Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008 bên cạnh những quy định mới tiến bộ, khắc phục được những hạn chế trong luật Ban hành văn bản QPPL trước đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành, áp dụng văn bản QPPL thì nó cũng bộc lộ một số hạn chế cần sớm khắc phục để hoàn thiện hệ thống pháp luật, cụ thể:
– Tại Điều 9 quy định về sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật thì văn bản QPPL chỉ được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ thi hành bằng văn bản QPPL của chính cơ quan nhà nước ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, theo Điều 9 thì chỉ có cơ quan có thẩm quyền mới được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ thi hành văn bản QPPL còn cá nhân thì không, mặc dù cá nhân như Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Tổng kiểm toán nhà nước…có quyền ban hành văn bản QPPL. Tuy nhiên, tại điều 90 lại quy định cá nhân Thủ tướng Chính phủ có quyền xem xét, quyết định bãi bỏ hoặc đình chỉ một phần hoặc toàn bộ văn bản QPPL của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, và 91 quy định khi phát hiện văn bản do mình ban hành mà trái pháp luật thì Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tự mình bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản QPPL khác thay thế.
Giữa Điều 9 và Điều 90, 91 quy định thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ văn bản QPPL mâu thuẩn nhau, một điều quy định chỉ cơ quan mới có quyền, các điều khác thì lại cho phép cá nhân có quyền. Trong cùng một văn bản mà 2 điều luật lại quy định hoàn toàn mâu thuẩn nhau thì phải áp dụng văn bản nào?
– Tại điều 83 quy định trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn và trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau. Như vậy, Luật không đề cập đến việc văn bản do một cơ quan ban hành cùng ngày, có hiệu lực cùng lúc lại quy định khác nhau thì áp dụng văn bản nào? Ví dụ như Nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội và Nghị định số 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, hai Nghị định này đều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2010. Mặc dù được Chính phủ ban hành nhưng quy định lại mâu thuẩn nhau. Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 73 thì phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đến 100.000 đồng đối với hành vi say rượu, bia ở công sở, nơi làm việc, trong các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, trên các phương tiện giao thông và những nơi công cộng. Nhưng cũng hành vi trên điểm b khoản 1 Điều 18 Nghị định 75 quy định xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1000.000 đồng.
Vì Luật không quy định nên cơ quan áp dụng rất lúng túng, không biết khi nào thì áp dụng Nghị định 73 khi nào áp dụng Nghị định 75?
Để hệ thống pháp luật hoàn thiện, cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu khắc phục những điểm hạn chế đã nêu ở trên.
Nguyễn Quốc Sử