Tổng hợp các văn bản được ban hành từ ngày 12/3 đến – 17/3/2019

Trangtinphapluat.com tổng hợp, biên soạn giới thiệu các văn bản pháp luật quan trọng được ban hành từ 12-17/3/2019 như: Quy định về điều kiện nuôi trồng thủy sản, tủ sách pháp luật điện tử, đo đạc bản đồ…

1. Dữ liệu địa giới hành chính phải được cập nhật ngay khi có thay đổi

Ngày 13/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2019/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ, có hiệu lực 01/5/2019.

Theo đó, chu kỳ cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia là khoảng thời gian tối đa giữa hai lần cập nhật dữ liệu theo quy định như sau:

– Trong thời gian không quá 05 năm, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia phải được cập nhật định kỳ. Đối với cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ trung bình và tỷ lệ nhỏ vùng biển Việt Nam được cập nhật không quá 07 năm;

– Dữ liệu giao thông, dữ liệu dân cư được cập nhật định kỳ hàng năm;

– Cập nhật ngay đối với dữ liệu biên giới quốc gia, địa giới hành chính được thực hiện khi có sự thay đổi;

– Cập nhật ngay đối với khu vực có sự thay đổi bất thường phục vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu;…

2. 05 loại sách, tài liệu pháp luật có trong Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia

Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 14/2019/QĐ-TTg về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.

Theo đó, 05 loại sách, tài liệu pháp luật có trong Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia bao gồm:

– Tài liệu, đề cương giới thiệu các luật, pháp lệnh;

– Sách, tài liệu hỏi đáp, bình luận, giải thích, hướng dẫn pháp luật; tờ gấp, tiểu phẩm, câu chuyện pháp luật;

Quyết định 14/2019/QĐ-TTg về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật
Quyết định 14/2019/QĐ-TTg về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật

– Sách, tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về các lĩnh vực quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Nhà nước khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

Văn bản quy phạm pháp luật được liên kết, trích xuất từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Công báo điện tử nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cổng thông tin điện tử pháp điển…

3. Đến 2025, 70% KCN áp dụng giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm

Ngày 13/03/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành  Quyết định 280/QĐ-TTg Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030.

Chương trình đề ra mục tiêu đến năm 2025, đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 – 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025; giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5%; 70% khu công nghiệp và 50% cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; 80% công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… Đồng thời, sẽ thí điểm thành lập Quỹ Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua xã hội hóa, tài trợ và hợp tác của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm
Sử dụng năng lượng tiết kiệm

Chương trình được thực hiện từ năm 2019 đến năm 2030 với tổng kinh phí dự kiến khoảng 4.400 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách Trung ương khoảng 600 tỷ đồng; nguồn viện trợ không hoàn lại khoảng 1.600 tỷ đồng; vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi khoảng 2.200 tỷ đồng.

4. Quy định về điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 26/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, có hiệu lực 25/4/2019

Theo đó quy định về điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản như sau:

+ Cơ sở vật chất đối với nuôi trồng thủy sản trong ao (đầm/hầm), bể

– Bờ ao (đầm/hầm) bể làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm môi trường, không gây độc hại cho thủy sản nuôi, không rò rỉ nước; nơi chứa rác thải phải riêng biệt với nơi chứa, nơi xử lý thủy sản chết và tách biệt với khu vực nuôi, không làm ảnh hưởng đến môi trường.

Quy định về điều kiện nuôi trồng thủy sản
Quy định về điều kiện nuôi trồng thủy sản

– Trường hợp cơ sở nuôi trồng thủy sản có khu chứa trang thiết bị , dụng cụ, nguyên vật liệu phải đảm bảo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp; cơ sở nuôi trồng thủy sản có khu sinh hoạt, khu vệ sinh phải đảm bảo nước thải, chất thải sinh hoạt không làm ảnh hưởng đến khu vực nuôi

– Trường hợp cơ sở nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán hệ thống thâm canh phải có hệ thống xử lý nước cấp, nước thải riêng biệt; nơi chứa bùn thải phù hợp, có biển báo chỉ dẫn từng khu và đáp ứng các quy định nêu trên.

+ Cơ sở vật chất đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè, đăng quầng (sau đây gọi là nuôi lồng bè)

– Khung, lồng, phao lưới, đăng quầng phải làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm môi trường, không gây độc hại cho thủy sản nuôi và không để thủy sản nuôi sổng thoát ra môi trường; có thiết bị cảnh báo cho hoạt động giao thông thủy; nơi chứa rác phải riêng biệt với nơi chưá, nơi xử lý thủy sản chết, không làm ảnh hưởng đến môi trường.

– Trường hợp cơ sở nuôi trồng thủy sản có khu chứa trang thiết bị , dụng cụ, nguyên vật liệu phải đảm bảo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp; cơ sở nuôi trồng thủy sản có khu sinh hoạt, khu vệ sinh phải đảm bảo nước thải, chất thải sinh hoạt không làm ảnh hưởng đến khu vực nuôi

Trang thiết bị sử dụng trong nuôi trồng thủy sản  phải làm bằng vật liệu dễ làm vệ sinh, không gây độc đối với thủy sản nuôi, không gây ô nhiễm môi trường.

 

Tác giả Nguyễn Quốc Sử

Dịch vụ: Tư vấn pháp luật, bài giảng pháp luật, Tài liệu thi Công chức, Viên chức, thi nâng ngạch công chức... Liên hệ: kesitinh355@gmail.com. Điện thoại, Zalo: 0935634572

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *