7 hạn chế, bất cập lớn của Luật Công chứng năm 2014

Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau hơn 07 năm triển khai thực hiện, Luật Công chứng đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả cụ thể, tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; phát triển đội ngũ công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng và tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh một số vấn đề mới chưa được Luật Công chứng điều chỉnh; một số quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập so với thực tiễn như sau:

Thứ nhất, số lượng công chứng viên tăng nhanh (số lượng Công chứng viên tăng khoảng gần 2,7 lần, số lượng Tổ chức hành nghề công chức tăng hơn 2 lần so với thời điểm Luật Công chứng năm 2014 bắt đầu có hiệu lực thi hành: Thời điểm thực hiện Luật Công chứng năm 2006, cả nước có 1.180 CCV, 625 TCHNCC. Sau hơn 08 năm thực hiện Luật Công chứng năm 2014, cả nước có 3.220 CCV, 1.298 TCHNCC.) nhưng chất lượng đội ngũ công chứng viên và người được giao làm nhiệm vụ công chứng ở một số nơi chưa đồng đều, năng lực hoạt động có mặt còn hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao, thiếu sự ổn định, bền vững; còn có công chứng viên vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề, không tuân thủ đúng thủ tục, quy trình nghiệp vụ công chứng theo quy định gây ảnh hưởng đến uy tín hoạt động hành nghề công chứng trong xã hội. Việc phát triển đội ngũ công chứng còn thiếu tính quy hoạch. Việc hợp danh của các công chứng viên còn mang tính hình thức, chủ yếu là “thuê hợp danh”. Tình trạng xin rút hợp danh, gia nhập Văn phòng công chứng của công chứng viên còn dễ dãi, chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát, thực tế đã phát sinh một số tranh chấp giữa các thành viên hợp danh.

Biên bản họp gia đình - chứng thực chữ ký hay chứng thực hợp đồng?
7 hạn chế, bất cập lớn của Luật Công chứng năm 2014

Bên cạnh đó, tỷ lệ viên chức lãnh sự, ngoại giao được giao thực hiện việc công chứng có trình độ cử nhân luật, được đào tạo, bồi dưỡng nghề công chứng còn thấp

Ngoài ra, chất lượng hoạt động hành nghề công chứng chưa cao, còn có những sai sót, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh[1], chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến uy tín của nghề công chứng trong xã hội.

Thứ hai, việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng còn chưa nhất quán, có phần lúng túng, nhất là sau khi bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng, không đồng đều, chưa gắn với địa bàn dân cư, hầu hết tập trung tại những địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển. Sau khi bỏ quy hoạch xuất hiện xu hướng Các văn phòng công chứng chuyển về đô thị hoặc trung tâm của huyện, thị dẫn đến tình trạng một số địa phương tại một số địa bàn cấp huyện không có Văn phòng công chứng nào hoạt động. Các Văn phòng công chứng dù hoạt động theo loại hình công ty hợp danh nhưng trên thực tế có không ít Văn phòng công chứng chỉ có 01 công chứng viên hành nghề thực tế, công chứng viên hợp danh còn lại thực chất là “đi thuê”; tổ chức của một số Văn phòng công chứng còn thiếu tính ổn định, bền vững.

Thứ ba, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng tuy đã được thực hiện nhưng mới chỉ là bước đầu, chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch trong công chứng cũng như sự tinh vi trong các hành vi lừa đảo, lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp;

Việc chuyển đổi số, ứng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng còn chưa tương xứng với sự phát triển của nghề công chứng, chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về công chứng.

Thứ tư, việc đồng thời tồn tại hoạt động công chứng, chứng thực đối với các giao dịch, hợp đồng vốn quy định còn khác nhau về điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện công chứng, chứng thực có nguy cơ tạo rủi ro cho việc đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch, hợp đồng được chứng thực

Hoạt động chứng thực hợp đồng, giao dịch về bản chất chính là hoạt động công chứng. Văn bản chứng thực hợp đồng, giao dịch có giá trị như văn bản công chứng, tuy nhiên trình tự, thủ tục chứng thực lại đơn giản hơn nhiều so với công chứng, người thực hiện chứng thực có các tiêu chuẩn, điều kiện, trách nhiệm thấp hơn hẳn so với CCV… Tình trạng này tạo ra sự bất hợp lý khi duy trì hai loại hình hoạt động có cùng bản chất, giá trị nhưng lại có hai tên gọi khác nhau, do các chủ thể khác nhau thực hiện theo các trình tự khác nhau.

Thứ năm, phạm vi các giao dịch công chứng bắt buộc còn chưa thật rõ; thời điểm có hiệu lực của giao dịch, hợp đồng phải công chứng còn quy định chưa thống nhất giữa các Luật

Theo quy định của Luật Công chứng thì công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Theo quy định của Luật Đất đai và Luật Nhà ở thì các giao dịch có tính chuyển dịch quyền sử dụng đất và chuyển dịch quyền sở hữu nhà ở (mua bán, tặng cho, chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho, góp vốn) thuộc nhóm giao dịch bắt buộc phải công chứng để bảo đảm an toàn pháp lý và quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên, đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản thì việc công chứng thực hiện theo yêu cầu của các bên (điểm b khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai). Đối với nhà ở, Luật Nhà ở quy định các giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản thì thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, mà theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản thì chỉ bắt buộc công chứng đối với hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân mà việc kinh doanh có quy mô nhỏ, không thường xuyên (Điều 17 Luật Kinh doanh bất động sản). Như vậy, nếu mua bán nhà từ chủ đầu tư (hoặc các công ty kinh doanh bất động sản) sang người dân thì không bắt buộc phải công chứng. Thực tế cho thấy tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà thời gian qua xảy ra rất nhiều và thiệt hại lớn cho người dân. Trong thời gian qua đã có nhiều chủ đầu tư bán nhà hoặc huy động vốn khi chưa đủ các điều kiện để bán theo quy định của pháp luật, thậm chí một tòa nhà được thế chấp nhiều lần[1] vẫn có thể được bán cho hàng trăm người dân mà không có cơ chế để kiểm soát hữu hiệu, vì Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản không bắt buộc công chứng trong trường hợp một bên là tổ chức kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, thời điểm có hiệu lực của việc chuyển quyền việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và thời điểm có hiệu lực của văn bản công chứng chưa thống nhất. Theo đó, Luật Đất đai năm 2013 quy định việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính (khoản 3 Điều 188) trong khi Luật Công chứng năm 2014 quy định văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng (Điều 5) dẫn đến lẫn lộn, gây cách hiểu khác nhau trong tổ chức thực hiện.

Thứ sáu, công tác quản lý nhà nước về công chứng tại một số địa phương còn bất cập, trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương chưa rõ nét; chưa có những giải pháp mang tính chiến lược nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Thứ bảy, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên chưa phát huy đầy đủ vai trò tự quản nghề nghiệp; hoạt động của Hiệp hội và các Hội công chứng viên chưa phong phú, đa dạng; có không ít Hội công chứng viên hầu như chỉ thực hiện thủ tục gia nhập và rút khỏi Hội mà chưa triển khai được các nhiệm vụ, quyền hạn khác của Hội đối với quá trình hành nghề của hội viên, đặc biệt là nhiệm vụ đại diện, bảo vệ hội viên, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ hoặc chủ động phát hiện sớm các hành vi vi phạm, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc quản lý hội viên…

Thứ tám, Luật Công chứng hiện hành còn thiếu các quy định thể hiện rõ  mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung (xác định tính hợp pháp, tính xác thực của hợp đồng, giao dịch). Việc xác định bản dịch thuộc phạm vi công chứng còn chưa đúng bản chất công chứng vì thực chất đây là việc thuộc phạm vi chứng thực – chứng thực chữ ký người dịch. Do đó, quy định về công chứng bản dịch chưa thực sự phát huy tác dụng trong thực tiễn.

Trích Báo cáo tổng kết Luật Công chức của Bộ Tư pháp năm 2022

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *