Kỹ năng tư vấn pháp luật trong hoạt động trợ giúp pháp lý

trangtinphapluat.com tổng hợp, giới thiệu kỹ năng tư vấn pháp luật trong hoạt động trợ giúp pháp lý để bạn đọc tham khảo.

  1. Một số vấn đề chung về tư vấn pháp luật trong hoạt động TGPL.

1.1. Khái niệm tư vấn pháp luật.

Theo Từ điển Tiếng Việt thì: “Tư vấn theo nghĩa thông thường là đóng góp ý kiến về những vấn đề được hỏi đến, nhưng không có quyền quyết định”[1]. Khái niệm tư vấn được sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như: tư vấn đầu tư xây dựng, tư vấn kỹ thuật, tư vấn kinh doanh, tư vấn sản xuất, tư vấn pháp luật,… Tư vấn là quá trình thu nhận những thông tin khách quan, những tri thức hiểu biết về một lĩnh vực nhất định không xuất phát và không bị chi phối  bởi các động cơ chủ quan khác nhau của người tư vấn và người cần tư vấn, vì vậy tư vấn có thể được xem như là những lời khuyên từ một người có trình độ chuyên môn cao về một lĩnh vực nào đó cho những người hoặc tổ chức có hiểu biết hạn chế hoặc không hiểu biết gì về lĩnh vực đó. Đây là hình thức góp ý kiến về một lĩnh vực chuyên môn nhất định mà người “tư vấn” là người chủ động, tích cực, còn người được tư vấn thì thụ động nghe theo sự hướng dẫn và khuyên bảo của người tư vấn.

Kỹ năng tư vấn pháp luật trong hoạt động trợ giúp pháp lý
Kỹ năng tư vấn pháp luật trong hoạt động trợ giúp pháp lý

Cũng không nằm ngoài nghĩa chung của hoạt động tư vấn, tư vấn pháp luật là một loại hình dịch vụ trí tuệ, trong đó người có trình độ hiểu biết pháp luật sâu rộng đưa ra những ý kiến pháp lý của mình về một vấn đề cụ thể nào đó có liên quan đến pháp luật. Những ý kiến đó không mang tính chất bắt buộc (tính cưỡng chế) người được tư vấn phải thực hiện, nhưng nên thực hiện bởi những lời tư vấn đó đều phù hợp với những quy định của pháp luật.

Trong hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật là một trong những hình thức trợ giúp pháp lý. Điều 28 Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 quy định: “Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên, Luật sư, Tư vấn viên pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, giải đáp, đưa ra ý kiến, cung cấp thông tin pháp luật, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý”. Như vậy, hoạt động tư vấn pháp luật do người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện bao gồm: Giải đáp pháp luật, hướng dẫn soạn thảo, góp ý kiến cho đơn từ, văn bản có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân, hướng dẫn những thủ tục cần thiết, cung cấp địa chỉ cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc, cung cấp những thông tin pháp lý, đưa ra những lời khuyên về những vấn đề có liên quan đến pháp luật và hướng dẫn đối tượng ứng xử phù hợp với pháp luật nhằm giúp cho người yêu cầu tư vấn nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức pháp luật để họ thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Tư vấn pháp luật không phải là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật một cách chung chung hoặc chuyển tải thông tin về các văn bản pháp luật mới, bởi đối tượng của hoạt động tư vấn pháp luật là một tổ chức hoặc cá nhân cụ thể; nội dung tư vấn có liên quan đến một vụ việc cụ thể theo yêu cầu của đối tượng. Thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, người tư vấn tuyền truyền, phổ biến pháp luật có liên quan trực tiếp đến vụ việc cụ thể đó nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho đối tượng. Hoạt động tư vấn pháp luật cũng giúp cho người được tư vấn hiểu được đúng bản chất về quyền và nghĩa vụ của mình để thực hiện pháp luật và ứng xử phù hợp với pháp luật, ngăn ngừa vi phạm pháp luật.

1.2. Phương thức tư vấn pháp luật.

Điều 38 Luật trợ giúp pháp lý quy định: Tư vấn pháp luật được thực hiện bằng miệng hoặc bằng văn bản; tư vấn trực tiếp, bằng thư tín, điện tín hoặc thông qua phương tiện thông tin khác; thông qua trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt chuyên đề pháp luật, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và các phương thức khác.

1.3. Lĩnh vực tư vấn pháp luật.
Theo Điều 34 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều  của Luật Trợ giúp pháp lý thì tư vấn pháp luật được thực hiện trong các lĩnh vực sau đây:
– Pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự;

– Pháp luật dân sự, tố tụng dân sự và thi hành án dân sự;

– Pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật về trẻ em;

(Slide bài giảng Luật trẻ em)

Pháp luật về bảo vệ trẻ em
Pháp luật về bảo vệ trẻ em

– Pháp luật hành chính, khiếu nại, tố cáo và tố tụng hành chính;

– Pháp luật đất đai, nhà ở, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng;

– Pháp luật lao động, việc làm, bảo hiểm;

– Pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng và pháp luật về chính sách ưu đãi xã hội khác;

– Các lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói, giảm nghèo hoặc liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…, trừ lĩnh vực pháp luật có liên quan đến kinh doanh, thương mại.

1.4. Hoạt động tư vấn pháp luật.

1.4.1. Thực hiện tư vấn pháp luật.

Theo Điều 38 Luật trợ giúp pháp lý và điểm 1, Mục II Phần A Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngàu 23/9/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về về nghiệp vụ TGPL và quản lý nhà nước về TGPL, đối với vụ việc đơn giản, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải tư vấn ngay và ghi chép những nội dung chính trong Phiếu thực hiện trợ giúp pháp lý. Đối với vụ việc phức tạp, cần có thời gian nghiên cứu, xác minh thì người thực hiện trợ giúp pháp lý phải viết phiếu hẹn trả lời sau bằng văn bản hoặc vụ việc thiếu những giấy tờ, tài liệu có liên quan thì yêu cầu người được trợ giúp pháp lý bổ sung các giấy tờ, tài liệu còn thiếu.

Trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày thụ lý vụ việc hoặc nhận đủ các giấy tờ, tài liệu cần bổ sung, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời bằng văn bản cho người được trợ giúp pháp lý; trong trường hợp vụ việc cần có thời gian để xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

– Vụ việc đơn giản là những vụ việc chỉ hướng dẫn, giải đáp, cung cấp thông tin pháp luật liên quan đến một lĩnh vực pháp luật hoặc thuộc thẩm quyền giải quyết của một cơ quan, tổ chức, không phải mất nhiều thời gian nghiên cứu về các tình tiết của vụ việc, không có các vấn đề cần phải xác minh thêm.

– Vụ việc tư vấn phức tạp là vụ việc có liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật, có nhiều đối tượng, có liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành hoặc có nhiều tình tiết, đã được giải quyết nhiều lần hoặc do nhiều cơ quan có thẩm quyền giải quyết, cần có thời gian nghiên cứu các quy định của pháp luật và hồ sơ vụ việc hoặc cần phải xác minh, đánh giá thêm các tình tiết của vụ việc.

 1.4.2.Tư vấn pháp luật thông qua thư tín, fax .

Đối với người có yêu cầu thông qua thư tín, fax thì được trả lời bằng văn bản hoặc mời đến trụ sở để tư vấn trực tiếp. Nếu người có yêu cầu không gửi kèm theo giấy tờ chứng minh thuộc diện được TGPL hoặc các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc TGPL thì tổ chức thực hiện TGPL hướng dẫn họ cung cấp đầy đủ các giấy tờ, tài liệu đó để làm cơ sở thụ lý vụ việc. Thời hạn thực hiện tư vấn pháp luật bằng văn bản thông qua thư tín, fax là 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý hoặc từ thời điểm người có yêu cầu cung cấp bổ sung đầy đủ các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc tư vấn pháp luật.

1.4.3. Tư vấn pháp luật qua điện thoại.

Tư vấn pháp luật qua điện thoại áp dụng trong trường hợp vụ việc TGPL đã được thụ lý hoặc vụ việc mới mà người có yêu cầu đề nghị tư vấn thông qua điện thoại. Đối với vụ việc tư vấn đơn giản, chưa thụ lý mà người tiếp nhận yêu cầu có thể thực hiện được ngay thì tư vấn ngay cho họ nhưng trước khi thực hiện tư vấn phải đề nghị họ cung cấp rõ các thông tin về họ, tên, nhân thân, địa chỉ và ghi vào Sổ trực điện thoại. Nếu vụ việc tư vấn phức tạp thì hướng dẫn người có yêu cầu trực tiếp đến tổ chức thực hiện TGPL để có điều kiện cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định. Nội dung tư vấn pháp luật qua điện thoại phải được thể hiện trong Sổ theo dõi, tổng hợp vụ việc TGPL dưới dạng hỏi, đáp.

Tư vấn pháp luật qua điện thoại
Tư vấn pháp luật qua điện thoại

1.4.4. Tư vấn pháp luật thông qua TGPL lưu động.

Tại buổi TGPL lưu động, người thực hiện TGPL đối với vụ việc cụ thể có trách nhiệm lập hồ sơ vụ việc và thực hiện trợ giúp pháp theo trình tự, thủ tục chung. Mỗi vụ việc tư vấn phải có hồ sơ, trong đó có Phiếu thực hiện TGPL cho người được trợ giúp pháp lý. Đối với vụ việc phức tạp cân xem xét, xác minh thêm thì hoàn tất hồ sơ và hẹn trả lời cho người được trợ giúp pháp lý bằng văn bản sau 15 ngày, kể từ ngày thụ lý.

đ) Tư vấn pháp luật thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL.

Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên, luật sư, tư vấn viên pháp luật tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ thực hiện tư vấn pháp luật tại chỗ cho người có yêu cầu. Đối với các vụ việc phức tạp chưa thể thực hiện được ngay thì cần hẹn ngày tư vấn sau. Trường hợp người có yêu cầu đồng ý thì nội dung vụ việc tư vấn pháp luật có thể được công khai để người tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ cùng tham gia trao đổi, thảo luận. Các vụ việc đã được tư vấn pháp luật trong buổi sinh hoạt Câu lạc bộ phải lập thành hồ sơ vụ việc và lưu trữ tại tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

Kết quả tư vấn pháp luật trong mọi trường hợp phải được thể hiện dưới hình thức Phiếu thực hiện TGPL hoặc văn bản tư vấn pháp luật do người thực hiện tư vấn pháp luật ký và ghi rõ họ, tên. Phiếu tư vấn pháp luật trực tiếp phải có chữ ký của người thực hiện TGPL. Phiếu thực hiện TGPL hoặc văn bản tư vấn pháp luật được lập thành 02 (hai) bản, một bản photocopy giao cho người được TGPL, bản chính được lưu giữ trong hồ sơ vụ việc. Việc tư vấn pháp luật phải phù hợp với pháp luật về TGPL, được lập thành hồ sơ vụ việc TGPL theo quy định. 

  1. Kỹ năng tư vấn pháp luật.

2.1. Khái niệm kỹ năng tư vấn pháp luật.

Cho đến nay chưa có tài liệu nào đưa ra khái niệm kỹ năng tư vấn pháp luật. Để nghiên cứu khái niệm này, chúng ta xem xét thuật ngữ “kỹ năng” của một số tác giả dưới các góc độ khác nhau. Theo “Từ điển hành chính” do tác giả Tô Tử Hạ chủ biên thì “kỹ năng” được hiểu là khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được về một lĩnh vực nào đó vào công việc thực tế. Theo tác giả Ivans Banki thì “Kỹ năng là khả năng tự có hoặc qua học tập được con người vận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình vào những hoạt động mang tính nghề nghiệp, một công việc cụ thể và trong lĩnh vực chuyên môn của mình”[2].

Một số quan niệm khác cho rằng “kỹ năng” là tổng hợp những thao tác thành thạo trong thực tiễn hoạt động của mỗi người, được con người vận hành một cách chủ động trong công việc chuyên môn của mình. Quan niệm này chưa đầy đủ, bởi lẽ “kỹ năng” làm một việc gì đó không chỉ đơn giản là một phép số cộng những thao tác thành thạo trong công việc nhất định mà còn bao hàm cả năng lực trí tuệ (kiến thức lý luận và thực tiễn) và khả năng vận hành những kiến thức chuyên môn nghiệp vụ trong thực tiễn cuộc sống bằng những thao tác thuần thục mang lại hiệu quả công việc cao nhất.

Kỹ năng tư vấn pháp lý
Kỹ năng tư vấn pháp luật

Nói một cách khái quát, kỹ năng là khả năng (năng lực) sử dụng và vận dụng tri thức về một lĩnh vực nào đó vào hoạt động nghề nghiệp trong cuộc sống bằng kinh nghiệm thực tiễn thông qua những thao tác thành thạo như một thói quen nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Để có kỹ năng tư vấn pháp luật, người tư vấn không chỉ có kiến thức pháp luật, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về tư vấn pháp luật, kinh nghiệm cuộc sống xã hội mà còn phải có khả năng vận dụng thành thạo những kiến thức, hiểu biết đó để phân tích, giải đáp, hướng dẫn đối tượng xử sự phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Từ những điều đã phân tích trên đây, chúng ta có thể đưa ra khái niệm kỹ năng tư vấn pháp luật là khả năng của người thực hiện tư vấn vận dụng kiến thức pháp luật, đạo đức xã hội và kinh nghiệm cuộc sống để hướng dẫn, giải đáp, đưa ra ý kiến, cung cấp thông tin pháp luật, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý nhằm giúp cho người được tư vấn biết cách xử sự hoặc giải quyết những vấn đề vướng mắc pháp luật của mình phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo khái niệm này, kỹ năng tư vấn pháp luật đòi hỏi người tư vấn phải có khả năng vận dụng tri thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật. Như vậy, kỹ năng tư vấn pháp luật trong hoạt động trợ giúp pháp lý gồm các kỹ năng sau đây:

+ Kỹ năng thụ lý vụ việc;

+ Kỹ năng tiếp đối tượng và nghe đối tượng trình bày;

+ Kỹ năng yêu cầu đối tượng cung cấp giấy tờ liên quan đến vụ việc; xem xét, xác minh, thu thập chứng cứ (nếu thấy cần thiết) để hiểu rõ bản chất vụ việc và vướng mắc của đối tượng;

+ Kỹ năng tra cứu tài liệu pháp luật, tìm cơ sở pháp lý để giải thích, hướng dẫn phù hợp với pháp luật;

+ Kỹ năng soạn thảo văn bản tư vấn cho đối tượng;

+ Kỹ năng vận dụng kiến thức pháp luật, đạo đức xã hội để tư vấn, giải đáp, hướng dẫn, đưa ra lời khuyên, đưa ra giải pháp, định hướng cho đối tượng tháo gỡ vướng mắc pháp luật, xử sự phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội;

+ Kỹ năng lập hồ sơ, lưu trữ hồ sơ tư vấn pháp luật.

Các kỹ năng tư vấn pháp luật cơ bản trên đây có quan hệ mật thiết, biện chứng, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau và được sử dụng trong suốt quá trình tư vấn một vụ việc cụ thể với một đối tượng cụ thể. Tuỳ theo từng loại vấn đề (vụ việc tư vấn) và từng loại đối tượng cụ thể mà sử dụng các kỹ năng cùng một thời điểm hoặc sử dụng kỹ năng này trước, kỹ năng kia sau. Thông thường, để tiến hành tư vấn một vụ việc, người tư vấn phải tiếp đối tượng (nghiên cứu hồ sơ vụ việc); nghe các bên tranh chấp trình bày, yêu cầu đưa ra tài liệu có liên quan đến yêu cầu tư vấn. Trong trường hợp cần thiết phải tiến hành xem xét, xác minh vụ việc; tra cứu tài liệu pháp luật, tham khảo các nhà chuyên môn và vận dụng kiến thức pháp luật và kinh nghiệm cuộc sống để tư vấn, giải thích, hướng dẫn đối tượng úng xử phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.

2.2. Kỹ năng thụ lý vụ việc tư vấn pháp luật

– Người thực hiện trợ giúp pháp lý được giao nhiệm vụ thụ lý, tiếp nhận đơn yêu cầu TGPL, giấy chứng nhận là người được TGPL phải kiểm tra các điều kiện, nội dung yêu cầu tư vấn pháp luật ghi trong đơn yêu cầu TGPL và thụ lý vụ việc khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Người yêu cầu TGPL thuộc diện người được TGPL theo Điều 10 Luật TGPL và được quy định chi tiết tại Điều 2 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP.

+ Nội dung vụ việc TGPL phù hợp với quy định tại Điều 5 Luật TGPL, có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người được TGPL;

+ Vụ việc TGPL thuộc phạm vi TGPL quy định tại Điều 26 Luật TGPL (Người có yêu cầu đang cư trú tại địa phương dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú; vụ việc của người có yêu cầu xảy ra tại địa phương hoặc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương; vụ việc do tổ chức thực hiện TGPL khác chuyển đến.

+ Yêu cầu TGPL không thuộc trường hợp phải từ chối theo khoản 1 Điều 45 Luật TGPL.

– Trường hợp người có yêu cầu còn thiếu những giấy tờ chứng minh là người thuộc diện được TGPL hoặc giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc TGPL, người tiếp nhận phải hướng dẫn họ cung cấp bổ sung các giấy tờ, tài liệu có liên quan để vụ việc được thụ lý. Sau khi đã nhận đủ các giấy tờ, tài liệu bổ sung hoặc có cơ sở xác minh thì làm thủ tục thụ lý.

Người tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm sao chụp 01 bản từ bản chính hoặc tiếp nhận bản sao giấy tờ chứng minh thuộc diện người được TGPL để lưu giữ trong hồ sơ vụ việc. Trường hợp vì lý do khách quan mà không thể sao chụp từ bản chính thì phải ghi lại ký hiệu, số, ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp giấy tờ đó vào phần dưới đơn.

– Nếu đủ điều kiện thụ lý vụ việc thì người tiếp nhận thụ lý, lập hồ sơ ban đầu và ghi vào Sổ theo dõi, tổng hợp vụ việc TGPL, tiến hành thực hiện tư vấn pháp luật hoặc báo cáo lãnh đạo tổ chức thực hiện TGPL phân công người thực hiện TGPL.

– Trường hợp vụ việc thuộc trường hợp phải từ chối hoặc không được tiếp tục thực hiện TGPL theo Điều 45 Luật Trợ giúp pháp lý, người tiếp nhận đơn phải thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người có yêu cầu TGPL biết.

2.3. Kỹ năng tư vấn trực tiếp bằng miệng.

Thực tiễn hoạt động trợ giúp pháp lý cho thấy tư vấn bằng miệng là một trong những phương thức trợ giúp pháp lý phổ biến nhất. Đối với các vụ việc có tính chất đơn giản, các đối tượng thường tìm đến tổ chức trợ giúp pháp lý để được giải đáp, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến vụ việc, để họ có thể tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách nhanh chóng và có hiệu quả nhất.

Đối tượng yêu cầu tư vấn bằng miệng có nghĩa là người tư vấn phải trực tiếp trả lời bằng lời nói ngay sau khi đối tượng có yêu cầu. Thông thường, tư vấn bằng miệng là những vụ việc đơn giản, ít phức tạp. Sau khi nghe đối tượng trực tiếp trình bày về diễn biến vụ việc hoặc những vướng mắc của mình và nghiên cứu tài liệu (nếu có), người tư vấn trực tiếp giải đáp những vướng mắc đó cho đối tượng mà không cần thời gian để điều tra, xác minh vụ việc cụ thể. Tuy nhiên, hoạt động tư vấn pháp luật là một hoạt động trí tuệ, đa dạng và phức tạp, đòi hỏi một quá trình lao động trí óc. Do đó, khi tư vấn trực tiếp bằng miệng cho đối tượng, người tư vấn cần thiết phải thực hiện một số kỹ năng sau:

2.3.1. Kỹ năng tiếp đối tượng và nghe đối tượng trình bày.

Phần lớn đối tượng đều trực tiếp đến gặp người tư vấn hoặc gọi điện thoại để trình bày về nội dung vụ việc, vấn đề vướng mắc và đưa ra yêu cầu tư vấn. Trong giai đoạn này, người tư vấn phải kết hợp các kỹ năng: thụ lý hồ sơ, nghe, nói, đặt câu hỏi,… để thu nhận được những thông tin chính xác, trung thực về vụ việc (vướng mắc pháp luật) của đối tượng, đồng thời cố gắng hiểu biết về tâm lý của từng loại đối tượng để có thái độ ứng xử, giao tiếp phù hợp. Khi tiếp xúc với bất cứ loại đối tượng nào, người tư vấn đều phải khiêm tốn, thể hiện thái độ đúng mực và tôn trọng đối tượng để xây dựng niềm tin của đối tượng. Hoạt động tư vấn pháp luật là hoạt động trí tuệ mang tính nghệ thuật cao, đòi hỏi một quá trình lao động trí óc để vận dụng pháp luật và sử dụng những kinh nghiệm thực tiễn để giải thích, thuyết phục, đưa ra lời khuyên đối tượng xử sự phù hợp với pháp luật. Do đó, khi thực hiện tư vấn pháp luật, người tư vấn cần thiết phải thực hiện một số kỹ năng sau đây:

2.3.1.1. Kỹ năng giao tiếp:

Giao tiếp là quá trình bày tỏ ý định, cảm xúc, trao đổi thông tin với người khác. Giao tiếp có thể bằng lời nói hoặc bằng cử chỉ, hành vi (không lời).

Khi tiếp đối tượng trợ giúp pháp lý, người tư vấn phải kết hợp các kỹ năng: Tiếp đối tượng, nghe đối tượng trình bày để hiểu rõ yêu cầu tư vấn của đối tượng; đặt câu hỏi để làm rõ các tình tiết của vụ việc, …

Giao tiếp có các chức năng sau đây:

+ Trò chuyện để nắm bắt thông tin;

+ Cung cấp cho đối tượng những thông tin chính xác để xóa bỏ những quan điểm lệch lạc, thay đổi niềm tin không đúng đắn;

Kỹ năng giao tiếp khi tư vấn pháp luật
Kỹ năng giao tiếp khi tư vấn pháp luật

+ Hỗ trợ chia sẻ về mặt tâm lý, cảm thông với đối tượng;

+ Giúp đối tượng xác định, lựa chọn đưa ra những quyết định cụ thể, cách giải quyết phù hợp;

+ Trang bị cho đối tượng kiến thức, cách ứng xử, suy nghĩ phù hợp.

Khi tiếp đối tượng, người tư vấn phải chú ý tỏ thái độ như sau:

+ Quan tâm và sẵn lòng giúp đỡ người khác;

+ Tôn trọng đối tượng, không phán xét họ (không nên ngắt lời, thể hiện cử chỉ không lắng nghe, nói năng thiếu lễ độ, …;

+ Nhiệt tình trong công việc và chân thành, cởi mở để tạo sự tin cậy;

+ Chấp nhận đối tượng (dù họ ăn mặc, nói năng thế nào cũng không nên phân biệt, đối xử…);

+ Quan tâm đến yêu cầu của đối tượng;

+ Thông cảm với đối tượng (hiểu được tâm lý, suy nghĩ và cảm xúc của đối tượng).

Khi gặp gỡ, giao tiếp với đối tượng, người tư vấn cố gắng tìm hiểu về tâm lý của từng loại đối tượng, các mối quan hệ xã hội của đối tượng để có thái độ ứng xử, giao tiếp phù hợp. Khi tiếp xúc với bất cứ loại đối tượng nào, người tư vấn đều phải khiêm tốn, thể hiện thái độ đúng mực, tôn trọng đối tượng và tạo không khí đối thoại tự do, cởi mở để xây dựng niềm tin trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau. Đối với những đối tượng là người dân tộc thiểu số không nói được hoặc không thạo tiếng phổ thông, nếu người tư vấn không biết tiếng dân tộc thì phải mời người có uy tín biết tiếng dân tộc như già làng, trưởng bản cùng tham gia để có thể hiểu được những điều đối tượng trình bày và yêu cầu của họ.

2.3.1.2. Kỹ năng nghe đối tượng trình bày.

Bất luận yêu cầu tư vấn về vấn đề gì, người tư vấn phải chú ý lắng nghe đối tượng trình bày để hiểu rõ về nội dung và bản chất vụ việc. Trong quá trình đối tượng trình bày, người tư vấn cần chú ý lắng nghe và ghi chép đầy đủ những nội dung chính, ý chính, trên cơ sở đó có thể đặt những câu hỏi yêu cầu đối tượng để làm rõ thêm các tình tiết của vụ việc.

Kỹ năng trình bày khi tư vấn pháp luật
Kỹ năng  tư vấn pháp luật

Khi nghe đối tượng trình bày, người tư vấn cần chú ý một số kỹ năng sau đây:

+ Dùng cử chỉ, điệu bộ, ngôn ngữ (tiếp đón đối tượng chu đáo, thăm hỏi sức khoẻ đối tượng và gia đình, tập trung chú ý vào đối tượng khi đối tượng đang trình bày…) thể hiện sự chú ý lắng nghe đối tượng nói;

+ Tạo cơ hội, điều kiện, môi trường đối thoại cởi mở, thoải mái để đối tượng diễn đạt hết suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của họ. Không nên phản ứng trước những lời tức giận của đối tượng. Phải biết tự kiềm chế, yên lặng lắng nghe, để cho họ trút hết những lời bực bội. Phương pháp chuẩn mực để lắng nghe có hiệu quả là tập trung chú ý vào những điều đối tượng đang nói, gợi ý họ nói rõ ràng, chính xác những ý nghĩ của họ, diễn đạt lại đúng những sự kiện đã xảy ra và yêu cầu nhắc lại những điểm gì còn mập mờ, chưa rõ;

+ Kiên trì lắng nghe hết những gì đối tượng nói, không nên cắt ngang lời hoặc hỏi trong khi họ đang trình bày về vụ việc làm cắt đứt dòng suy nghĩ của họ. Nghệ thuật tốt nhất là biết lắng nghe để hiểu, đừng phản ứng lại đối tượng và cần khuyến khích họ nói và chú ý lắng nghe đến khi họ không còn gì để nói. Bằng phương pháp đó chúng ta khuyến khích được đối tượng nói hết những gì cần nói và chúng ta sẽ hiểu được bản chất của vụ việc;

+ Dùng lời nói hoặc thái độ, hành vi, cử chỉ để kiểm tra, khẳng định lại những thông tin về suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của đối tượng mà mình tiếp nhận được. Người tư vấn cần thể hiện sao cho đối tượng tin rằng mình đã nắm được đúng quan điểm và bản chất vụ việc thì đối tượng mới dễ tiếp thu những lời tư vấn và chấp nhận lời khuyên mà người tư vấn đưa ra;

+ Tóm lược các nội dung mang tính bản chất của vụ việc một cách chính xác, khẳng định lại với đối tượng yêu cầu tư vấn và thống nhất quan điểm về những nội dung cần tư vấn.

Thông thường, lần đầu tiên tiếp xúc với một vụ việc có tính chất phức tạp, người tư vấn chưa thể hiểu biết hết về các tình tiết của vụ việc, chưa nắm bắt một cách chắc chắn bản chất của vụ việc. Trong khi đó, đối tượng thường có tâm lý là người nghe cũng đã nắm được nội dung vụ việc như chính bản thân mình, nên đối tượng thường trình bày theo ý chủ quan và có thể bỏ qua nhiều chi tiết mà họ cho là không cần thiết hoặc không cung cấp những bằng chứng không có lợi cho họ. Vì vậy, người tư vấn  cần nghiên cứu đặt ra những câu hỏi đơn giản để làm rõ những tình tiết có liên quan đến bản chất của vụ việc và gợi ý để đối tượng trình bày đúng bản chất vụ việc, lưu ý đối tượng trình bày vấn đề một cách vô tư, khách quan, không thiên vị, chủ quan. Người tư vấn cũng lưu ý đối tượng rằng chỉ có thể đưa ra lời khuyên chính xác, đầy đủ và đúng pháp luật nếu như đối tượng trình bày vấn đề một cách trung thực và khách quan. Ngược lại, lời tư vấn đưa ra có thể không chính xác nếu đối tượng trình bày thiên vị, không trung thực.

Trong quá trình nghe đối tượng trình bày, người tư vấn cần tránh (không nên làm) các hành vi sau đây:

+ Lơ đãng với người đang nói và tỏ thái độ coi thường câu chuyện của họ; nghe đại khái, bỏ qua các chi tiết cụ thể;

+ Cắt ngang lời đối tượng đang nói; giục đối tượng kết thúc câu chuyện của họ; nhìn đồng hồ; chất vấn, tranh luận với đối tượng trong khi họ đang trình bày,…;

+ Nói tranh phần của người nói khi họ đang tìm cách diễn đạt ý của họ;

+ Phán xét, đưa ra nhận xét, đặt ra những giả định, chỉnh lý, lên lớp về mặt đạo lý; áp đặt ý tưởng, kinh nghiệm của mình cho đối tượng;

+ Đưa ra lời khuyên khi đối tượng không yêu cầu;

+ Để cho cảm xúc của người nói tác động quá mạnh đến tình cảm của mình;

+ Không nên có điệu bộ, cử chỉ (như lắc đầu, cau có mặt mày, nheo mắt…), lời nói tỏ thái độ phủ định hay khó chịu khi đối tượng trình bày dài dòng, không logic, khó hiểu hoặc đặt ra nhiều câu hỏi không có liên quan đến vụ việc,…;

+ Không nên buồn bực hay cáu giận khi đối tượng có cử chỉ hoặc lời nói làm mình không hài lòng bởi đó là những bức xúc của họ.

Nhiều người cho rằng bất kỳ ai có tai mà không bị điếc thì đều có thể nghe được những gì người khác nói, nhưng lắng nghe để hiểu biết về bản chất của một hiện tượng, sự vật thì không đơn giản, bởi không chỉ nghe bằng tai mà phải nghe bằng tất cả các giác quan của con người, đúng như học giả người Trung Quốc Chuang Tzu đã từng nói: “Việc nghe bằng tai là một chuyện, việc nghe hiểu là một chuyện khác. Nhưng việc lắng nghe không chỉ giới hạn của cơ quan thính giác (tai) hay bộ óc, vì nó đòi hỏi sự tham gia của tất cả các giác quan và khi các giác quan bắt đầu tham gia thì tất cả sẽ được lắng nghe. Có một điều mà có thể trước đây bạn chưa hiểu rõ, đó là chưa bao giờ bạn thực sự lắng nghe”.

2.3.2. Kỹ năng yêu cầu đối tượng cung cấp các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ việc.

Để đưa ra lời khuyên (tư vấn) chính xác, đúng pháp luật, cảm hóa, thuyết phục được đối tượng thì người tư vấn phải đề nghị đối tượng nói rõ yêu cầu tư vấn, nếu tư vấn giải quyết một vụ việc thì phải yêu cầu đối tượng cung cấp đầy đủ các tài liệu (nếu có) phản ánh nội dung và diễn biến của vụ việc tranh chấp.

Trong thực tiễn, người tư vấn khó có thể đưa ra những lời khuyên (tư vấn) chính xác nếu chỉ nghe đối tượng trình bày. Đối với những yêu cầu tư vấn đơn giản, rõ ràng, sau khi nghe đối tượng trình bày, người tư vấn có thể phân tích, giải thích, hướng dẫn được ngay cho đối tượng, song đối với những vụ việc phức tạp, đã diễn ra trong một thời gian dài, vụ việc đã được một số cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân can thiệp hoặc giúp đỡ giải quyết, nhưng đối tượng vẫn không hài lòng và tiếp tục khiếu kiện thì phải yêu cầu đối tượng cung cấp các chứng cứ và tài liệu (nếu có) liên quan đến nội dung và diễn biến vụ việc (thông thường người tư vấn chỉ nhận bản sao chụp các giấy tờ, tài liệu đó sau khi đã đối chiếu với bản chính). Trong trường hợp cần thiết, người tư vấn phải tự mình tìm hiểu, thu thập chứng cứ, gặp gỡ các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã từng tham gia giải quyết, gặp người làm chứng, nghe họ trình bày về diễn biến và nội dung vụ việc mà họ biết được. Chỉ có như vậy thì người tư vấn mới có thể hiểu biết được bản chất vụ việc, từ đó đưa ra lời tư vấn chính xác, đúng pháp luật, cảm hóa, thuyết phục được đối tượng nghe theo lời khuyên của mình.

Trong phần lớn các vụ việc trợ giúp pháp lý thường có các tài liệu, văn bản, thư từ giao dịch,… liên quan đến vụ việc. Những giấy tờ, tài liệu này là những chứng cứ pháp lý thể hiện nội dung, bản chất của vụ việc hoặc phản ánh diễn biến và quá trình giải quyết tranh chấp. Trong thực tiễn, có những vụ việc đối tượng chỉ trình bày vụ việc một cách chung chung, chưa muốn cung cấp cho người tư vấn những văn bản, chứng cứ mà họ cho rằng không có lợi cho mình. Người tư vấn cần thuyết phục để họ cung cấp đầy đủ. Nếu đối tượng không cung cấp những tài liệu này thì việc tư vấn khó có thể chính xác và đúng pháp luật.

Sau khi đối tượng đã cung cấp đầy đủ các văn bản, tài liệu có liên quan, người tư vấn cần dành thời gian để đọc, nghiên cứu các giấy tờ, tài liệu đó, trong khi đọc có thể đồng thời hình thành luôn giải pháp trên cơ sở sắp xếp các tài liệu theo tầm quan trọng của vấn đề đưa ra. Có những tài liệu người tư vấn không hiểu, không đọc được hoặc nghi ngờ về tính chân thực của nó thì cần hỏi lại đối tượng để khẳng định ngay. Trường hợp sau khi nghe đối tượng trình bày và nghiên cứu các tài liệu do đối tượng cung cấp thấy chưa thể đưa ra lời khuyên ngay được mà phải có thời gian nghiên cứu thì hẹn tư vấn cho đối tượng vào một ngày khác. Trong mọi trường hợp, khi chưa thực sự tin tưởng về giải pháp mà mình sẽ đưa ra cho đối tượng thì người tư vấn không nên vội vàng đưa ra giải pháp đó.

2.3.3. Kỹ năng tra cứu văn bản, tài liệu pháp luật.

Trong quá trình tư vấn pháp luật, người tư vấn phải giải đáp pháp luật, cung cấp thông tin pháp luật về quyền và nghĩa vụ của đối tượng, đưa ra những lời khuyên về những vấn đề có liên quan đến pháp luật, hướng dẫn đối tượng xử sự phù hợp với pháp luật, nhằm giúp đối tượng nâng cao ý thức pháp luật, hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, trên cơ sở đó tự nguyện thực hiện pháp luật. Để đưa ra lời tư vấn pháp luật chính xác, việc tra cứu tài liệu pháp luật trong quá trình tư vấn là điều kiện bắt buộc bởi vì: Thứ nhất, để khẳng định với đối tượng rằng người tư vấn đang thực hiện tư vấn theo pháp luật, trên cơ sở pháp luật chứ không phải theo cảm tính chủ quan, duy ý chí của mình; thứ hai, việc tra cứu tài liệu pháp luật có liên quan đến vụ việc tư vấn sẽ giúp người tư vấn kiểm tra tính chính xác những tư duy và khẳng định chính thức những lời tư vấn của mình là đúng pháp luật vì trong thực tiễn, không phải bao giờ người tư vấn cũng có thể nhớ chính xác tất cả các quy định thuộc các lĩnh vực pháp luật khác nhau. Nếu thấy cần thiết hoặc đối tượng yêu cầu thì người tư vấn có thể cung cấp cho đối tượng bản sao văn bản, tài liệu đó cùng với lời tư vấn mà mà mình đưa ra. Trong trường hợp không tìm thấy văn bản cần tìm hoặc nghi ngờ về hiệu lực của văn bản đó (ví dụ văn bản đã bị huỷ bỏ và có một văn bản mới thay thế) thì người tư vấn có thể chưa đưa ra lời khuyên ngay mà hẹn đối tượng vào một dịp khác để khẳng định lại tính hợp pháp của văn bản pháp luật cần áp dụng.

Trường hợp vụ việc tư vấn có liên quan đến lĩnh vực pháp luật mà người tư vấn chưa hiểu sâu thì nên gặp các nhà chuyên môn hay đồng nghiệp khác am hiểu sâu về lĩnh vực pháp luật đó để tham khảo ý kiến trước khi đưa ra lời tư vấn, tránh tình trạng mặc dù người tư vấn chưa nắm vững pháp luật nhưng vẫn thực hiện tư vấn, đưa ra những lời khuyên không chính xác, không đúng pháp luật, gây hậu quả xấu cho đối tượng.

2.3.4. Kỹ năng xem xét, xác minh vụ việc.

Xem xét, xác minh vụ việc chỉ áp dụng đối với những vụ việc phức tạp, chưa có đủ cơ sở pháp lý (chưa cung cấp đủ các tài liệu cần thiết), liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật hoặc đã được nhiều cơ quan chức năng giải quyết mà đối tượng vẫn không đồng ý hoặc trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ việc, người tư vấn thấy chưa đủ cơ sở để trả lời, cần phải tiến hành điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, gặp gỡ, tiếp xúc với các cơ quan chức năng và những người có liên quan để tìm hiểu rõ bản chất vụ việc, tránh đưa ra những kết luận phiến diện, chủ quan.

Quá trình xem xét, xác minh vụ việc đòi hỏi người tư vấn phải thực sự khách quan, tế nhị, nhất là khi tiếp xúc với các cơ quan đã giải quyết vụ việc hoặc bên có lợi ích đối kháng trong vụ việc tranh chấp. Thông thường, những cơ quan, tổ chức và người bị kiện luôn bảo vệ những việc họ đã làm nên chỉ đưa ra những thông tin có lợi cho họ. Vì vậy, người tư vấn cần khéo léo đề nghị các cơ quan hữu quan cung cấp những thông tin, tài liệu chính xác, trung thực. Việc điều tra, xác minh nên lập thành biên bản để lưu hồ sơ để làm căn cứ hoà giải hoặc kiến nghị khi cần thiết.

 2.3.5. Đưa ra lời tư vấn và định hướng cho đối tượng.

Đây là khâu cuối cùng của quá trình tư vấn thể hiện bằng việc người tư vấn đưa ra lời giải đáp, lời khuyên, giải pháp, phương án,… để trả lời các yêu cầu và những vấn đề vướng mắc của đối tượng.

  1. a) Nội dung tư vấn pháp luật gồm có:

– Nêu được căn cứ pháp lý, nội dung các quy định của pháp luật có liên quan đến vấn đề yêu cầu tư vấn;

– Giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật đối với từng hành vi, sự kiện trong một hoàn cảnh cụ thể khi tham gia vào các quan hệ xã hội mà luật pháp cho phép hay ngăn cấm;

– Từ đó đưa ra những lời khuyên, định hướng giúp đối tượng lựa chọn hành vi xử sự của mình cho phù hợp với pháp luật và thực hiện những giải pháp bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình một cách tốt nhất.

Về thực chất, đưa ra những giải pháp và định hướng cho đối tượng là việc hướng dẫn đối tượng cách ứng xử (nên làm gì và không nên làm gì) trong thời gian tới để giải quyết tốt nhất những vấn đề mà đối tượng yêu cầu. Việc đưa ra giải pháp mang tính định hướng sẽ tạo cơ hội cho đối tượng lựa chọn phương thức bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất. Sau khi người tư vấn đã đưa ra lời khuyên, định hướng cho đối tượng thì họ sẽ biết cần phải làm gì tiếp sau. Kết thúc tư vấn, người tư vấn phải ghi lại nội dung đã tư vấn vào Phiếu tư vấn để gửi cho đối tượng và lưu hồ sơ vụ việc tư vấn.

  1. b) Khi tư vấn pháp luật, người thực hiện trợ giúp pháp lý nên khuyến khích, ủng hộ, động viên những hành vi tích cực, phù hợp với pháp luật. Dĩ nhiên không phải lúc nào sau khi được tư vấn pháp luật, đối tượng cũng làm theo những lời khuyên mà người tư vấn đưa ra. Trong những trường hợp này, dù người thực hiện trợ giúp pháp lý có tư vấn pháp luật chính xác, có phân tích đầy đủ trên tất cả các phương diện và khía cạnh lợi hại đến đâu chăng nữa thì đối tượng vẫn có thể có những hành vi không phù hợp với pháp luật.
  2. c) Mục tiêu đặt ra đối với kỹ năng tư vấn pháp luật là những lời khuyên, thuyết phục và hướng dẫn của người tư vấn phải được đối tượng chấp nhận, đồng thuận nghe theo thể hiện ở việc lựa chọn cách xử sự phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội, tránh được những hậu quả pháp lý bất lợi, bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng một cách tốt nhất.

2.4. Kỹ năng tư vấn bằng văn bản.

2.4.1. Cơ sở để thực hiện tư vấn pháp luật bằng văn bản.

Thông thường, tư vấn pháp luật bằng văn bản thường được áp dụng trong trường hợp người tư vấn không trả lời cho đối tượng ngay sau khi có yêu cầu do vụ việc quá phức tạp hoặc chưa có đầy đủ các tài liệu, chứng cứ pháp lý hoặc người tư vấn thấy cần phải xác minh thêm. Việc tư vấn bằng văn bản thường thực hiện trên cơ sở sau đây:

– Đối tượng ở xa viết đơn, thư, chuyển fax,… cho người tư vấn. Trong nội dung các đơn thư này, đối tượng nêu rõ yêu cầu của mình dưới các dạng câu hỏi. Hình thức này dễ làm, có hiệu quả và đạt độ chính xác cao.

– Đối tượng trực tiếp đến gặp người tư vấn, trực tiếp nêu yêu cầu của mình với người tư vấn và đề nghị họ tư vấn bằng văn bản. Thông thường khi tư vấn bằng văn bản, người tư vấn có nhiều thời gian nghiên cứu kỹ vụ việc nên có phương án trả lời chính xác.

Nhìn chung, khác với việc tư vấn trực tiếp bằng miệng, việc tư vấn bằng văn bản tạo cơ hội cho người tư vấn thâm nhập hồ sơ một cách kỹ càng và chính xác hơn, trên cơ sở đó đưa ra được những hướng dẫn, giải pháp hữu hiệu cho đối tượng. Tuy nhiên, việc tư vấn bằng văn bản yêu cầu người tư vấn phải làm việc cẩn thận hơn, chu đáo hơn. Văn bản mà người tư vấn đưa ra phải có độ chính xác cao, có cơ sở khoa học và đúng pháp luật. Kết quả tư vấn bằng văn bản có thể được đối tượng sử dụng để phục vụ cho mục đích của họ.

Cũng như việc tư vấn bằng miệng, việc tư vấn bằng văn bản phải được thực hiện theo các kỹ năng sau đây:

2.4.2. Nghiên cứu kỹ yêu cầu tư vấn của đối tượng.

Thông thường các yêu cầu bằng văn bản của đối tượng đã rõ ràng, người tư vấn không phải sắp xếp các vấn đề như trong việc tư vấn bằng miệng mà chỉ cần nghiên cứu kỹ các yêu cầu của người được TGPL, trên cơ sở đó để định hướng soạn thảo văn bản hướng dẫn cho người được TGPL. Trường hợp thấy chưa đủ chứng cứ hoặc tài liệu có liên quan đến vụ việc TGPL thì trao đổi với người được TGPL để yêu cầu họ cung cấp thêm thông tin, tài liệu cần thiết hoặc làm rõ những vấn đề mà chưa làm rõ trong đơn yêu cầu TGPL.

2.4.3. Xem xét, xác minh vụ việc.

Trong trường hợp chưa có đủ cơ sở để viết văn bản giải đáp, hướng dẫn đối tượng thì người tư vấn phải tiến hành tìm hiểu, xác minh vụ việc, thu thập chứng cứ và nghe ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để khảng định lời tư vấn của mình là chính xác và đúng pháp luật.

2.4.4. Tra cứu các tài liệu, văn bản pháp luật.

Sau khi thấy có đủ căn cứ pháp lý và có đủ cơ sở để tư vấn, người thực hiện tư vấn phải tra cứu các tài liệu pháp luật có liên quan để phục vụ cho việcosoanj thảo văn bản tư vấn. Trong trường hợp sau khi đã nghiên cứu hồ sơ và các văn bản pháp luật có liên quan, nếu thấy yêu cầu của đối tượng có liên quan đến những vấn đề thuộc lĩnh vực khác thì người tư vấn nên tham khảo ý kiến của nhà chuyên môn hoặc người tư vấn thuộc lĩnh vực đó. Người tư vấn cũng có thể yêu cầu đối tượng gặp để xin tư vấn về những vấn đề mà mình đã phát hiện nhưng không thuộc chuyên môn của mình, tránh tình trạng mặc dù không thuộc chuyên môn của mình nhưng vẫn thực hiện việc tư vấn dẫn đến việc đưa ra những lời khuyên không chính xác hoặc không phù hợp với pháp luật.

2.4.5. Soạn văn bản trả lời cho đối tượng.

Văn bản tư vấn cho đối tượng phải được ghi rõ địa điểm, thời gian; họ, tên, địa chỉ đối tượng nhận văn bản. Văn bản tư vấn cần có cơ cấu như sau:

+ Lý do để người tư vấn trả lời, hướng dẫn đối tượng;

+ Nêu rõ yêu cầu tư vấn của đối tượng: Nội dung tranh chấp hoặc diễn biến vụ việc, yêu cầu hướng dẫn giải quyết vướng mắc v.v.;

+ Đưa ra các căn cứ pháp luật, nội dung quy định của điều luật để trả lời trực tiếp các yêu cầu mà đối tượng nêu ra. Trong trường hợp đối tượng yêu cầu tư vấn về hành vi xử sự, cách giải quyết vụ việc thì cần xác định hành vi hợp pháp hay không hợp pháp;

+ Đưa ra các giải pháp, định hướng, hướng dẫn đối tượng xử sự và thực hiện các hành vi phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của minh.

Văn bản trả lời đối tượng phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, được người tư vấn ký và gửi cho người yêu cầu tư vấn. Một bản lưu hồ sơ vụ việc tư vấn. Văn bản trả lời của người tư vấn là Phiếu thực hiện trợ giúp pháp lý của người tư vấn mà không phải là văn bản trả lời (tư vấn) của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý nên không đóng dấu của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Người tư vấn hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung tư vấn.

2.5. Nguyên tắc thực hiện tư vấn pháp luật trong hoạt động TGPL.

Trong suôt quá trình thực hiện tư vấn pháp luật cho người được TGPL, người thực hiện TGPL ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc chung của hoạt động TGPL được quy định tại Điều 4 Luật Trợ giúp pháp lý, nội dung tư vấn pháp luật phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

2.5.1. Nguyên tắc pháp chế.

Việc tư vấn pháp luật phải được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục mà pháp luật quy định cho đúng đối tượng, phạm vi, lĩnh vực và vụ việc TGPL. Hồ sơ vụ việc tư vấn pháp luật phải đầy đủ các giấy tờ theo quy định. Nội dưng tư vấn pháp luật phải phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội.

2.5.2. Nguyên tắc cụ thể.

Nội dung tư vấn, hướng dẫn, giải đáp phải cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, không chung chung hoặc hiểu nhiều nghĩa khác nhau gây khó khăn cho người được TGPL trong việc lựa chọn cách ứng xử phù hợp.

2.5.3. Nguyên tắc bảo đảm tính khả thi.

Nội dung tư vấn, lời khuyên, hướng dẫn cách ứng xử cho người được trợ giúp pháp lý có tính khả thi, nghĩa là dễ áp dụng và người yêu cầu tư vấn có thể thực hiện được trong từng hoàn cảnh cụ thể của mình.

2.5.4. Nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời.

Việc tư vấn phải được thực hiện kịp thời theo đúng thời hạn được luật TGPL quy định. Trong một số trường hợp vụ việc có liên quan đến thời hiệu được pháp luật quy định thì phải tư vấn nhanh chóng, trước thời hạn theo quy định để bảo đảm thời hiệu giải quyết vụ việc của người được TGPL. Nếu chậm trễ người được TGPL sẽ mất cơ hội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

  1. Quản lý, lưu trữ hồ sơ vụ việc tư vấn pháp luật .

Mỗi khi tiếp nhận một vụ việc mới, ngoài việc vào sổ trợ giúp pháp lý, người tư vấn cần phải lập một hồ sơ riêng biệt. Nên chọn màu sắc cho từng bộ hồ sơ để có thể phân biệt hồ sơ đang làm, hồ sơ đã giải quyết và hồ sơ mới thụ lý. Cần giữ lại các giấy tờ ghi chép các cuộc trao đổi với đối tượng, với các cơ quan có liên quan, với những người khác, các bức thư, bức điện, thư điện tử gửi đi và nhận về.

Thông thường, một hồ sơ vụ việc tư vấn gồm có các loại giấy tờ sau:

– Đơn xin trợ giúp pháp lý do đối tượng ký hoặc điểm chỉ;

– Giấy xác nhận đối tượng thuộc diện được TGPL;

– Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc trợ giúp (nếu có);

– Phiếu thực hiện trợ giúp pháp lý ghi rõ yêu cầu tư vấn và những nội dung đã tư vấn cho đối tượng (tư vấn bằng miệng) hoặc văn bản trả lời cho đối tượng.

Khi vụ việc tư vấn đã thực hiện xong, người tư vấn kiểm tra hồ sơ vụ việc tư vấn, tự đánh giá chất lượng vụ việc tư vấn, nếu đủ thủ tục theo quy định và vụ việc tư vấn có chất lượng thì nộp lại hồ sơ cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hoàn thành vụ việc để tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc và lưu trữ hồ sơ vụ việc theo quy định.

4. Một số vấn đề cần lưu ý khi thực hiện tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý.

4.1. Đặc thù của đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Người được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí là những người có hoàn cảnh khó khăn cả về vật chất và tinh thần. Phần lớn trong số họ gặp khó khăn về nhận thức do trình độ dân trí thấp, ít hiểu biết pháp luật, lại tập trung ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo,… là những nơi có điều kiện sinh hoạt, giao thông, liên lạc khó khăn.

Nhìn chung, các đối tượng thường muốn những điều có lợi cho mình, luôn có tâm lý ăn thua trong kiện cáo. Khi đã bắt đầu việc kiện cáo nhau, hoặc khiếu kiện cơ quan Nhà nước, họ thường tìm mọi cách để giành phần thắng về mình. Khi đến với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, đối tượng thường biểu hiện dưới hai dạng sau đây:

– Dạng thứ nhất là đối tượng mang nặng suy nghĩ chủ quan, có nghĩa là luôn cho rằng mình đúng. Vì vậy, khi đưa ra yêu cầu trợ giúp pháp lý, đối tượng thường tìm mọi cách đưa ra những lý lẽ, bằng chứng có lợi cho mình. Trong trường hợp này có thể đối tượng đúng, những cũng không loại trừ trường hợp họ ngộ nhận, nguỵ biện hoặc cố tình đưa ra những thông tin không chính xác, làm sai lệch hồ sơ vụ việc. Chuyên viên hoặc cộng tác viên trợ giúp pháp lý phải từ tốn giải thích cho đối tượng để họ trình bày một cách mạch lạc, cung cấp cho tổ chức trợ giúp pháp lý các thông tin cần thiết đối với việc cần tư vấn.

– Dạng thứ hai là đối tượng biết mình sai nhưng vẫn cố tình bảo vệ cái sai của mình. Đối tượng trong trường hợp này muốn người tư vấn biến cái sai của mình thành cái đúng để họ được lợi. Đối tượng cũng có thể muốn người tư vấn cung cấp cho họ những điều cần thiết để khai thác được lợi ích từ những cái sai đó. Cũng có thể họ nhờ người tư vấn giúp họ khắc phục những cái sai, nhằm giảm bớt tổn thất hoặc bồi thường mà họ phải gánh chịu do hành vi có lỗi của mình.

Trong những trường hợp này, xét về mặt đạo đức nghề nghiệp, người tư vấn không được giúp đối tượng thực hiện những hành vi trái pháp luật. Người tư vấn cần giúp họ giải toả những vướng mắc về mặt tâm lý, để họ thấy rằng pháp luật chỉ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mọi người, có như thế mới duy trì được sự công bằng của luật pháp. Nếu người tư vấn giúp họ thực hiện được những điều sai trái, để họ được lợi thì điều đó trái với nguyên tắc trợ giúp pháp lý, trái với tư cách, đạo đức nghề nghiệp của người tư vấn. Tuy vậy, trong những trường hợp cụ thể, người tư vấn có thể giúp đối tượng của mình biết vận dụng các quy định của pháp luật để làm giảm bớt trách nhiệm cho họ.

4.2. Quan hệ với đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Đối tượng được trợ giúp pháp lý thường tin tưởng và mong muốn vào người tư vấn nhiều điều, muốn thông qua quá trình tư vấn, họ có thể được giúp đỡ để bảo vệ quyền và lợi ích của họ. Hoạt động trợ giúp pháp lý là hoạt động miễn phí, mang tính nhân đạo sâu sắc. Bởi vậy, trong quá trình tư vấn, Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên trợ giúp pháp lý phải coi đối tượng được trợ giúp là người bạn của mình, phải xây dựng được quan hệ tốt với đối tượng trên cơ sở chân thực, hợp tác, bền vững. Mặt khác, người tư vấn luôn phải tạo ra được sự tin tưởng của đối tượng vào tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, giúp đối tượng hiểu rằng người thực hiện trợ giúp pháp lý luôn có trách nhiệm giúp đỡ họ giải quyết những vướng mắc, bất cập đối với pháp luật.

Trong quá trình tiếp xúc với đối tượng, người tư vấn phải thực sự kiên nhẫn lắng nghe đối tượng trình bày về yêu cầu của họ và không được tỏ ra bi quan hoặc lạc quan thái quá sau khi biết được những thông tin đầu tiên của đối tượng. Nếu có điều gì chưa rõ, người tư vấn có thể đề nghị đối tượng trình bày lại hoặc yêu cầu họ cung cấp thêm tài liệu để nắm được bản chất của vấn đề mà đối tượng yêu cầu tư vấn. Đối với những vấn đề đối tượng yêu cầu tư vấn ngay, người tư vấn phải thận trọng trước khi đưa ra các kết luận, vì một kết luận sai có thể làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của đối tượng và làm giảm uy tín của người tư vấn cũng như tổ chức trợ giúp pháp lý.

Khi đã nhận lời tư vấn cho đối tượng, kể cả trường hợp đã tư vấn xong, người tư vấn vẫn cần thiết phải giữ liên hệ thường xuyên với đối tượng để tạo dựng mối quan hệ thân thiện với đối tượng, tạo niềm tin của đối tượng đối với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người tư vấn.

[1] Từ điển Tiếng Việt  – Hoàng Phê chủ biên – NXB. Văn hoá Thông tin, 1999.

  1. Ivans Banki (Mỹ), “ Từ điển hành chính và quản lý”.Sưu tầm

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *