Tổng hợp các văn bản được ban hành từ ngày 07/8 đến 13/8/2017

  1. Từ ngày 25/9/2017, Văn phòng HĐND-UBND cấp huyện thực hiện chức năng kiểm soát thủ tục hành chính

Ngày 07/8/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2017/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/9/2017, theo đó: Bỏ chức năng kiểm soát thủ tục hành chính của Phòng Tư pháp được quy định tại Khoản 2 ĐIều 7 Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Và nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính được chuyển giao cho Văn phòng Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dâp cấp huyện. Cụ thể sửa đổi khoản 7 Điều 10 Nghị định 37/2014/NĐ-CP như sau:

Hướng dẫn thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính
Hướng dẫn thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính

Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân

Tham mưu tổng hợp cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân về: Hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân về chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân; kiểm soát thủ tục hành chính; cung cấp thông tin phục vụ quản lý và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan nhà nước ở địa phương; bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện; hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, tổ chức trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện, chuyển hồ sơ đến các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết và nhận kết quả để trả cho cá nhân, tổ chức.

  1. Chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài

          Ngày 07/08/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2017/NĐ-CP về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn Nhà nước.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định này là quy định về việc bảo đảm an toàn vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác có liên quan. Trường hợp không đạt hoặc không có khả năng đạt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, trong tối đa 01 tháng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các giải pháp khắc phục, gồm: Chuyển nhượng vốn đầu tư ra bên ngoài; Tăng vốn điều lệ, vốn được cấp và các giải pháp khác.

Đồng thời, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải mua bảo hiểm tài sản đối với các tài sản pháp luật quy định phải mua bảo hiểm; Tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi và công khai việc tham gia đó tại trụ sở, chi nhánh; Xử lý giá trị tài sản tổn thất theo đúng quy định; Hạch toán vào chi phí hoạt động kinh doanh khoản dự phòng rủi ro theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng…

  1. Tăng cường tiết kiệm điện

Ngày 07/8/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 7/8/2017  về việc tăng cường tiết kiệm điện.

Theo đó các hộ dùng điện sinh hoạt và cơ sở kinh doanh dịch vụ được khuyến khích sử dụng các loại thiết bị điện có hiệu suất cao và được dán nhãn năng lượng; khuyến khích thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện như: Chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết, cài đặt chế độ làm mát từ 25oC trở lên hoặc đặt chế độ chênh lệch nhiệt độ trong phòng và nhiệt độ bên ngoài chỉ từ 3 – 5oC; dùng quạt thay thế điều hòa nhiệt độ khi thời tiết không quá nóng; Tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện; Hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn (điều hòa nhiệt độ, bình nước nóng, bàn là điện…) trong thời gian cao điểm tối.

Mức giá bán lẻ điện năm 2019
Tăng cường tiết kiệm điện năng

Với các doanh nghiệp sản xuất, cần xây dựng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn như máy nghiền, trạm bơm nước, máy nén khí… vào giờ cao điểm; Tăng cường sử dụng các thiết bị được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao; khuyến khích sử dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo như: năng lượng gió, mặt trời, biomass…; Tiết kiệm ít nhất 1% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm so với năm trước.

Các cơ quan, công sở cần phổ biến, quán triệt tới toàn thể cán bộ nhân viên phải thực hiện tiết kiệm điện, đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hàng năm.

4. Nhà nước độc quyền thương mại với 20 loại hàng hóa, dịch vụ

Ngày 10/8/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 94/2017/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại, có hiệu lực từ 01/10/2017, theo đó Danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại được ban hành kèm theo Nghị định bao gồm:

  1. Hàng hóa, dịch vụ, phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh (do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện cụ thể).
  2. Vật liệu nổ công nghiệp
  3. Vàng miếng (sản xuất)
  4. Vàng nguyên miếng (xuất khẩu và nhập khẩu để sản xuất vàng miếng)
  5. Xổ số kiến thiết (phát hành)
  6. Thuốc lá điếu, xì gà (nhập khẩu, trừ trường hợp nhập khẩu để kinh doanh bán hàng miễn thuế).
  7. Hoạt động dự trữ quốc gia
  8. Tiền (in, đúc)
  9. Tem bưu chính Việt Nam (phát hành)
  10. Pháo hoa và các dịch vụ liên quan
  11. Hệ thống điện quốc gia (truyền tải, điều độ); Thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế xã hội
  12. Dịch vụ công ích bảo đảm an toàn hàng hải
  13. Dịch vụ công ích thông tin duyên hải
  14. Bảo đảm hoạt động bay (dịch vụ không lưu; dịch vụ thông báo tin tức hàng không; dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn)
  15. Hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư.
  16. Hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển.
  17. Dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng
  18. Xuất bản phẩm (không bao gồm hoạt động in và phát hành)
  19. Mạng bưu chính công cộng
  20. Dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí (cung ứng).

5. Hướng dẫn thực hiện phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo

Ngày 10 tháng 8 năm 2017, Bộ Lao động thương binh và xã hội ban hành Thông tư số 22/2017/TT-BLĐTBXH​ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 25/9/2017.

​          Theo đó Thông tư này áp dụng với các đối tượng quy định tại Điều 1 Nghị định số 113/2015/NĐ-CP bao gồm: Nhà giáo dạy tích hợp; nhà giáo dạy thực hành có một trong các danh hiệu, chứng chỉ, chứng nhận sau trở lên: nghệ nhân ưu tú, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 4, chứng nhận bậc thợ 5/6, 6/7 do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật. Nhà giáo chuyên trách, nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật. Nhà giáo dạy thực hành, tích hợp ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Các đối tượng trên thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm nhiệm vụ giảng dạy trong trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập.

Tiền phụ cấp đặc thù = Hệ số lương theo ngạch, hạng, bậc + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng x Mức lương cơ sở/ (Định múc giờ giảng của nhà giáo trong một năm/12 tháng) x Số giờ dạy tích hợp, dạy thực hành thực tế trong tháng x 10%.

Tiền phụ cấp trách nhiệm công việc giờ dạy người khuyết tật hằng tháng = Mức phụ cấp trách nhiệm công việc được hưởng x Mức lương cơ sở.

Tiền phụ cấp trách nhiệm công việc đối với nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật hằng tháng = (Mức phụ cấp trách nhiệm công việc được hưởng x Mức lương cơ sở) / (Định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm/12 tháng) x Số giờ dạy người khuyết tật thực tế trong tháng.

Tiền phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật hàng tháng = Hệ số lương theo ngạch, hạng, bậc + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng x Mức lương cơ sở x Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng.

Tiền phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hằng tháng = (Mức phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng x Mức lương cơ sở) / (Định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm/12 tháng) x Số giờ dạy thực hành, tích hợp ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thực tế trong tháng.

 

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *