Trangtinphapluat.com giới thiệu tới bạn đọc một số văn bản quan trọng có hiệu lực trong tháng 12 năm 2017
Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài không dùng tiền mặt để thanh toán
Đây là một trong các nội dung của Nghị định số 117/2017/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại được Chính phủ ban hành ngày 19/10/2017. Cụ thể:
Thủ trưởng Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm xem xét, quyết định lựa chọn ngân hàng có uy tín hàng đầu ở nước sở tại để mở tài khoản của Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phục vụ hoạt động, đảm bảo an toàn kinh phí, tiền gửi của Cơ quan. Khi trả tiền cho bên thụ hưởng, Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải sử dụng các phương tiện thanh toán và gửi chứng từ chi về Việt Nam để kiểm soát, không dùng tiền mặt để chi trả trừ các trường hợp sau: Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài tại nước có hệ thống tài khoản thanh toán chưa phát triển, đơn vị cung cấp dịch vụ không mở tài khoản ngân hàng; Các khoản chi được phép chi trả bằng tiền mặt theo quy định của Bộ Tài chính.
Quy định mới yêu cầu dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm phải thể hiện đầy đủ theo từng khoản thu, chi bao gồm cả chi từ các khoản thu được để lại chi theo chế độ; thuyết minh cơ sở, căn cứ tính toán từng khoản thu, chi. Về phân bổ và giao dự toán ngân sách Nhà nước đối với các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, sau khi được giao dự toán ngân sách, các bộ, cơ quan trung ương phân bổ và giao dự toán ngân sách Nhà nước cho các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc bằng đô la Mỹ quy đổi ra đồng Việt Nam.
Nghị định này có hiệu lực từ 10/12/2017; bãi bỏ Nghị định số 107/2011/NĐ-CP ngày 24/11/2011.
- Vi phạm trong sản xuất mũ bảo hiểm, phạt đến 40 triệu đồng
Từ ngày 15/12/2017, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ được áp dụng theo quy định của Nghị định số 119/2017/NĐ-CP; thay thế cho Nghị định số 80/2013/NĐ-CP.
Một trong những nội dung mới, đáng chú ý của Nghị định này là quy định về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong sản xuất mũ bảo hiểm. Cụ thể, phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sản xuất mũ bảo hiểm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm; Sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện sản sản xuất mũ bảo hiểm đã hết hiệu lực.
Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định cụ thể về mức phạt đối với các vi phạm trong sản xuất, pha chế khí, pha chế xăng dầu. Theo đó, phạt tiền từ 40 – 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sản xuất, pha chế khi, xăng dầu khi chưa được cấp giấy chứng nhận; Sử dụng giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế khí, xăng dầu đã hết hiệu lực.
Trong cả hai trường hợp vi phạm trong sản xuất mũ bảo hiểm và trong sản xuất, pha chế khí, xăng dầu nêu trên, đối tượng vi phạm sẽ bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp; Buộc thu hồi giấy chứng nhận.
Cũng theo Nghị định, hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa sẽ bị phạt tiền với mức tối thiểu là 500.000 đồng và tối đa là 30 triệu đồng, tùy vào giá trị của hàng hóa.
Nghị định này được Chính phủ ban hành ngày 01/11/2017; có hiệu lực từ ngày 15/12/2017.
- Chế độ lương với người làm công tác cơ yếu
Ngày 10/10/2017, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách Nhà nước.
Thông tư chỉ rõ, bảng lương cấp hàm cơ yếu được quy định thành 10 bậc, từ bậc 1 đến bậc 10 tương ứng với hệ số lương từ 4,2 đến 9,2 (cấp bậc quân hàm từ Thiếu úy đến Trung tướng).
Đối với các chức danh thuộc diện xếp lương cấp hàm cơ yếu, bậc lương cấp hàm cơ yếu cao nhất được quy định như sau: Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, bậc lương cao nhất là 10, hệ số lương 9,20; Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục trưởng Cục Quản lý kỹ thuật nghiệp vụ mật mã, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã có bậc lương cao nhất là 9, hệ số lương là 8,60; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng cơ yếu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương có bậc lương cao nhất là 6, hệ số lương 6,60…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.
- Người Việt chơi casino phải có giấy tờ chứng minh thu nhập
Đây là một trong những nội dung được Bộ Tài chính quy định tại Thông tư số 102/2017/TT-BTC hướng dẫn một số điều quy định tại Nghị định số 03/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017 của Chính phủ về kinh doanh casino.
Cụ thể, để được tham gia chơi tại Điểm kinh doanh casino, người Việt Nam phải có hồ sơ chứng minh đủ năng lực tài chính. Hồ sơ này gồm một trong các loại giấy tờ: Chứng từ chứng minh có thu nhập chịu thuế từ bậc 3 trở lên theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân trong vòng 01 năm trước khi vào chơi casino; Giấy tờ chứng minh người chơi có thu nhập thường xuyên từ 10 triệu đồng/tháng trở lên (Bản sao có chứng thực xác nhận thu nhập hàng tháng, bảng lương hàng tháng trong 03 tháng gần nhất; Bản sao có chứng thực hợp đồng cho thuê nhà, cho thuê tài sản; Bản sao có chứng thực sổ tiết kiệm ngân hàng, sao kê tiền gửi ngân hàng có thời hạn từ 01 năm trở lên…).
Người chơi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các tài liệu nêu trên khi xuất trình cho doanh nghiệp kinh doanh casino để vào chơi casino. Doanh nghiệp phải lưu giữ các hồ sơ này trong tối thiểu 05 năm, kể từ ngày cho phép người Việt Nam vào chơi casino để phục vụ công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý Nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.
- Quy trình kiểm định kỹ thuật đối với hệ thống cốp pha trượt
Bộ Xây dựng đã ban hành Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đối với hệ thống cốp pha trượt; cần phân phối bê tông độc lập; máy khoan, máy ép cọc, đóng cọc sử dụng trong thi công xây dựng công trình tại Thông tư số 11/2017/TT-BXD ngày 16/10/2017.
Quy trình này áp dụng để kiểm định kỹ thuật an toàn sau lắp đặt tại hiện trường, kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ và kiểm định kỹ thuật an toàn bất thường đối với hệ thống cốp pha trượt sử dụng trong thi công xây dựng công trình bê tông cốt thép toàn khối xây dựng bằng cốp pha trượt. Kiểm định kỹ thuật an toàn đối với hệ thống cốp pha trượt phải đánh giá được tình trạng làm việc của giá nâng, sàn công tác, giàn giáo treo, thiết bị vận chuyển theo phương đứng, phương ngang, hệ thống điện động lực và điện điều khiển, thiết bị cảnh báo, hệ thống thủy lực, hệ thống chống sét và tình trạng vận hành của toàn bộ hệ thống.
Khi thiết bị có kết quả kiểm định đạt yêu cầu kỹ thuật an toàn, tổ chức kiểm định cấp Giấy chứng nhận kết quả kiểm định cho hệ thống cốp pha trượt, bao gồm cả thiết bị vận chuyển theo phương thẳng đứng. Thời hạn kiểm định sau lắp đặt cho hệ thống cốp pha trượt có giá trị không quá 01 năm. Trường hợp nhà sản xuất hoặc cơ sở sử dụng có yêu cầu về thời hạn kiểm định ngắn hơn thì thực hiện theo đề nghị của nhà sản xuất hoặc cơ sở sử dụng; khi rút ngắn thời hạn kiểm định, kiểm định viên phải ghi rõ trong biên bản.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.
- Quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến cơ sở
Ngày 18/10/2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 39/2017/TT-BYT quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở, gồm: Gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả và Gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe.
Cụ thể, Gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả áp dụng đối với trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám bác sĩ gia đình độc lập, trạm y tế quân dân y và phòng khám quân dân y; gồm 76 dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có: Khám bệnh; Tiêm; Băng bó vết thương; Thở oxy… và 241 loại thuốc, trong đó có: Thuốc thuộc nhóm thuốc gây mê, tê và oxy dược dụng; Thuốc giảm đau, chăm sóc giảm nhẹ, thuốc điều trị gút…
Gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao áp dụng tại trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các trạm y tế xã, phường, thị trấn để chăm sóc sức khỏe, dự phòng và nâng cao sức khỏe. Gói này gồm 17 nhóm dịch vụ chủ yếu, trong đó có: Các dịch vụ về tiêm chủng; Các dịch vụ khám, quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe; Các dịch vụ y tế học đường…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính
Quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tại Thông tư số 46/2017/TT-BTNMT ngày 23/10/2017.
Cơ sở dữ liệu địa giới hành chính là tập hợp có cấu trúc của dữ liệu địa giới hành chính (dữ liệu về vị trí, hình thể và thông tin, thuộc tính của các đối tượng địa giới hành chính. Cơ sở dữ liệu địa giới hành chính được xây dựng từ hồ sơ địa giới hành chính các cấp đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, được phép đưa vào lưu trữ và sử dụng.
Việc cập nhật cơ sở dữ liệu địa giới hành chính chỉ được thực hiện khi có những thay đổi về địa giới hành chính do thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể đơn vị hành chính. Việc cập nhật này phải được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ khi nhận được bộ hồ sơ địa giới hành chính điều chỉnh đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, được phép đưa vào lưu trữ và sử dụng.
Ban hành kèm theo Thông tư là các Phụ lục quy định cụ thể quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu địa giới hành chính, các chỉ tiêu kỹ thuật về cơ sở dữ liệu (bao gồm mô hình cấu trúc, nội dung cơ sở dữ liệu và đánh giá chất lượng cơ sở dữ liệu) và siêu dữ liệu địa giới hành chính.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.
- Không dùng gầm cầu làm nơi ở, kinh doanh
Để sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/09/2015 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, ngày 09/10/2017, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT.
Theo đó, sẽ không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Đối với các vị trí gầm cầu đường bộ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời trước ngày 01/12/2017, khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu và bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ. Trường hợp không thực hiện hoàn trả sẽ bị cưỡng chế giải tỏa theo quy định.
Về phạm vi bảo vệ trên không của công trình đường bộ (theo phương thẳng đứng), Thông tư này quy định như sau: Đối với đường, tối thiểu là 4,75m tính từ điểm cao nhất của mặt đường trở lên; Đối với cầu là phạm vi giới hạn từ bộ phận kết cấu cao nhất của cầu nhưng không thấp hơn 4,75m tính từ điểm cao nhất của mặt cầu trở lên…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.
- Chỉ bị tước GPLX đối với loại xe đã điều khiển khi vi phạm
Đây là thông tin được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra tại Thông tư số 37/2017/TT-BGTVT ngày 09/10/2017, về việc quy định mẫu biên bản, mẫu quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Thông tư quy định rõ, trường hợp người vi phạm hành chính có Giấy phép lái xe (GPLX) tích hợp của Giấy phép lái xe có thời hạn và Giấy phép lái xe không thời hạn, bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng GPLX, người có thẩm quyền quyết định xử phạt phải ghi rõ trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính các hạng xe được phép điều khiển theo GPLX và áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc Giấy phép lái xe không thời hạn đối với loại xe đã sử dụng khi thực hiện hành vi vi phạm (xe ô tô hoặc máy kéo hoặc xe mô tô). Người vi phạm hành chính được quyền điều khiển những loại xe còn lại được ghi trong GPLX.
Ngoài ra, Bộ đã ban hành kèm theo Thông tư này 20 mẫu quyết định và 10 mẫu biên bản mới được sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2017; thay thế Thông tư số 05/2014/TT-BGTVT ngày 31/03/2014; bãi bỏ một phần Thông tư số 02/2014/TT-BGTVT ngày 25/02/2014.
- Tổ chức hoạt động văn hóa của học sinh, sinh viên
Nhằm tạo điều kiện để học sinh, sinh viên giao lưu, học hỏi, tiếp thu giá trị văn hóa các vùng, miền và tinh hoa văn hóa nhân loại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định về việc tổ chức hoạt động văn hóa của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục tại Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT ngày 18/10/2017.
Theo đó, các hoạt động văn hóa phải được tổ chức, thực hiện thường xuyên; đảm bảo việc tham gia các hoạt động văn hóa phù hợp nhu cầu của học sinh, sinh viên trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, với nội dung phê phán những biểu hiện lệch lạc, đua đòi, ham chơi, thích hưởng thụ…
Hoạt động văn hóa được tổ chức bằng các hình thức cơ bản như: Phát triển văn hóa đọc; tổ chức hoạt động tại thư viện nhà trường; Tổ chức các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật, sáng tạo thẩm mỹ; Tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, triển lãm, chiếu phim định kỳ; Tổ chức các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, nhân đạo, tình nguyện vì cộng đồng, bảo vệ môi trường và các hoạt động khác.
Các cơ sở giáo dục có hình thức khen thưởng kịp thời đối với tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tham gia tổ chức hoạt động văn hóa. Những cá nhân có thành tích xuất sắc trong hội diễn, liên hoan văn nghệ các cấp được khen thưởng, được hưởng chế độ ưu tiên theo quy định hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 04/12/2017.
- Tên các thành viên hộ gia đình được ghi vào sổ đỏ
Ngày 29/09/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Cụ thể:
Thông tư yêu cầu việc thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 01 của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) như sau: Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.
Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).
Ngoài ra, Thông tư bổ sung các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động, như: Chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất sử dụng để xây dựng nhà kính phục vụ mục đích trồng trọt; Chuyển đất thương mại, dịch vụ sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/12/2017.
- Vận hành mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Nhà nước
Ngày 20/10/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 27/2017/TT-BTTTT quy định về quản lý, vận hành, kết nối, sử dụng và bảo đảm an toàn thông tin trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước là hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia, được sử dụng riêng trong hoạt động truyền số liệu và ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước (sau đây viết tắt là mạng TSLCD) do Cục Bưu điện Trung ương là chủ mạng, quản lý, điều hành hoạt động của Mạng.
Mạng TSLCD cung cấp các dịch vụ cơ bản, dịch vụ giá trị gia tăng và các dịch vụ cộng thêm như: Dịch vụ mạng riêng ảo; Dịch vụ hội nghị truyền hình; Dịch vụ thư thoại, Dịch vụ thư điện tử, Các dịch vụ cộng thêm của thoại IP…
Để đảm bảo an toàn thông tin trên mạng TSLCD, phải có phương án lưu trữ và quản lý nhật ký hệ thống phục vụ việc theo dõi, giám sát hoạt động bình thường, các hoạt động liên quan đến an toàn thông tin của hệ thống; Phải có phương án phòng, chống xâm nhập, phần mềm độc hại, nhằm giám sát phát hiện sớm, xử lý và ngăn chặn những cuộc tấn công mạng, những sự kiện bất thường xảy ra trên hệ thống qua môi trường mạng. Đồng thời phải có phương án bảo vệ các thiết bị mạng, thiết bị an toàn thông tin trong hệ thống, nhằm giám sát và ngăn cản truy nhập, thay đổi trái phép cấu hình và hoạt động của thiết bị…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/12/2017; thay thế Thông tư số 23/2011/TT-BTTTT ngày 11/08/2011.
- Giảm phí công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá
Ngày 20/10/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 111/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 257/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động Văn phòng công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên.
Thông tư này đã điều chỉnh mức thu phí đối với việc công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (tính trên giá trị tài sản bán được) như sau: Với giá trị tài sản dưới 05 tỷ đồng, mức thu phí là 90.000 đồng/trường hợp; Từ 05 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng, mức thu phí là 270.000 đồng/trường hợp; Trên 20 tỷ đồng, mức thu phí là 450.000 đồng/trường hợp. Trong khi trước đây, mức thu phí đối với các trường hợp nêu trên tương ứng là 100.000 đồng/trường hợp; 300.000 đồng/trường hợp và 500.000 đồng/trường hợp.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 11/12/2017.
- Giảm loạt phí kiểm định phương tiện phòng, chữa cháy
Ngày 20/10/2017, Bộ Tài chính đã ra Thông tư 112/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 227/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy.
Tại Thông tư này, Bộ Tài chính đã quyết định giảm loạt phí kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Cụ thể, phí kiểm định chất bột, chất tạo bọt chữa cháy là 300.000 đồng/kg; dung dịch gốc nước chữa cháy là 300.000 đồng/lít; trước đây, mức phí kiểm định đối với các chất chữa cháy này là 400.000 đồng.
Phí kiểm định sơn chống cháy được quy định là 400.000 đồng/kg; cửa chống cháy là 500.000 đồng/bộ; vật liệu chống cháy là 400.000 đồng/m2; van chặn lửa và các thiết bị ngăn lửa là 300.000 đồng/cái; trong khi trước đây, phí kiểm định đối với các vật liệu và chất chống cháy này lần lượt là 800.000 đồng/kg; 700.000 đồng/bộ; 700.000 đồng/m2; 400.000 đồng/cái.
Với trang phục, thiết bị bảo hộ cá nhân, phí kiểm định là 300.000 đồng/bộ quần áo chữa cháy; 150.000 đồng/cái mũ, ủng, găng tay chữa cháy; 400.000 đồng/bộ mặt nạ phòng độc. Với phương tiện cứu người, phí kiểm định là 400.000 đồng/bộ. So với quy định trước đây, các mức phí này đều giảm từ 50.000 đồng – 200.000 đồng.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 11/12/2017
- Chưa xét khen thưởng cho công chức có đơn thư khiếu nại, tố cáo
Đây là nội dung của Thông tư số 08/2017/TT-BNV do Bộ Nội vụ ban hành ngày 27/10/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/07/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.
Cụ thể, Thông tư quy định chưa khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng tập thể, cá nhân đang trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc đang điều tra, thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh làm rõ. Không cộng dồn thành tích đã khen thưởng của lần trước để đề nghị nâng mức khen thưởng lần sau. Chỉ lấy kết quả khen thưởng về thành tích toàn diện để làm căn cứ xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.
Đồng thời, không tặng nhiều hình thức khen thưởng cho một thành tích đạt được. Tập thể, cá nhân đủ tiêu chuẩn tặng hình thức mức hạng nào thì xét, đề nghị cấp có thẩm quyền tặng thưởng hình thức đó. Không đề nghị tặng 02 loại Huân chương hoặc tặng Huân chương và Bằng khen của Thủ tướng cho cùng 01 thành tích.
Đồng thời, trong 01 năm không đề nghị cấp trên xét, tặng 02 hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cho một tập thể hoặc một cá nhân (trừ thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất; khen thưởng quá trình cống hiến; khen thưởng theo niên hạn).
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/12/2017.
- Trả lời kiến nghị về quy định hành chính trong 20 ngày
Đây là một trong những nội dung được Văn phòng Chính phủ hướng dẫn tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính.
Theo đó, thời hạn xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về quy định hành chính là 20 ngày, kể từ ngày nhận được phản ánh, kiến nghị. Trường hợp hết thời hạn này mà chưa xử lý xong, định kỳ cứ sau 07 ngày các bộ, ngành, địa phương cập nhật tình hình xử lý vào Hệ thống thông tin để thông tin cho người dân, doanh nghiệp (Hệ thống này do Văn phòng Chính phủ xây dựng và được tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Hệ thống Quản lý và đánh giá về kiểm soát thủ tục hành chính).
Đối với các phản ánh, kiến nghị có kết quả xử lý, trong 02 ngày làm việc các bộ, ngành, địa phương cập nhật kết quả vào Hệ thống thông tin để trả lời cho người dân, doanh nghiệp. Riêng các phản ánh, kiến nghị liên quan đến bí mật Nhà nước hoặc trong quá trình xử lý có các thông tin thuộc bảo vệ bí mật Nhà nước thì quy trình trả lời phải được thực hiện và quản lý theo chế độ mật, không cập nhật thông tin trên Hệ thống thông tin.
Cũng theo Thông tư này, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan hành chính Nhà nước được phân công xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp có trách nhiệm cập nhật, đăng tải công khai kết quả trả lời trên Hệ thống thông tin.
Thông tư này được ban hành ngày 31/10/2017; có hiệu lực từ ngày 15/12/2017.
- Nguyên tắc giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước
Ngày 07/11/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Việc giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải tuân thủ các nguyên tắc sau: Bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan và thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Bảo đảm tính hệ thống, kịp thời, đầy đủ và liên tục nhằm kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ thông tin, dữ liệu về mặt không gian và thời gian; giữa trung ương, địa phương và trên từng lưu vực sông; Bảo đảm tính thống nhất giữa yêu cầu về giám sát với hoạt động quan trắc của cơ sở được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Theo Thông tư này, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước là việc kiểm soát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thông qua việc theo dõi số liệu quan trắc của các cơ sở khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Việc giám sát được thực hiện bằng các hình thức sau đây: Giám sát tự động, trực tuyến: theo dõi số liệu đo đạc, quan trắc tự động, liên tục được kết nối và truyền trực tiếp vào hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Giám sát bằng camera: theo dõi hình ảnh bằng camera được kết nối và truyền trực tiếp vào hệ thống giám sát; Giám sát định kỳ: theo dõi số liệu đo đạc, quan trắc được cập nhật định kỳ vào hệ thống giám sát.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 22/12/2017.
- Tiêu chuẩn của giáo viên làm Tổng phụ trách Đội
Thông tư số 27/2017/TT-BGDĐT được Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành ngày 08/11/2017, trong đó quy định cụ thể về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn và cử giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập (sau đây gọi là Tổng phụ trách Đội).
Giáo viên được chọn để cử làm Tổng phụ trách Đội phải đáp ứng các tiêu chuẩn như: Đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên đang giữ; Đã được đào tạo nghiệp vụ công tác Đội cùng chuyên ngành giảng dạy hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác Đội; Có năng lực phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nhà trường để tổ chức các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi.
Đặc biệt, những giáo viên có khả năng về âm nhạc, mỹ thuật, thể dục thể thao, thuyết trình, tổ chức sự kiện, truyền thông sẽ được ưu tiên lựa chọn làm Tổng phụ trách Đội để giúp nhà trường tổ chức tốt các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi.
Cũng theo Thông tư, thời hạn giáo viên được cử làm Tổng phụ trách Đội là 05 năm; hết thời hạn trên, nhà trường có trách nhiệm bố trí giáo viên trở lại giảng dạy theo đúng chuyên ngành được đào tạo. Trường hợp giáo viên hết thời hạn được cử nhưng vẫn đủ tiêu chuẩn và có nguyện vọng tiếp tục làm thì hiệu trưởng và Hội đồng trường cũng thống nhất, xem xét, quyết định.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 24/12/2017.
- Quy định mới trong chuyển mục đích sử dụng đất
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 19/2017/TT-BNNPTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-BNNPTNT ngày 27/06/2016 hướng dẫn chi tiết Điều 4 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/04/2015 về quản lý sử dụng đất trồng lúa và hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm theo quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm cũng thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư số 19/2016/TT-BNNPTNT.
Đồng thời, Thông tư bổ sung nguyên tắc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm. Cụ thể: Việc chuyển đổi phải theo vùng để hình thành các vùng sản xuất tập trung và đảm bảo phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại để trồng lúa; Việc chuyển đổi phải đảm bảo khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có. Đối với chuyển đổi cơ cấu sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản thì chỉ cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120 cm, nhưng phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại để trồng lúa.
Thông tư này được ban hành ngày 09/11/2017, có hiệu lực từ ngày 25/12/2017.
- Thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới phải được khảo nghiệm
Ngày 10/11/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 20/2017/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện Nghị định 39/2017/NĐ-CP ngày 04/04/2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Theo đó, thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới phải được khảo nghiệm theo quy trình phù hợp với từng đối tượng vật nuôi. Trường hợp chưa có quy trình khảo nghiệm do Bộ ban hành thì khảo nghiệm theo quy trình do cơ sở khảo nghiệm tự xây dựng và được hội đồng thẩm định đề cương khảo nghiệm chấp nhận.
Về việc thuốc thú y sử dụng trộn vào thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải có tên trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép để phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm. Thuốc thú y trộn vào thức ăn chăn nuôi trong quá trình chế biến phải đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả của thuốc trong thời hạn sử dụng của từng loại thức ăn chăn nuôi.
Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc thú y có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh cho gia súc, gia cầm non và trị bệnh cho gia súc gia cầm không phải công bố tên, hàm lượng của kháng sinh trong tiêu chuẩn công bố áp dụng và mẫu nhãn sản phẩm khi đăng ký sản phẩm thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam, nhưng phải công bố tên, hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngừng sử dụng trên nhãn hàng hóa hoặc nhãn phụ, bao bì hoặc tài liệu kèm theo khi lưu hành trên thị trường.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 25/12/2017.
- Danh mục dược liệu độc làm thuốc
Ngày 13/11/2017, Bộ Y tế đã ra Thông tư số 42/2017/TT-BYT ban hành Danh mục dược liệu độc làm thuốc, làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền thực hiện quy định về quản lý đối với dược liệu độc trong kinh doanh, đăng ký, ghi nhãn, kê đơn, cấp phát, chế biến, bảo quản, sử dụng, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và các hoạt động khác có liên quan.
Danh mục dược liệu độc làm thuốc bao gồm: Danh mục dược liệu độc nguồn gốc thực vật; Danh mục dược liệu độc nguồn gốc động vật và Danh mục dược liệu độc nguồn gốc khoáng vật.
Cụ thể, Danh mục dược liệu độc nguồn gốc thực vật có 41 loại dược liệu, trong đó có: Cà độc dược; Cam thảo dây; Dừa cạn; Thầu dầu; Tỏi độc; Vạn tuế, Xoan… Danh mục dược liệu độc nguồn gốc động vật có 06 loại dược liệu, gồm: Bọ hung; Ngô công; Sâu ban miêu; Thiềm tô; Toàn yết. Danh mục dược độc nguồn gốc khoáng vật gồm 08 loại dược liệu, như: Bàng sa; Duyên đơn; Duyên phấn; Hùng hoàng…
Vì có độc tính nên các dược liệu nêu trên có thể gây ra phản ứng có hại nghiêm trọng; việc sử dụng làm thuốc cần phải chú ý đến cách sử dụng, kiểm soát chặt chẽ liều dùng, đối tượng dùng và phải được chế biến theo quy trình nghiêm ngặt, đúng kỹ thuật…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 28/12/2017.
- Bộ Y tế: Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật
Ngày 09/11/2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 41/2017/TT-BYT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, liên tịch ban hành.
Theo đó, 07 văn bản quy phạm pháp luật bãi bỏ toàn bộ gồm: Quyết định số 2244/2002/QĐ-BYT ngày 04/06/2002; Quyết định số 1113/2003/QĐ-BYT ngày 04/04/2003; Quyết định số 08/2007/QĐ-BYT ngày 19/01/2007; Thông tư số 06/2008/TT-BYT ngày 26/05/2008; Thông tư số 17/2009/TT-BYT ngày 25/09/2009; Thông tư số 44/2013/TT-BYT ngày 24/12/2013; Thông tư liên tịch số 25/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 16/07/2014.
Ngoài ra, 09 văn bản quy phạm pháp luật khác được bãi bỏ một phần. Trong đó: Thông tư số 09/2011/TT-BYT ngày 26/01/2011 (bãi bỏ các khoản 1, 2, 3 Điều 4); Thông tư số 46/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 (bãi bỏ Điều 5); Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/05/2013 (bãi bỏ các Điều 9, 12, 13, khoản 2 và 3 Điều 11)…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 31/12/2017.
- Quy định mới về xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ
Từ ngày 15-12-2017, việc xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân được thực hiện theo quy định tại Thông tư 279/2017/TT-BQP do Bộ Quốc phòng mới ban hành.
Về hình thức xuất ngũ, hạ sĩ quan, binh sĩ được xuất ngũ đúng thời hạn khi đã phục vụ tại ngũ đủ thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.
Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ trước thời hạn khi có một trong các điều kiện sau: Hội đồng giám định sức khỏe từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên hoặc hội đồng giám định y khoa cấp có thẩm quyền kết luận không đủ tiêu chuẩn sức khỏe phục vụ tại ngũ theo quy định.
Ban chỉ huy quân sự cấp huyện nơi hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ về có trách nhiệm tham mưu cho UBND cùng cấp tổ chức đón nhận hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ về địa phương theo quy định, đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết chế độ, chính sách theo quy định tại khoản 3 Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015