Những hạn chế, bất cập của pháp luật bảo vệ môi trường

trangtinphapluat.com tổng hợp, giới thiệu tới bạn đọc những hạn chế, bất cập của pháp luật Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 theo dự thảo tờ trình của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường.

1. Môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp

Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, công nghiệp, giao thông, xây dựng,… có những lúc phát triển nóng. Lượng chất thải được thải ra môi trường ngày càng gia tăng: lượng chất thải rắn thông thường đã tăng từ 28 triệu tấn/năm vào năm 2009 lên 35,7 triệu tấn/năm vào năm 2015.

Chất thải rắn ngày càng tăng

Tốc độ gia tăng chất thải rắn khoảng 10% mỗi năm và còn tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới cả về lượng và mức độ độc hại. Riêng đối với chất thải rắn sinh hoạt đô thị, ước tính phát sinh trên toàn quốc tăng trung bình từ 10-16% mỗi năm.Theo kết quả khảo sát mới nhất của Bộ TN&MT, chỉ riêng chất thải rắn sinh hoạt, mỗi ngàycó 70 nghìn tấn phát sinh. Trong khi đó, công tác quản lý rác thải sinh hoạt còn nhiều yếu kém, phần lớn được xử lý theo hình thức chôn lấp, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được giảm thiểu hoặc tái chế tại các cơ sở xử lý đạt khoảng 42%.

Rác thải chưa được coi là tài nguyên để có phương thức quản lý và sử dụng một cách phù hợp. Rác thải nhựa và túi nilon khó phân hủy được sử dụng nhiều và thải bỏ ra môi trường, trôi nổi trong các nguồn nước mặt, vùng biển gây ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi đã trở thành vấn đề bức xúc.

Những hạn chế bất cập của pháp luật bảo vệ môi trường
Những hạn chế bất cập của pháp luật bảo vệ môi trường

Nước thải chưa xử lý còn cao

Nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn hầu hết chưa qua xử lý, xả ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư; hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Vẫn còn xảy ra nhiều sự cố nước thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư, các lưu vực sông Nhuệ – Đáy, sông Cầu, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Sài Gòn – Đồng Nai, các sông đi qua các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp(KCN), cụm công nghiệp (CCN), làng nghề, khu đô thị.

Ô nhiễm đất, không khí ngày càng tăng

Tình trạng Ô nhiễm, suy thoái đất tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ô nhiễm đất do dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật; việc xử lý các điểm ô nhiễm tồn lưu còn chậm, chưa đáp ứng đúng kế hoạch đề ra, còn nhiều điểm ô nhiễm tồn lưu tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Ô nhiễm môi trường không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Ô nhiễm có xu hướng gia tăng tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, nhất là khi có sự kết hợp giữa các yếu tố khí tượng, khí hậu, hiện tượng thời tiết sương mù với sự gia tăng các nguồn phát thải ô nhiễm không khí. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, nguy hại tới sức khỏe người dân (như bụi mịn PM2.5, SO2, CO,…). Nếu không giải quyết kịp thời, ô nhiễm không khí sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế cũng như với toàn xã hội.

(Tải slide bài giảng tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường)

Xử lý vi phạm chưa triệt để

Vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, nhiều cơ sở công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư chậm được di dời. Nhiều dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường chưa được xử lý chặt chẽ; vẫn còn một sốKCN chưa có hạ tầng thu gom, xử lý nước thải; hầu hết các CCN chưa có hạ tầng BVMT; phần lớn các làng nghề còn gây ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề còn khá nghiêm trọng.

Động vật hoang dã ngày càng ít

Chất lượng và tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng tiếp tục suy giảm; việc thành lập mới và mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên còn chậm; các loài động thực vật hoang dã tiếp tục suy giảm; vẫn còn các nguy cơ từ sinh vật ngoại lai xâm hại và rủi ro từ sinh vật biến đổi gen.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng quan trọng và chủ yếu là một số công cụ quản lý môi trường chưa phát huy được hiệu lực, hiệu quả; các cách tiếp cận và công cụ quản lý mới chưa được thể chế hóa kịp thời trong công tác BVMT, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

2. Vướng mắc của Luật Bảo vệ môi trường

  Luật Bảo vệ môi trường qua gần 05 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo với một số hệ thống pháp luật khác; một số điều, khoản của Luật thiếu tính khả thi

Tổng kết gần 5 năm triển khai thực hiện Luật BVMT 2014 cho thấy, bên cạnh kết quả tích cực, Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng liên quan, cụ thể:

Cơ chế chính sách bảo vệ môi trường chưa phù hợp

– Cơ chế, chính sách BVMT chưa phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường. Các loại thuế, phí về môi trường theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” để xử lý, khắc phục, cải tạo và phục hồi môi trường, “người hưởng lợi từ giá trị môi trường phải trả tiền” chưa phát huy được vai trò là công cụ kinh tế điều tiết vĩ mô, hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo hướng tăng trưởng xanh. Các quy định của Luật chưa tạo ra hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để khuyến khích sản xuất, tiêu thụ bền vững, phát triển dịch vụ môi trường, sản phẩm, hàng hoá thân thiện với môi trường, khuyến khích xã hội hóa trong một số hoạt động BVMT.

Thủ tục hành chính về môi trường còn rườm rà

– Các thủ tục hành chính về môi trường còn có sự phân tán, thiếu liên thông, tích hợp dẫn đến việc cùng một dự án, chủ đầu tư phải thực hiện cácthủ tục hành chính mang tính cho phép về môi trường của nhiều bên, nhiều cơ quan nhà nước (Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT, Giấy phép xả thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi,Giấy phép xả khí thải, Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại, đăng ký chủ nguồn thải,…).

Do vậy, cần thiết phải có sự đẩy mạnh cải cách hành chính và hợp nhất, liên thông các thủ tục hành chính về môi trường trong Luật BVMT nhằm thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương.

Thiếu hành lang pháp lý

– Một số vấn đề mới phát sinh về BVMT chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh: Thực tế trong thời gian qua cho thấy phát sinh nhiều sự cố ô nhiễm, suy thoái môi trường lớn, diễn ra trên diện rộng,bùng phát các điểm nóng về môi trường do xả thải. Tuy vậy, hiện nay chưa có cơ sở pháp lý về cơ chế, các tiêu chí sàng lọc, phân loại, phân luồng các dự án đầu tư theo mức độ rủi ro về môi trường; cơ chế kiểm soát đặc thù đối với các đối tượng có nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường.

Do đó, cần bổ sung các quy định về sàng lọc, phân loại, phân luồng dự án đầu tư, cơ chế đặc thù tăng cường kiểm soát đối với các đối tượng này để giải quyết thực tiễn quản lý môi trường đang đặt ra bức thiết hiện nay.

Bài giảng pháp luật bảo vệ môi trường
Vướng mắc trong xử phạt VPHC lĩnh vực môi trường

Phân công, phân cấp quản lý nhà nước chưa hợp lý

– Nội dung, trách nhiệm, phân công, phân cấp quản lý nhà nước về BVMT chưa hợp lý, vẫn còn thiếu thống nhất, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đi đôi với tăng cường năng lực, phân định rõ trách nhiệm (một việc vẫn giao cho nhiều cơ quan chủ trì)nhất là đối với việc quản lý rác thải đô thị, nông thôn, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố môi trường. Các quy định của pháp luật mới chỉ chú trọng trách nhiệm từ phía Nhà nước, thiếu cơ chế phù hợp để phát huy hiệu quả sự tham gia của toàn xã hội, từng doanh nghiệp và người dân trong công tác BVMT.

Không đồng bộ giữa các luật liên quan đến môi trường

– Các nội dung BVMT được quy định trong nhiều luật khác nhau (như Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật xây dựng, Luật tài nguyên nước, Luật khoáng sản, Luật quy hoạch, Luật thủy lợi,…). Tuy nhiên, giữa các luật này nhiều điểm còn có sự giao thoa, chưa thống nhất, còn một số khoảng trống chưa được quy định đã ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT.

Kết quả rà soát, đối chiếu quy định của các luật, nhóm luật liên quan đến BVMT cũng cho thấy nhiều điều khoản, quy định trong Luật BVMT 2014 cần được xem xét sửa đổi, bổ sung để:

(i) giải quyết xung đột giữa các luật trong quy định về BVMT;

(ii) cập nhật để phù hợp, thống nhất với quy định của các luật khác ban hành sau năm 2014;

(iii) cập nhật để phù hợp, thống nhất với dự thảo Luật đầu tư, Luật xây dựng (sửa đổi) đang được hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua cùng với dự thảo Luật này.

– Một số điều, khoản của Luật chỉ quy định về nguyên tắc nhưng không giao cơ quan nào quy định chi tiết thi hành dẫn đến thiếu tính khả thi, không được triển khai trên thực tiễn; công tác tổ chức triển khai thực hiện vẫn chưa hiệu quả,…

Rubi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *