi trường nước dưới đất, Bảo vệ môi trường nước biển.
Luật BVMT 2014 quy định bảo vệ môi trường nước gồm: bảo vệ môi trường nước sông, ao hồ, thủy lợi, thủy điện, môi trường nước dưới đất, chưa đề cập cụ thể bảo vệ môi trường nước biển.
5. Bảo vệ môi trường đất
+ Quy định chung về bảo vệ môi trường đất:
Cơ bản Luật BVMT 2020 kế thừa Luật BVMT 20014, tuy nhiên bổ sung quy định: Nhà nước xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất ở khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm.
Luật 2020 bên cạnh kế thừa quy định: Quy hoạch, kế hoạch, dự án và hoạt động có sử dụng đất phải xem xét tác động đến môi trường đất, giải pháp bảo vệ môi trương còn bổ sung quy định có giải pháp phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo vệ môi trường đất.
+ Bổ sung thêm trách nhiệm của một số Bộ và UBND tỉnh
Luật Bảo vệ môi trường 2020 bổ sung quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường đất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, UBND cấp tỉnh.
6. Bảo vệ môi trường không khí
+Quy định chung về bảo vệ môi trường không khí:
Cơ bản Luật BVMT 2020 kế thừa Luật BVMT 20014, tuy nhiên bổ sung quy định: Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí phải được thông báo và cảnh báo kịp thời nhằm giảm thiểu tác động đến sức khỏe cộng đồng. Các nguồn phát thải bụi, khí thải phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát theo quy định của pháp luật.
+ Luật Bảo vệ môi trường 2020 bổ sung một số quy định mới như:
– Việc xây dựngKế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp Quốc gia và cấp tỉnh.
–Trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng môi trường không khí của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường, UBND cấp tỉnh.
7. Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên
Đây là quy định hoàn toàn mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Luật đã dành 2 điều để quy định về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, đó là: Di sản thiên nhiên, Nội dung bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.
8. Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có đề cập đến chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia tại Điều 8, theo đó Quy hoạch bảo vệ môi trường phải bảo đảm phù hợp với chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia. Tuy nhiên, Luật 2014 chưa nêu rõ Chiến lược môi trường quốc gia gồm những nội dung gì?.
Luật Bảo vệ môi trương 2020 đã quy định: Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia là cơ sở để xây dựng quy hoạch, bảo vệ môi trường quốc gia, lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Luật cũng quy định rõ nội dung của Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia được xây dựng cho giai đoạn 10 năm, tầm nhìn 30 năm. Thẩm quyền phê duyệt chiến lược là của Thủ tướng Chính phủ.