Rắc rối trong việc trong đăng ký khai sinh, khai tử cho trẻ sơ sinh

         Khai sinh, khai tử là quyền nhân thân đã được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Theo quy định tại Nghị định 158/2005/NĐ- CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thì trẻ em sinh ra trong vòng 60 ngày thì cha, mẹ có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh và người chết trong vòng 15 ngày phải đăng ký khai tử.

Đăng ký khai sinh, khai tử cho trẻ sơ sinh

Nghị định 158 dành riêng 1 Điều 23 để quy định về đăng ký khai sinh, khai tử cho trẻ chết sơ sinh. Theo đó: Trẻ em sinh ra sống được từ 24 giờ trở lên rồi mới chết cũng phải đăng ký khai sinh và đăng ký khai tử. Nếu cha, mẹ không đi khai sinh và khai tử, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch tự xác định nội dung để ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và Sổ đăng ký khai tử. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh và Sổ đăng ký khai tử phải ghi rõ “Trẻ chết sơ sinh”.

          Quy định trên gây ra nhiều cách hiểu khác nhau cho cán bộ tư pháp – hộ tịch cấp xã trong quá trình đăng ký khai sinh, khai tử cho trẻ chết trước 24 giờ sau khi sinh. Một số cán bộ công chức cho rằng chỉ đăng ký khai sinh, khai tử cho trẻ em sinh ra sống được từ 24 giờ trở lên còn những trường hợp sinh ra mà chết trước 24 giờ thì không đăng ký khai sinh, khai tử. Tuy nhiên cũng có một số cán bộ cho rằng hiểu như vậy là không đúng với tinh thần của Nghị định 158, bởi khai sinh, khai tử là quyền nhân thân của mỗi người, do vậy cứ sinh ra là có quyền đăng ký khai sinh và khai tử mà không phân biệt người đó sống được bao nhiêu giờ. Bởi việc đăng ký khai sinh, khai tử chỉ là thủ tục hành chính xác nhận một sự việc là có xảy ra trên thực tế chứ không phải chỉ khi đăng ký khai sinh, khai tử thì cá nhân đó mới được xem là sinh ra hay chết đi.

Cấp lại bản chính giấy khai sinh khi bị mất
Cấp lại bản chính giấy khai sinh khi bị mất

          Quan điểm của người viết bài đồng ý với ý kiến thứ 2, tức là mọi trẻ em sinh ra thì đều có quyền khai sinh, khai tử mà không kể thời gian sống là được bao lâu. Bởi vì, theo quy định tại Điều 29 và 30 Bộ luật dân sự 2005 thì: Cá nhân khi sinh ra có quyền được khai sinh và trẻ sơ sinh nếu chết sau khi sinh thì phải được khai sinh và khai tử; nếu chết trước khi sinh hoặc sinh ra mà chết ngay thì không phải khai sinh và khai tử.

          Như vậy theo quy định của Bộ luật dân sự thì mọi trẻ em sinh và còn sống sau khi sinh thì đều được đăng ký khai sinh, khai tử không phân biệt thời gian sống là bao lâu sau khi sinh. Tuy nhiên, Nghị định 158/2005/NĐ-CP quy định về dăng ký và quản lý hộ tịch lại quy định trẻ sinh ra và sống được từ 24 giờ trở lên mới đăng ký khai sinh, khai tử. Điều này đã gây khó khăn cho cán bộ tư pháp – hộ tịch trong quá trình đăng ký khai sinh, khai tử cho trẻ sơ sinh.

Thiết nghĩ  cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu chỉnh sửa quy định về  đăng ký khai sinh, khai tử cho trẻ sơ sinh cho thống nhất với quy định của Bộ luật dân sự nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ Tư pháp hộ tịch cấp xã trong việc đăng ký khai sinh, khai tử cho công dân.

 Phương Thảo

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *