Theo Công văn số 2788/BTP-PBGDPL ngày 03/8/2015 của Bộ Tư pháp hướng dẫn triển khai tổ chức Ngày Pháp luật năm 2015, thì:
I. CHỦ ĐỀ VÀ KHẨU HIỆU NGÀY PHÁP LUẬT NĂM 2015
1. Chủ đề
“Thực hiện Hiến pháp và pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.
2. Khẩu hiệu
– “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”;
– “Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”;
– “Tuân theo Hiến pháp, pháp luật là nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân”;
– “Chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật là nét đẹp văn hóa, là việc làm thiết thực của mỗi người dân để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”;
– “Cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu chấp hành và bảo vệ Hiến pháp và pháp luật”;
– “Toàn dân tích cực tìm hiểu, học tập và thực hiện Hiến pháp và pháp luật”;
– “Tìm hiểu, học tập và chấp hành pháp luật là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân”;
– Các khẩu hiệu khác phù hợp với chủ đề Ngày Pháp luật, gắn với chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức và tình hình địa phương.
II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC, THỜI GIAN TỔ CHỨC
1. Nội dung
1.1. Tuyên truyền, quán triệt, phổ biến sâu rộng về vị trí, vai trò, nội dung, tinh thần của Hiến pháp và pháp luật, nhất là các quy định mới; chú trọng pháp luật về chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, khu vực biên giới; các quy định liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người dân, người lao động, doanh nghiệp; về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
– Đối với cán bộ, công chức, viên chức: Tập trung quán triệt nội dung, tinh thần và những điểm mới của Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật ngân sách nhà nước, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, công vụ; nội quy, quy chế nội bộ.
– Đối với nhân dân: Tập trung tuyên truyền, phổ biến giới thiệu nội dung, những điểm mới của Luật doanh nghiệp; Luật đầu tư; Luật hộ tịch; Luật căn cước công dân; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật an toàn, vệ sinh lao động; Luật bảo hiểm xã hội và các quy định mới ban hành có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
1.2. Tuyên truyền, phổ biến các điểm mới dự kiến sửa đổi, bổ sung, thay thế trong dự thảo các văn bản dự kiến sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 và năm 2016 như: Bộ luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật tạm giữ, tạm giam; Luật trưng cầu ý dân; Luật biểu tình; Luật báo chí; Luật tiếp cận thông tin; Luật ban hành quyết định hành chính; Luật về hội; Luật quy hoạch và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
1.3. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trọng tâm là Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; các thỏa thuận của Cộng đồng ASEAN về thương mại, dịch vụ, đầu tư, thuế, hải quan, các thỏa thuận về kinh tế với Liên minh kinh tế Á – Âu, Liên minh Châu Âu, đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương…
1.4. Giáo dục ý thức tôn trọng, bảo vệ và chấp hành pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; lồng ghép phổ biến pháp luật với giáo dục truyền thống, quá trình xây dựng, phát triển của đất nước, của Bộ, ngành, địa phương; về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật với các chương trình, cuộc vận động, phong trào, hoạt động kỷ niệm những sự kiện đặc biệt của đất nước, của Bộ, ngành, địa phương trong năm 2015.
1.5. Phản ánh, xây dựng các mô hình triển khai Ngày Pháp luật thiết thực, chất lượng và hiệu quả; đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Lễ công bố Ngày Pháp luật năm 2013, nhất là công tác xây dựng, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiêm chỉnh thi hành pháp luật; đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp và pháp luật gắn với nâng cao ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý.
1.6. Đánh giá kết quả 02 năm triển khai thực hiện Ngày Pháp luật để nhìn nhận đúng kết quả đã đạt được, chỉ ra hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và định hướng tiếp tục triển khai Ngày Pháp luật trong thời gian tới.
2.Hình thức
2.1. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng gắn với tổng kết Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do Bộ, ngành, địa phương phát động.
2.2. Tăng cường thời lượng, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến về Ngày Pháp luật, về nội dung, tinh thần của Hiến pháp, pháp luật trên các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng; phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, nhất là mạng lưới truyền thanh cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này.
2.3. Tổ chức tuyên truyền, cổ động trực quan chủ đề, khẩu hiệu về Ngày Pháp luật năm 2015 qua hệ thống áp phích, pa-nô, băng rôn, cờ, phướn trên các tuyến đường phố chính, khu trung tâm, cơ quan, đơn vị hành chính, trường học, địa điểm công cộng; chú ý lựa chọn khẩu hiệu phù hợp với đối tượng, địa bàn.
2.4. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật trong nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục, đào tạo bằng các hình thức thích hợp như: Giáo dục chính khóa; các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; sinh hoạt dưới cờ; hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp; các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, sinh viên…
2.5. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức pháp luật mới gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; quán triệt, tuyên truyền, phổ biến định hướng về chính sách ngay từ khâu đầu tiên của quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là các quy định mới, dự kiến sửa đổi, bổ sung, thay thế trong năm 2015; tăng cường giao lưu, đối thoại chính sách giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người dân hoặc tổ chức các diễn đàn, hội nghị, tọa đàm góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, gắn với những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; kịp thời nắm bắt phản ứng của dư luận xã hội để có giải pháp định hướng dư luận cho phù hợp.
2.6. Tăng cường tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở; cung cấp tài liệu phổ biến pháp luật bằng các hình thức phù hợp; tổ chức triển lãm tranh, hình ảnh, tài liệu về xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật gắn với tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động để thu hút sự tham gia rộng rãi của nhân dân.
2.7. Xây dựng, phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả; biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt, điển hình trong xây dựng, thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gắn với các phong trào, Đại hội thi đua yêu nước các cấp.
2.8. Kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật với quá trình thực hiện các nhiệm vụ của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; gắn với việc quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ lồng ghép bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, phòng, chống tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật.
3. Thời gian
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2015 tập trung trong thời gian 02 tháng, bắt đầu từ ngày 01/10 đến hết ngày 30/11 năm 2015, trong đó cao điểm trong tuần lễ từ ngày 02/11/2015 đến ngày 9/11/2015.
Rubi