Một số điểm mới của Thông tư 20/2015/TT-BTP về chứng thực

Ngày 29/12/2015, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 20/2015/TT-BTP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP  về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Theo đó Thông tư đã quy định cụ thể, giải thích rõ ràng nhiều quy định trong Nghị định 23, tạo thuận lợi cho cơ quan thực hiện chứng thực cũng như người dân.

Thứ nhất, Thông tư quy định nhiều trường hợp không cần phải hợp thức hóa lãnh sự

Giấy tờ tùy thân do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp cho cá nhân như: hộ chiếu, thẻ căn cước hoặc các giấy tờ khác như thẻ thường trú, thẻ cư trú, giấy phép lái xe, bằng tốt nghiệp, chứng chỉ và bảng điểm kèm theo bằng tốt nghiệp, chứng chỉ thì không phải hợp pháp hóa lãnh sự khi chứng thực bản sao từ bản chính. Trường hợp yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch trên bản dịch các giấy tờ này thì cũng không phải hợp pháp hóa lãnh sự.

(Xem những điểm mới của Thông tư 01/2020/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 23/2015/NĐ-CP về chứng thực)

Thứ hai, Bản sao, chụp từ bản chính để thực hiện chứng thực phải có đầy đủ các trang đã ghi thông tin của bản chính.

Ví dụ: khi yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính sổ hộ khẩu thì phải chụp đầy đủ trang bìa và các trang của sổ đã ghi thông tin liên quan đến các thành viên có tên trong sổ hộ khẩu.

Chứng thực giấy bán xe
Chứng thực giấy bán xe

Trước đây do không quy định nên nhiều trường hợp người dân pho to hộ khẩu chứng thực chỉ pho to phần cần thiết, còn những phần khác thì không pho to, tuy nhiên do luật không quy định nên cơ quan thực hiện chứng thực không thể từ chối giải quyết. Lần này, thông tư quy định cụ thể, hết sức thuận lợi.

Thứ ba, Khi chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài

Nếu người thực hiện chứng thực không hiểu rõ nội dung của giấy tờ, văn bản thì có quyền yêu cầu người yêu cầu chứng thực nộp kèm theo bản dịch ra tiếng Việt nội dung của giấy tờ, văn bản đó. Bản dịch giấy tờ, văn bản không phải công chứng hoặc chứng thực chữ ký người dịch; người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về nội dung của bản dịch.

Chứng thực sơ yếu lý lịch ở đâu
Chứng thực chữ ký trong giấy tờ văn bản

Trước đây Nghị định 79 không quy định vấn đề này nên nhiều khi người thực hiện chứng thực chứng chữ ký mà không biết mình chứng cái gì, vì không hiểu được ngôn ngữ trong văn bản ký.

Thứ 4, Thông tư quy định rõ Tiêu chuẩn, điều kiện người dịch và ngôn ngữ phổ biến

 Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, người dịch phải có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với chuyên ngành khác được học bằng thứ tiếng nước ngoài cần dịch. Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A tốt nghiệp thạc sỹ luật quốc tế tại Trung Quốc, chương trình học bằng tiếng Trung thì ông A đủ tiêu chuẩn để được dịch tiếng Trung Quốc; ông Nguyễn Văn B tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại Nhật Bản nhưng chương trình học bằng tiếng Anh thì ông B chỉ đủ tiêu chuẩn để dịch tiếng Anh (không được dịch tiếng Nhật Bản).

Ngôn ngữ phổ biến được hiểu là ngôn ngữ được thể hiện trên nhiều giấy tờ, văn bản được sử dụng tại Việt Nam và nhiều người Việt Nam có thể dịch ngôn ngữ này ra tiếng Việt hoặc ngược lại. Ví dụ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc, tiếng Tây Ban Nha. Những ngôn ngữ không phổ biến là loại ngôn ngữ ít được thể hiện trên giấy tờ, văn bản sử dụng tại Việt Nam và có ít người có thể dịch được ngôn ngữ này ra tiếng Việt hoặc ngược lại. Ví dụ: tiếng Ả Rập, tiếng Ấn Độ, tiếng Mông Cổ…

Ru bi

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *